Tiền Giang: Chủ động giải pháp ứng phó hạn, mặn
Xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 được dự báo tương đương mùa khô năm 2023 - 2024. Trên cơ sở dự báo này, tỉnh Tiền Giang đã chủ động đưa ra phương án phòng, chống hạn, mặn để bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt của người dân.PHÍA ĐÔNG KHẨN TRƯƠNG
Khu vực phía Đông của tỉnh là vùng chịu tác động trực tiếp của xâm nhập mặn. Để đảm bảo ngăn mặn, đảm bảo nước ngọt tưới cho khoảng 38.400 ha tại vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, hiện toàn huyện đã xuống giống gần 7.640 ha lúa đông xuân; trong đó, diện tích xuống giống sau ngày 20-12 (sau lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp) khoảng 1.250 ha.
Do đó, có khả năng, diện tích lúa xuống giống sau ngày 20-12 sẽ bị ảnh hương rất lớn. Để phòng, chống hạn, mặn, địa phương sẽ thực hiện theo đúng phương án ứng phó hạn, mặn của tỉnh và huyện. Theo đó, huyện sẽ tập trung khơi thông dòng chảy và trục vớt lục bình.
Đồng thời, kiểm tra, xử lý rò rỉ tại các cống cặp sông lớn, đảm bảo ngăn mặn triệt để. Huyện sẽ tổ chức bơm chuyền nước từ các kinh trục vào các kinh nội đồng, kinh sườn trong trường hợp xâm nhập mặn gay gắt.
Theo Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tiền Giang Võ Văn Thông, dự báo, tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương mùa khô 2023 - 2024.
Tuy nhiên, có những lúc xâm nhập mặn cao hơn mùa khô 2023 - 2024. Dự báo, trên sông Tiền, chiều sâu ranh mặn 1 g/l sẽ đến khu vực vàm kinh Nguyễn Tấn Thành đến Kim Sơn (huyện Châu Thành), cách cửa sông 50 - 60 km. Chiều sâu ranh mặn 4 g/l dự báo cách cửa sông từ 40 - 48 km.
Trên nhánh sông Hàm Luông, xâm nhập mặn bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm, biên mặn 4 g/1 lấn sâu đến 53 - 58 km (thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre); biên mặn 1 g/1 lấn sâu vào nội đồng cách cửa sông 68 - 72 km (thuộc xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) vào tháng 3-2025. Tại trạm Hòa Nghĩa cách cửa sông 72 km, cách sông Tiền 2 km (về thượng nguồn), độ mặn cao nhất từ 0,5 - 1 g/1.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông, địa phương nằm ở cuối nguồn Dự án Ngọt hóa Gò Công, chịu ảnh hưởng lớn và trực tiếp của tình hình hạn, mặn.
Do đó, huyện đã chủ động đưa ra các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn. Trong thời gian tới, UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang trong việc vận hành lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn huyện xuống giống hơn 8.500 ha. Để đảm bảo nguồn nước sản xuất, huyện sẽ tập trung tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm.
Đồng thời, công khai nguồn kinh phí nạo vét các tuyến kinh, sửa chữa các cống để phục vụ phòng, chống hạn, mặn. Địa phương sẽ tuyên truyền người dân trục vớt lục bình, tạo sự thông thoáng trên các kinh, rạch để tăng lượng nước ngọt tích trữ.
PHÍA TÂY SẴN SÀNG
Những năm gần đây, diễn biến xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực phía Tây của tỉnh. Với những dự báo về tình hình xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025, tỉnh đã đưa ra các phương án ứng phó cho khu vực này.
Theo đó, đối với vùng Dự án Bảo Định mở rộng sang vùng kiểm soát lũ, tỉnh sẽ tập trung đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới cho khoảng hơn 124.000 ha sản xuất nông nghiệp trong khu vực của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Theo đồng chí Trần Hoàng Nhật Nam, trên cơ sở diễn biến của hạn, mặn, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân.
