Tiền Giang: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học về Anh hùng dân tộc Trương Định
Hội thảo khoa học là dịp để các đại biểu trao đổi, tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu về mảnh đất, con người Tiền Giang trong lịch sử và hiện tại, luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình và mến khách.
Sáng 16/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học “Dấu ấn lịch sử của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX”.
Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá, TS. Nguyễn Thành Bài, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành, thị cùng nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ...
NGUỒN ĐỘNG LỰC TO LỚN ĐỂ XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG TIỀN GIANG NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP, VĂN MINH
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh nêu, đối với người dân Tiền Giang, tấm gương bất khuất, tinh thần chiến đấu kiên cường trong đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược những năm 60 thế kỷ XIX của Anh hùng dân tộc Trương Định là nguồn động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, Lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cống hiến công sức, trí tuệ xây dựng quê hương Tiền Giang ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, phát huy truyền thống anh hùng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, song với ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ Tiền Giang đã lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Tiền Giang, đạt được những kết quả rất quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng 5,56%, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 84,4% dự toán năm.
Cùng với đó, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả thiết thực. Toàn tỉnh có 138/138 xã nông thôn mới, 51 xã nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 10/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, thể thao, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh cũng khẳng định, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Kết luận 21-KL/TW khóa XIII tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, của đảng viên tiếp tục được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được củng cố, nâng cao...
Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh tin tưởng rằng, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu trong và ngoài tỉnh, Hội thảo sẽ thành công tốt đẹp, tạo sức lan tỏa sâu rộng, để cùng với những thành tựu đạt được về mọi mặt của tỉnh, tạo cơ sở, tiền đề khích lệ niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết phấn đấu xây dựng Tiền Giang tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH TẦM VÓC, Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP TO LỚN CỦA CUỘC KHỞI NGHĨA TRƯƠNG ĐỊNH
Trong phát biểu Đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu nêu, Hội thảo khoa học là dịp để các đại biểu trao đổi, tiếp tục khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử và những đóng góp to lớn của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Đây cũng là dịp để tỉnh giới thiệu về mảnh đất, con người Tiền Giang trong lịch sử và hiện tại, luôn đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nghĩa tình và mến khách.
Theo đó, với mục đích góp phần làm rõ hơn những nội dung lịch sử của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang nói chung, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh oanh liệt, kiên cường, bất khuất của Anh hùng dân tộc Trương Định nói riêng, Hội thảo sẽ đi sâu, làm rõ một số nội dung theo các nhóm chủ đề:
Thứ nhất, bối cảnh xã hội Việt Nam và Nam kỳ nửa đầu thế kỷ XIX tác động đến cuộc Khởi nghĩa Trương Định.
Thứ hai, những tư liệu mới, phát hiện mới về thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định và các nhân vật lịch sử liên quan đến Khởi nghĩa Trương Định.
Thứ ba, chiến lược, chiến thuật quân sự trong cuộc Khởi nghĩa Trương Định.
Thứ tư, ý nghĩa, tác động của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam kỳ và cả nước nửa sau thế kỷ XIX.
Thứ năm, những sự kiện và di tích, di vật tiêu biểu trong cuộc Khởi nghĩa Trương Định.
Thứ sáu, bảo tồn và phát huy giá trị cụm di tích - di sản văn hóa Khởi nghĩa Trương Định trong công cuộc xây dựng, phát triển tỉnh Tiền Giang.
Thứ bảy, tình cảm của người dân Tiền Giang nói chung và người dân Gò Công nói riêng với Anh hùng dân tộc Trương Định.
Thứ tám, phát huy tinh thần của cuộc Khởi nghĩa Trương Định trong thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang hiện nay và giai đoạn mới.
Cùng với 42 tham luận gửi về Ban Tổ chức, các ý kiến phát biểu mở rộng của các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu tại Hội thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những dấu ấn lịch sử, cuộc đời, sự nghiệp và đóng góp của Anh hùng dân tộc Trương Định công cuộc chống giặc ngoại xâm; nhấn mạnh chiến lược, chiến thuật quân sự trong Khởi nghĩa Trương Định; xác định các điểm trong cụm di tích Khởi nghĩa Trương Định và đề cập đến công tác công tác trùng tu, tôn tạo, tuyên truyền, giáo dục trong thời gian tới...
