Tiền Giang: Chủ động nhận diện, đấu tranh phòng, chống 'cát tặc'

Thời gian qua, các ngành, các cấp tỉnh Tiền Giang triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên và đạt được nhiều kết quả quan trọng.XỬ LÝ QUYẾT LIỆT

Thời gian qua, Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép. Đặc biệt, Công an tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật trên các địa bàn trọng điểm.

Bắt nhóm đối tượng dùng “người nhái” dò tìm nguồn cát để khai thác trái phép trên sông Tiền.

Bắt nhóm đối tượng dùng “người nhái” dò tìm nguồn cát để khai thác trái phép trên sông Tiền.

Trong năm 2023, lực lượng Công an đã khởi tố 7 vụ, 9 bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, xử phạt vi phạm hành chính 205 vụ, 284 đối tượng (tăng 207% số vụ so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, có 61 vụ, 126 đối tượng khai thác cát trái phép), tổng số tiền phạt trên 17 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an phát hiện, xử lý 133 vụ, 209 đối tượng vi phạm (trong đó, khởi tố 4 vụ, 4 bị can về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, xử phạt vi phạm hành chính 109 vụ, 170 đối tượng; có 35 vụ, 76 đối tượng khai thác cát trái phép), tổng số tiền phạt trên 6,4 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Lộc, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Lực lượng Công an xác định 4 địa bàn trọng điểm gồm các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phú Đông và TP. Mỹ Tho; 40 chủ sở hữu với 147 phương tiện (85 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; 62 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm).

Ngoài ra, Công an tỉnh đã lên danh sách 75 bến bãi tập kết, kinh doanh khoáng sản nhằm tập trung nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định. Có thể nói, chưa lúc nào công tác xử lý vi phạm trên lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản được tập trung giải quyết quyết liệt như thời gian qua, với các hình thức xử lý nghiêm minh nhằm tạo sức răn đe.

VÌ SAO “CÁT TẶC” VẪN CÒN

Đại tá Nguyễn Văn Lộc đánh giá, nguyên nhân chính phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này là do lợi nhuận rất cao từ hoạt động khai thác cát trái phép, trong khi nguồn cung khan hiếm nhưng nhu cầu sử dụng cát rất lớn.

Theo số liệu của Sở Xây dựng trong giai đoạn từ 2023 - 2030, tỉnh Tiền Giang cần khoảng 24 triệu m3 cát phục vụ cho 21 công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, chưa kể nhu cầu riêng lẻ của nhân dân; nếu giải quyết được nguồn cung thì tình trạng khai thác cát trái phép sẽ có chiều hướng giảm.

Bên cạnh đó, với tuyến đường thủy có chiều dài gần 120 km, địa bàn giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp nhưng lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này còn mỏng; trong khi đó các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó với các cơ quan chức năng như: Hoạt động tại khu vực địa bàn giáp ranh, thực hiện vào ban đêm; sử dụng “thợ lặn” thăm dò cát trước khi khai thác, tổ chức lực lượng cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng sẽ thông báo cho các phương tiện khai thác chạy vào bờ; sử dụng các phương tiện gỗ trang bị máy hút cát có đấu nối trực tiếp qua các sà lan trọng tải lớn hoặc phương tiện gắn các thiết bị vừa chạy vừa hút cát. Bên cạnh đó, các chủ phương tiện thường thuê người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc thực hiện thủ đoạn cho thuê phương tiện để đối phó với quy định tịch thu phương tiện khi bị bắt giữ...

Ngoài ra, lực lượng chức năng tuần tra, xử lý phải thuê phương tiện bên ngoài, do đó không chủ động trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc kiểm tra, bắt giữ các phương tiện vi phạm còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, một số vụ các đối tượng vi phạm chống đối, bỏ chạy, không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, gây khó khăn trong quá trình bắt giữ, xử lý. Mặt khác, một số quy định của pháp luật điều chỉnh, xử lý vi phạm trên lĩnh vực này còn nhiều bất cập so với thực tiễn hoặc chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Lộc, một nguyên nhân chủ quan nữa là trách nhiệm của một số sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chưa thật sự quyết liệt, thiếu đồng bộ; còn xem đây là nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng Công an.

Đồng thời, công tác xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật (khoáng sản, xây dựng, đầu tư, thuế....) nhưng công tác phối hợp, quản lý, phòng ngừa, đấu tranh giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, đối với một số công trình có sử dụng nguồn vật liệu cát để san lấp mặt bằng chưa được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, tạo điều kiện cho các đối tượng có nơi tiêu thụ cát trái phép.

CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ

Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phòng, chống khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; vùng giáp ranh giữa Tiền Giang với các tỉnh: Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phối hợp, đấu tranh tại địa bàn giáp ranh. Đồng thời, kiến nghị các sở, ngành vào cuộc tăng cường phối hợp cùng lực lượng Công an thực hiện các nhiệm vụ.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ rà soát quy hoạch, đánh giá trữ lượng các mỏ cát hiện có trên địa bàn tỉnh để tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh cấp phép khai thác, giải quyết tình trạng khan hiếm cát san lấp như hiện nay.

Sở Giao thông - vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các phương tiện tự ý hoán cải, lắp đặt hệ thống máy hút cát không đúng quy định; kịp thời xử lý không để các đối tượng sử dụng phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra nguồn gốc đầu vào cát san lấp phục vụ các công trình của tỉnh, huyện; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc tiêu thụ cát san lấp không rõ nguồn gốc.

Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh cần phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc hợp pháp.

Chi Cục thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kê khai, nộp thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh cát san lấp, kịp thời phát hiện các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định.

Đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các sở, ngành, địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân để kịp thời nắm tình hình, xác định khu vực trọng điểm về khai thác cát trái phép; tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các lực lượng phát hiện, bắt giữ hoặc thông báo cơ quan chức năng xử lý ngay từ cơ sở; giải quyết cơ bản các “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, không để bức xúc trong nhân dân.

LONG GIANG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202406/tien-giang-chu-dong-nhan-dien-dau-tranh-phong-chong-cat-tac-1013726/