Tiền Giang: Chủ động ôn thi tốt nghiệp THPT
Cùng với cả nước, học sinh lớp 12 tỉnh Tiền Giang đang nỗ lực thực hiện chương trình học kỳ II năm học 2022 - 2023. Song song với thực hiện chương trình, các trường THPT đã chủ động cho học sinh ôn tập các kiến thức cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Để đạt được kết quả kỳ thi như mong muốn, cán bộ quản lý, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng như các trường THPT đã có những chia sẻ giúp học sinh có những định hướng quan trọng ban đầu trong ôn thi.
* TIẾN SĨ LÊ THỊ LOAN, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC - GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN (SỞ GD-ĐT):
Cần chủ động lên kế hoạch ôn tập
Theo những thông tin mới đây từ Bộ GD-ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vẫn cơ bản được giữ nguyên như kỳ thi năm 2022. Nội dung đề thi năm nay bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, trong đó có tỷ lệ câu hỏi nhất định cho phần vận dụng, liên hệ thực tiễn. Đến thời điểm này, học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kỳ thi giữa học kỳ II. Một trong những tài liệu quan trọng phục vụ ôn tập mà học sinh lớp 12 cần chú ý, đó là bám sát chương trình và sách giáo khoa.
Với mỗi môn học sẽ có những đặc trưng riêng, chính vì vậy, ngay từ bây giờ, học sinh cần chủ động lên kế hoạch ôn tập thật cụ thể. Việc nên làm là cần tóm tắt nội dung bài học theo từng chương, từng bài theo hướng sơ đồ hóa sao cho dễ nhớ kiến thức và thuận tiện trong quá trình học cũng như ôn tập. Trên cơ sở lý thuyết, học sinh sẽ vận dụng giải quyết tốt các dạng bài tập theo 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Ngay sau khi có đề thi tốt nghiệp THPT minh họa năm 2023, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh sẽ nắm cấu trúc, các dạng câu hỏi ra trong đề, để từ đó có những định hướng ôn tập bám sát ở từng môn học.
* THẦY NGUYỄN PHÚC VIỄN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHỢ GẠO, HUYỆN CHỢ GẠO:
Hệ thống, nắm chắc kiến thức
Ôn thi tốt nghiệp THPT là công việc quan trọng trong mỗi năm học. Thời điểm này, nhà trường đã có những bước đầu chủ động trong công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, dựa vào kết quả học kỳ I, cũng như kết quả điểm thi giữa học kỳ II tới đây, nhà trường sẽ có bước sàng lọc, phân loại nhằm có những định hướng quan trọng trong quá trình ôn tập cho học sinh.
Với học sinh khá giỏi sẽ tăng cường các giải pháp ôn tập cho học sinh vận dụng tốt những kiến thức, kỹ năng để hoàn thành các bài thi. Còn với học sinh trung bình, yếu sẽ có giải pháp chủ yếu giúp các em lấy lại kiến thức nền tảng, có thể vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT quan trọng sắp tới.
Trong quá trình học tập cũng như ôn thi tới đây, công tác quan trọng mà giáo viên cần làm là giúp học sinh hệ thống lại kiến thức, nắm chắc kiến thức từng chương, từng bài quan trọng, từ đó đưa ra biện pháp, kỹ năng để trả lời các câu hỏi, giải các bài tập.
Với kiểm tra đánh giá, giáo viên cần chú trọng áp dụng các hình thức kiểm tra, đánh giá đã được hướng dẫn tại các văn bản của Bộ GD-ĐT nhằm giúp học sinh nắm được bài, khắc sâu kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên không nên tạo áp lực quá nhiều bài tập, bài kiểm tra cho học sinh.
* THẦY DƯƠNG THANH PHƯƠNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT TỨ KIỆT, TX. CAI LẬY:
Quan tâm, chăm lo cho học sinh yếu kém
Bằng những kinh nghiệm trong rất nhiều năm qua, bên cạnh công tác học tập, ôn thi, nhà trường cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo tư tưởng, tình cảm của học sinh, đặc biệt là đối với học sinh có học lực yếu kém, với quyết tâm không để bất cứ học sinh khối 12 nào phải bị bỏ lại phía sau. Theo đó, công tác giáo viên chủ nhiệm được đánh giá là rất quan trọng, ở mỗi lớp, giáo viên cần nắm bắt tinh thần, thái độ, gia cảnh của từng học sinh.
Với học sinh có học lực yếu kém, giáo viên không thể đòi hỏi cao ở các em, mà chúng ta làm sao giúp các em đạt mức trung bình là đã thành công. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nên động viên học sinh có học lực khá, giỏi hỗ trợ các bạn có học lực yếu kém hơn, qua đó vừa củng cố kiến thức, vừa giúp các bạn tiến bộ.
Giáo viên chủ nhiệm trong từng lớp, mà đặc biệt là khối 12 phải nắm và tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình, nền nếp sinh hoạt, khuyên nhủ học sinh về thái độ học tập, nếu có hiện tượng bất thường phải có hướng xử lý kịp thời. Đồng thời, giáo viên phối hợp với gia đình giáo dục ý thức học tập của học sinh, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để có hướng điều chỉnh phù hợp, tránh trường hợp các em phải bỏ học.
ĐỖ PHI (lược ghi)
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202303/tien-giang-chu-dong-on-thi-tot-nghiep-thpt-972472/