ĐỂ LẠI NHIỀU BÀI HỌC KINH NGHIỆM SÂU SẮC VỀ QUY TỤ, CỐ KẾT NHÂN TÂM, KHƠI DẬY KHÁT VỌNG ĐỘC LẬP, TỰ DO
Phát biểu tổng luận Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Châu Thị Mỹ Phương cho biết, Hội thảo là một hoạt động trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 160 năm Ngày tuẫn tiết của Trương Định. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học, những người nghiên cứu, cán bộ và nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Theo đó, các công trình tham luận, nghiên cứu đã đã phân tích, làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn; đồng thời, mang tính lịch sử, khoa học cao. Trong đó luận giải nhiều vấn đề, nội dung liên quan bối cảnh Việt Nam và Nam kỳ trong nửa sau thế kỷ XIX; nêu lên diễn biến của Khởi nghĩa Trương Định; ý nghĩa, ảnh hưởng của Khởi nghĩa Trương Định trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tình cảm của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Tiền Giang, Quảng Ngãi nói riêng với Anh hùng dân tộc Trương Định; nhấn mạnh đến việc phát huy tinh thần quật khởi, anh hùng, vì nước quên thân của Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc và dựng xây đất nước...
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh, Khởi nghĩa Trương Định đã khơi dậy truyền thống yêu nước quật cường, nhân dân khắp cả nước đấu tranh kháng quân Pháp, bảo vệ độc lập, tự do, qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1858 - 1896, mà khởi đầu là cuộc kháng Pháp dưới sự lãnh đạo của Anh hùng dân tộc Trương Định. Qua đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về quy tụ, cố kết nhân tâm, khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ bờ cõi trên đất liền cũng như hải đảo, vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc ngày nay.
Đồng chí Châu Thị Mỹ Phương khẳng định, từ bài học lịch sử qua cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Trương Định tiếp tục khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói chung, tỉnh Tiền Giang và Quảng Ngãi nói riêng. Trong đó nổi bật là những thông điệp giá trị:
Một là, xây dựng, bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc, gắn liền với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân, thực hiện hiệu quả công tác dân vận “quân với dân như cá với nước” “quân với dân cùng một ý chí”.
Hai là, đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích chính đáng của nhân dân lên trên hết. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi - nơi sinh ra người Anh hùng dân tộc Trương Định; Tiền Giang - vùng đất đã nuôi dưỡng, tạo nên người Anh hùng dân tộc Trương Định sẽ luôn đoàn kết chung sức, chung lòng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Trương Định, qua đó khơi dậy niềm tự hào của thế hệ hậu sinh đối với các thế hệ cha ông đi trước luôn một lòng vì nước vì dân; lan tỏa trong cán bộ, đảng viên tinh thần đoàn kết, sống, làm việc xứng đáng với những người đi trước, làm tròn trách nhiệm và tình cảm với nhân dân, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho./.
Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, cuộc khởi nghĩa Trương Định là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất, ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ và cả nước nửa sau thế kỷ XIX. Dưới ngọn cờ “Bình Tây Đại Nguyên Soái” cuộc khởi nghĩa đã quy tụ nhiều tầng lớp tham gia diễn ra trên địa bàn rộng lớn ở khu vực Gia Định (Tiền Giang) và khắp các tỉnh Nam Kỳ gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất nặng nề, tạo được nhiều tiếng vang lớn.
Ngày 20/8/1864, giặc Pháp bất ngờ bao vây đánh úp nghĩa quân, Trương Định sau khi chiến đấu oanh liệt đến bị trọng thương, ông đã tuẫn tiết không để rơi vào tay giặc.
Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định đã nằm lại với mảnh đất Gò Công, để lại trong nhân dân lục tỉnh Nam kỳ nói chung, nhân dân Tiền Giang nói riêng niềm tiếc thương và sự kính yêu vô hạn. Cảm phục trước khí phách sáng ngời của vị Anh hùng dân tộc, nhân dân Gò Công, tỉnh Tiền Giang lập đền thờ và lễ giỗ của ông được duy trì tổ chức thường xuyên vào ngày 20/8 hằng năm, tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông là nơi ông tuẫn tiết và thị xã Gò Công, nay là TP Gò Công, tỉnh Tiền Giang là nơi xây dựng tượng đài và đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Ngày nay tại Tiền Giang vẫn còn tồn tại các di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Trương Định năm xưa như: Chiến lũy pháo đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông); Lũy trại cá (xã Tăng Hòa); Ao Dinh (xã Tân Phước); Đám lá tối trời (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông). Lũy Đồng Sơn (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây); Lũy Dung Giang (xã Bình Đông, TP Gò Công); Vịnh đá hàn - nơi nghĩa quân Trương Định lấy đá ngăn sông Cửa Tiểu…