Cụ thể, ngành Nông nghiệp sẽ tích trữ nước vào các ao chứa, đặc biệt là các khu vực Gò Công, Tân Phú Đông. Đồng thời, vận hành các giếng khoan; mở các vòi nước công cộng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân kịp thời.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai các giải pháp công trình như: Kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Năm Thôn; phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, Long An theo dõi diễn biến mặn từ cửa sông Hàm Luông xâm nhập qua sông Tiền, xâm nhập mặn trên tuyến sông Vàm Cỏ để các địa phương biết chủ động đắp đập ngăn mặn kịp thời.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước và giữ vệ sinh nguồn nước; tập trung giải phóng các chướng ngại vật lòng kinh, khai thông dòng chảy trên các tuyến kinh lớn, kinh vừa, kinh nhỏ.
Đối với giải pháp công trình, tỉnh sẽ tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn theo phân cấp quản lý; củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, ngăn triều cường có sẵn; tổ chức đắp đập nhằm ngăn mặn, trữ ngọt.
Để đảm bảo ngăn mặn, Tiền Giang sẽ đề nghị tỉnh Long An kiến nghị Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 đẩy nhanh tiến độ thi công 3 cống còn lại trên Quốc lộ 62: Bến Kè, Rạch Chùa, Kênh 12 để cùng với các cống đã được đầu tư đảm bảo ngăn mặn cho 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.
Song song đó, tỉnh sẽ đóng ngăn mặn các cống: Nguyễn Tấn Thành và 6 cống trên đường tỉnh 864 gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U, Cây Còng, Hai Tân, Cái Sơn khi độ mặn trên sông Tiền tại vàm kinh Nguyễn Tấn Thành vượt ngưỡng 0,5 g/l. Đồng thời, tổ chức 8 điểm bơm chuyền để bổ cấp nguồn nước cho các khu vực của các xã: Song Thuận, Long Hưng, Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Đông Hòa thuộc huyện Châu Thành bị thiếu nước khi các cống, đập đóng ngăn mặn từ phía sông Tiền. Trong trường hợp độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre từ 1,5 - 2 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, tỉnh sẽ tiến hành đắp lần lượt 3 đập thép ngăn mặn gồm: Trà Tân, Ba Rài và Phú An.
Đối với vùng cù lao xã Tân Phong, xã Ngũ Hiệp và cù lao Long Đức, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, bên cạnh các giải pháp phi công trình, tỉnh sẽ nạo vét các tuyến kinh, sửa chữa các cống đập để trữ nước.
Đồng thời, vận hành 17 giếng khoan dự phòng để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nguồn nước ngọt. Khi độ mặn trên sông Hàm Luông tại Vàm Mơn từ 1 - 1,5 g/l và có xu thế tiếp tục tăng, huyện Cai Lậy sẽ đóng 5 cửa cống dưới các đập đất tại xã Ngũ Hiệp và đắp 5 đập tạm ngăn mặn tại xã Tân Phong.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 đến sớm hơn mùa khô 2023 - 2024 gần 25 ngày. Tình hình diễn biến mặn rất phức tạp, do đó cần có giải pháp chủ động ứng phó.
Sở NN&PTNT đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt Phương án 448 về phòng, chống và ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, mùa khô 2024 - 2025, ngành Nông nghiệp chọn phương án phòng, chống hạn, mặn theo kịch bản của năm 2023 - 2024 để bảo vệ sản xuất an toàn và nước sinh hoạt cho người dân. Trong thời gian tới, các địa phương cần nghiên cứu dự báo để điều chỉnh phương án phòng, chống hạn, mặn trên địa bàn cho phù hợp.
Ngành Nông nghiệp sẽ theo dõi sát tình hình xâm nhập mặn để vận hành hệ thống cống thủy lợi. Cụ thể, khi cống Xuân Hòa có điều kiện lấy nước nước ngọt, ngành Nông nghiệp sẽ vận hành lấy nước để phục vụ sản xuất cho vùng Ngọt hóa Gò Công.