Tiền Giang: Chủ động phòng, chống sạt lở

Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Tiền Giang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng ngày càng tăng về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Trước tình hình đó, các cấp, các ngành đã chủ động thực hiện các giải pháp khắc phục sạt lở.NHIỀU 'ĐIỂM NÓNG'

Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), tính đến tháng 9-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 101 điểm sạt lở với chiều dài gần 7,5 km, ước kinh phí xử lý trên 133,5 tỷ đồng. Trong đó, huyện Cái Bè là một trong những “điểm nóng” về sạt lở bờ sông.

Điểm sạt lở bờ sông Cái Bè ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) gây mất một đoạn đường đan dài ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Điểm sạt lở bờ sông Cái Bè ở ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè) gây mất một đoạn đường đan dài ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, tính đến tháng 9-2021, toàn huyện có đến 40 điểm sạt lở, với tổng chiều dài trên 2,2 km. Sạt lở xảy ra nhiều ở các tuyến đê bao dọc các sông. Nhiều nơi sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất như điểm sạt lở ở sông Cái Bè, trước nhà ông Hà Văn Sơn thuộc xã Đông Hòa Hiệp làm sụp mất đoạn đường đan và ăn sâu vào đê bao ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Cai Lậy cũng xảy ra khá phức tạp với 44 điểm sạt lở, tổng chiều dài gần 2,2 km. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình, ngoài biến đổi khí hậu, nguyên nhân sạt lở còn do người dân tận dụng hết nguồn lực đất đai để canh tác, tình trạng trồng các cây lớn dọc các tuyến kinh, tuyến đường nên khi xảy ra mưa gió dễ xảy ra sạt lở. Ở khu vực ven biển, rừng phòng hộ cũng bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng. Tại những vị trí rừng không còn hoặc đai rừng mỏng, các cấp, các ngành đã phải đầu tư kè mái để chống xói lở đê biển.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nguyễn Đức Thịnh, có nhiều nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, bờ sông như: Nền đất yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều Biển Đông và tác động mạnh mẽ của sóng; mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ.

“Ngoài ảnh hưởng do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, điều đáng lo ngại là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để lấy nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản làm đất bị lún dần. Nghiên cứu gần đây của Viện Địa chất Na Uy đã chỉ ra rằng, mặt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lún trung bình 3 cm/năm trong 30 năm qua” - đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho biết.

CHỦ ĐỘNG XỬ LÝ

Trước tình hình sạt lở phức tạp, các địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp để khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho đời sống, kinh tế và tính mạng của người dân. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, đối với 44 điểm sạt lở mới phát sinh năm 2021, huyện kiến nghị tỉnh đến khảo sát thực tế và xem xét cho chủ trương, kinh phí để kịp thời xử lý; trong đó, có một số điểm cần có chủ trương xử lý khẩn cấp.

Theo số liệu thống kê từ năm 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 547 điểm sạt lở bờ sông, bờ kinh với tổng chiều dài gần 51,14 km, kinh phí xử lý hơn 346,3 tỷ đồng. Trong năm 2021, Tiền Giang tiếp tục được Trung ương hỗ trợ 150 tỷ đồng để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo Quyết định 118 ngày 27-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện 5 dự án; trong đó có 3 dự án sạt lở với tổng chiều dài trên 2,8 km, kinh phí xử lý hơn 110,2 tỷ đồng.

Còn theo Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, Phòng đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ các xã che tạm các điểm sạt lở; vận động người dân cùng tham gia gắn lưới B40, che bạt… để chống triều cường. Do tính cấp thiết nên huyện đã chủ động cho thi công khẩn cấp 2 điểm sạt lở tại bờ Đông kinh 8 trong tổng số 40 điểm để bảo vệ tài sản, tính mạng và sản xuất của nhân dân. Hiện huyện đã trình tỉnh các danh mục xử lý sạt lở.

Theo Chi cục Thủy lợi, trong tổng số 101 điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương xử lý 12 điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng với chiều dài trên 1,9 km (kinh phí xử lý hơn 58,9 tỷ đồng) và đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh hỗ trợ xử lý 40 điểm, chiều dài trên 2 km (kinh phí xử lý hơn 47,9 tỷ đồng). 49 điểm sạt lở còn lại với chiều dài gần 3,56 km, tỉnh giao UBND các địa phương chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để xử lý.

Về giải pháp lâu dài trong ứng phó với sạt lở, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh cho biết, Chi cục sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các ngành thực hiện các giải pháp như: Rà soát, quy hoạch các tuyến dân cư ven sông, ven đê biển có nguy cơ sạt lở; xây dựng bản đồ dự báo nguy cơ sạt lở; lập dự án đầu tư các ô bao trên địa bàn các huyện phía Tây; quy hoạch tuyến luồng chạy tàu và quy định vận tốc tối đa của tàu thuyền trên một số trục giao thông chính để hạn chế sạt lở…

Cùng với đó, Chi cục sẽ phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo người dân không xây dựng nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng…, hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202111/tien-giang-chu-dong-phong-chong-sat-lo-938162/