Tiền Giang: Các điểm du lịch 'níu chân' du khách dịp tết
Dịp Tết Nguyên đán 2025, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thu hút đông du khách đến tham quan, vui chơi, ăn uống... So với năm trước, dịp tết năm nay, du khách đến Tiền Giang tăng mạnh.Ghi nhận tại các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đa phần các điểm du lịch đón lượng khách du lịch tăng khá so với những năm trước. Làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) là điểm đến quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước.
Ghi nhận tại Điểm du lịch Nhà cổ Ba Đức, lượng khách đến với nhà cổ vào các ngày nghỉ tết tăng so với năm trước. Từ ngày mùng 1 đến mùng 4 tết, nhà cổ đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, chụp ảnh và ăn trưa.
Còn tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) là điểm đến mới được nhiều du khách ưa chuộng khi đến Tiền Giang những năm gần đây. Theo Ban Giám đốc khu bảo tồn, lượng khách đến tham quan vào ngày mùng 1 tết khoảng hơn 100 khách.
Trại rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) là điểm đến “hot” nhất của tỉnh Tiền Giang trong dịp Xuân Ất Tỵ năm nay. Du khách đến tham quan được xem các loài rắn, thú, trình diễn lấy nọc rắn. Theo Ban Chỉ huy của trại rắn, lượng khách đến tham quan vào ngày mùng 1 là hơn 1.500 lượt. Sáng mùng 2 lượng khách đến tham quan tại trại rắn Đồng Tâm ghi nhận hơn 2.000 khách.
Các điểm du lịch trên địa bàn TP. Mỹ Tho như: Cù lao Thới Sơn, chùa Vĩnh Tràng… cũng thu hút đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan trong dịp tết. Anh Nguyễn Văn Thanh Sơn, chủ Điểm trà mật ong Kỳ Lân (xã Thới Sơn) chia sẻ: “Lượng khách đến điểm vào 2 ngày đầu năm mới này tương đối ổn định và tăng mạnh hơn so với ngày thường. Trung bình mỗi ngày, điểm đón từ 200 - 300 đoàn khách.
Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025, Thanh tra Sở Văn hóa -
Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với các phòng chuyên môn và Đội kiểm tra liên ngành về du lịch thực hiện kiểm tra, theo dõi sát tình hình diễn biến các hoạt động du lịch, nhất là việc công khai niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, cũng như triển khai các biện pháp, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến tập trung đông khách du lịch.
Hầu hết các điểm đến du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch đã chủ động bố trí lực lượng, cơ sở vật chất, chỉnh trang cảnh quan, bảo đảm vệ sinh môi trường bên trong cũng như bên ngoài và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ khách du lịch. Đồng thời, chấp hành tốt các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Để phục vụ cho du khách đến tham quan vào dịp tết này, điểm du lịch cũng đã trang trí khuôn viên bằng những chậu hoa tươi, lồng đèn treo tết. Bên cạnh đó, điểm du lịch cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực và dự trữ nguyên liệu, đồ uống để kịp thời phục vụ du khách”.
Chị Lê Thị Thúy Liễu, chủ Điểm đờn ca tài tử tại cù lao Thới Sơn chia sẻ: “Ngày tết, du khách đi du xuân nhiều hơn, nhất là các gia đình đông người. Số lượng khách đã tăng khoảng 30% so với những ngày thường và có phần tăng nhẹ so với năm trước”.
Anh Trương Thanh Hiếu, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ có thời gian nghỉ tết thì gia đình anh mới có dịp sum vầy nên cả nhà quyết định đi tham quan và du lịch miệt vườn ở Tiền Giang. Sau khi trải nghiệm cảm giác đi đò chèo và uống trà mật ong, anh thấy rất thoải mái với phong cảnh sông nước mát mẻ.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật (TP. Mỹ Tho), những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, du khách đặt tour của công ty đến Tiền Giang tham quan, du lịch tăng mạnh so với ngày thường. Trong đó, các ngày mùng 2, 3, 4, mỗi ngày công ty đón hơn 1.000 lượt khách đến tham quan cù lao Thới Sơn và tỉnh Bến Tre. Lượng khách quốc tế và khách nội địa tết năm nay cũng tương đương nhau.
Đầu năm mới, chùa Vĩnh Tràng tiếp tục là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhiều nhất tại Tiền Giang. Chị Yến Nhi, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi đến đây không chỉ để lạy Phật mà còn ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật đẹp. Khung cảnh rất thanh bình và phù hợp cho những ngày xuân”.
Còn tại khu vực phía Đông của tỉnh Tiền Giang, dịp Tết Nguyên đán năm 2025, Khu du lịch biển Tân Thành và biển Gò Công (huyện Gò Công Đông) trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Đặc biệt, du khách rất thích thú với trải nghiệm làm ngư dân cào nghêu và thưởng thức thành quả sau cả giờ cào nghêu.
Ghi nhận dọc theo tuyến đê biển Gò Công, nhiều bãi nghêu tại đây đã cung ứng dịch vụ cào nghêu trải nghiệm để phục vụ người dân khi thủy triều rút xuống. Có mặt tại bãi nghêu Tân Phú (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông), hàng trăm du khách bất chấp cái nắng và bùn đất lội xuống bãi nghêu để trải nghiệm cào nghêu.
Du khách cào được bao nhiêu ký nghêu sẽ được tính bấy nhiêu, với giá 30.000 đồng/kg. Nghêu sau khi bắt được, nếu không mang về, các bãi nghêu cũng sẽ cung cấp dịch vụ chế biến để du khách ăn tại chỗ. Do đó, các bãi nghêu thu hút rất đông du khách trong dịp Tết Nguyên đán này.
Em Trần Anh Quân (huyện Gò Công Đông) cho biết, để trải nghiệm, giải trí ngày tết, em cùng hơn 10 người thân trong gia đình đến bãi nghêu để trải nghiệm cào nghêu. “Em thấy công việc này hơi vất vả, nhưng bù lại rất vui. Trước giờ em chỉ ăn nghêu người ta bắt sẵn chứ không biết cách bắt như thế nào” - em Quân hào hứng nói.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong 7 ngày nghỉ tết (từ ngày 26 tháng Chạp đến mùng 5 tết), tổng lượt khách du lịch, tham quan tại tỉnh là 183.126 lượt, tăng 25,6% so với Tết Nguyên đán 2024; trong đó, khách quốc tế 20.052 lượt, tăng 25,4% so với cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 140 tỷ đồng, tăng 27,4% so với cùng kỳ.
Công suất sử dụng phòng nghỉ khách sạn bình quân đạt 80%. Một số điểm đến thu hút đông du khách nổi bật như: Khu du lịch cù lao Thới Sơn, Khu du lịch biển Tân Thành, Quảng trường Hùng Vương, Trại rắn Đồng Tâm, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chùa Liên Hoa, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác và các di tích lịch sử, văn hóa.