Còn những rào cản với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo xanh

Thị trường thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe nên các doanh nghiệp (DN) Việt buộc phải đổi mới sáng tạo, hướng tới sản xuất xanh, tăng năng suất, chất lượng mới cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại đến từ các nước khác.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn nhiều rào cản để tham gia sâu hơn vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: V.Gia

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn còn nhiều rào cản để tham gia sâu hơn vào đổi mới sáng tạo. Ảnh: V.Gia

Hiện nay, các DN đang nỗ lực tham gia vào sản xuất xanh. Tuy nhiên, DN gặp các hạn chế về nguồn lực và những “khoảng trống” về chính sách, việc này đã cản trở quá trình phát triển đổi mới sáng tạo theo xu hướng xanh.

Mới chỉ bắt đầu ở mức cơ bản

Tháng 7-2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã ra mắt báo cáo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DN nhỏ và vừa ở Việt Nam”. Báo cáo chỉ ra rằng, ở Việt Nam, đổi mới sáng tạo xanh đã được các DN (trong đó có DN vừa và nhỏ) quan tâm, nhất là các lĩnh vực như: nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm...

Theo Phó viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương, đổi mới sáng tạo xanh giúp DN tiếp cận thị trường, tăng khả năng sinh lời theo chuỗi giá trị mới. Điều này tạo cơ sở để DN đáp ứng trước các tiêu chuẩn và các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn, thu hút đầu tư và tăng năng suất, năng lực công nghệ.

Hạn chế hiện nay là các chính sách hỗ trợ chủ yếu là các chương trình tập huấn và đào tạo, trong khi DN có nhu cầu về kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng...

Tuy nhiên, thực tế hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DN còn hạn chế, mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ còn thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao. CIEM đánh giá hệ thống giải pháp, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo xanh trong DN Việt chưa thực sự đồng bộ và vẫn còn những “khoảng trống” pháp lý.

Giám đốc Công ty TNHH Astek (thành phố Biên Hòa) Lê Xuân Thời cho hay, với sự phát triển của công nghệ số hóa, các dây chuyền tự động được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất, đó chính là thị trường để Công ty Astek hướng tới. Công ty cố gắng sáng tạo ra những sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của khách hàng. Quá trình hoạt động, Astek gặp khó khăn về vốn để mua nguyên liệu và sản xuất cơ khí, chế tạo máy, tự động hóa; bởi, mỗi loại máy có chi phí nguyên liệu, nhân công lên đến hàng trăm triệu đồng, có những máy móc trị giá hàng tỷ đồng nên không tính toán kỹ sẽ không thể đầu tư được.

Và những tín hiệu tích cực

Khó khăn nhưng xu hướng chung của cộng đồng DN là ngày càng thay đổi để theo kịp với xu hướng thế giới. Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam trong năm 2022 cho thấy tín hiệu tích cực. Qua khảo sát, có 90% số DN thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh đã và đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, chỉ có 10% là chưa bắt đầu hoặc chưa có sự chuyển đổi rõ rệt.

CIEM cũng tiến hành khảo sát trong năm 2023 tại các địa phương để xây dựng Báo cáo Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Tháng 9-2023, khi khảo sát tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hoa Cương đánh giá, các DN Đồng Nai cũng như cả nước ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, dựa trên các đặc điểm ngành, đã có những sáng kiến đa dạng để áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn ở các giai đoạn như: tái chế, tái sử dụng, thiết kế lại sản phẩm.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) Lê Bạch Long cho hay, găng tay cao su là sản phẩm chính của DN với 70% cung ứng cho thị trường nội địa, 30% xuất khẩu ra nước ngoài. Tại nhà máy của Nam Long, DN chú trọng vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng hiệu suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, DN tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải để góp phần bảo vệ môi trường. Các dây chuyền sản xuất găng tay cao su của Nam Long đều được tự động hóa, giảm lao động, nâng sản lượng. Công ty đặt hàng thiết kế và chế tạo các dây chuyền mới sản xuất theo mô hình tuần hoàn.

Đồng Nai cũng rất quan tâm đến đổi mới sáng tạo trong DN, cuối năm 2023, có 6 DN được cấp giấy chứng nhận DN khoa học - công nghệ. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12015/KH-UBND về chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, Đồng Nai khuyến khích các DN mới, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời tiếp tục nghiên cứu các chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp và lồng ghép nhiều hoạt động khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/con-nhung-rao-can-voi-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-xanh-9966232/