Tiền Giang: Cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp chia sẻ tư duy, tầm nhìn mới

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang là cơ hội để các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp đề xuất giải pháp, công nghệ mới, những sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tại Ngày hội. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tại Ngày hội. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là giới doanh nhân trong tỉnh, ngày 8/8, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang.

Ngày hội thu hút hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ trên các ngành, lĩnh vực tại Tiền Giang tham gia.

Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng nhấn mạnh đây là cơ hội để các chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp của địa phương gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ những tư duy mới, tầm nhìn hay; đề xuất các giải pháp, công nghệ mới, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của mình trên thị trường.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong ngoài tỉnh đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, dịch vụ chủ lực, kết nối sản phẩm đến người tiêu dùng và thị trường.

Ông Trần Văn Dũng khẳng định, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 với nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, tinh thần kinh doanh, ý chí khởi nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành, trong lực lượng đoàn viên, thanh niên ưu tú và học sinh, sinh viên; trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định các giải pháp then chốt là tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

 Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tại Ngày hội. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Lãnh đạo tỉnh tham quan các gian hàng của doanh nghiệp tại Ngày hội. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Đặc biệt, cùng với làn sóng khởi nghiệp cả nước, Tiền Giang đã từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng qua các năm. Theo đó, mỗi năm, tỉnh có thêm từ 700-800 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong 5 năm qua (từ năm 2019-2023) là 3.817 doanh nghiệp, tăng gần 1,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó; nâng địa phương hiện có trên 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng vai trò tích cực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh.

Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, ông Bùi Băng Sơn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Trí Sơn, chủ sở hữu thương hiệu Yến sào Trí Sơn nổi tiếng ở Tiền Giang cho biết chiến lược mà doanh nghiệp theo đuổi là xây dựng và phát triển hệ thống trang trại nhà yến Trí Sơn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi theo chuỗi liên kết, nâng chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, để tạo sự khác biệt, doanh nghiệp Trí Sơn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, từ quá trình khai thác đến chế biến tổ yến với dây chuyền hiện đại. Nhờ vậy, sản phẩm Yến sào Trí Sơn đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao và hơn 30 sản phẩm từ yến sào đạt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh và đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường các tỉnh, thành phía Nam.

Phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới cần khắc phục các mặt tồn tại, hạn chế, tiếp tục duy trì sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ vào đổi mới sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp.

Trước mắt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đồng thời với kịp thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp tốt.

Mặt khác, cần nghiên cứu các chính sách, chủ trương của Trung ương để kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, trên tinh thần “chắp cánh khởi nghiệp-khát vọng thành công,” các địa phương trong tỉnh cũng chú trọng quan tâm, tạo điều kiện cho các ý tưởng khởi nghiệp đi vào thực tế đời sống, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, kịp thời giúp doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát triển và mở rộng sản xuất-kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, giải quyết công ăn việc làm và an sinh xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-co-hoi-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep-chia-se-tu-duy-tam-nhin-moi-post969506.vnp