Tiền Giang đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành

Tiền Giang đang khẩn trương đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập tạm khác nhằm bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân hai tỉnh Tiền Giang và Long An.

Sáng 28-1, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành tại km 01+070 (thuộc địa phận xã Song Thuận và xã Bình Đức, huyện Châu Thành).

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, hiện xâm nhập mặn mùa khô 2020-2021 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hai nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Và mặn cũng đã bắt đầu xâm nhập vào các sông lớn trên địa bàn. Độ mặn đo được vào sáng ngày 27- 1 tại TP Mỹ Tho 1,73 g/l và ở cống Xoài Hột 1,03 g/l, vượt ngưỡng cho phép về nước sinh hoạt.

Bắt đầu đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: ĐH

Bắt đầu đắp đập tạm ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Ảnh: ĐH

Trước tình hình trên, ngày 28-1, UBND tỉnh quyết định triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành và 7 đập thép khác để đảm bảo tính đồng bộ và bảo vệ nước sinh hoạt cho khoảng 1,1 triệu dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. trong đó, tỉnh Tiền Giang là khoảng 800 ngàn dân.

Đồng thời, bảo vệ cho khoảng 128.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó Tiền Giang khoảng 108.000 ha, Long An 20.000 ha. Việc triển khai đắp các đập thép nhằm đảm bảo ngăn mặn lấn vào nội đồng của dự án Bảo Định và vùng phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

Dự kiến đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành và các đập thép khác sẽ hợp long vào trước Tết Nguyên đán 2021.

Trước đó vào ngày 27-1, Chi Cục đường thủy nội địa phía Nam cũng đã có thông báo tạm ngừng lưu thông các phương tiện thủy qua khu vực để đắp đập tạm trên kênh Nguyễn Tấn Thành kể từ ngày 28-1.

Đồng thời hướng dẫn các phương tiện thủy có thể chuyển lưu thông qua các tuyến kênh khác theo các hướng sau:

Hướng thứ 1: Sông Tiền -> kênh Tháp Mười số 2 (kênh Nguyễn Văn Tiếp) -> kênh Xáng Long Định (kênh Nguyễn Tấn Thành) và ngược lại.

Hướng thứ 2: Sông Tiền -> kênh Tháp Mười số 2 -> kênh Xáng Long Định (kênh Nguyễn Tấn Thành) -> Rạch Chanh (âu Rạch Chanh) -> sông Vàm Cỏ Tây và ngược lại.

Hướng thứ 3: Sông Tiền -> kênh 28 -> kênh Tháp Mười số 2 (kênh Nguyễn Văn Tiếp) -> kênh Xáng Long Định (kênh Nguyễn Tấn Thành) -> sông Vàm Cỏ Tây và ngược lại.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/tien-giang-dap-dap-tam-ngan-man-tren-kenh-nguyen-tan-thanh-964320.html