Tiền Giang đặt mục tiêu có thêm 890 doanh nghiệp thành lập mới

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 200.000 lao động với thu nhập ổn định; riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh có thêm 350 doanh nghiệp thành lập mới.

Công nhân nhà máy Want Want Việt Nam làm việc trong dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ Nhật Bản tại Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang). (Ảnh: Lâm Nguyên/TTXVN)

Công nhân nhà máy Want Want Việt Nam làm việc trong dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ Nhật Bản tại Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang). (Ảnh: Lâm Nguyên/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang, nhờ địa phương có nhiều giải pháp tạo môi trường đầu tư thuận lợi, trải thảm đỏ khuyến khích phát triển doanh nghiệp nên từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có thêm 350 doanh nghiệp thành lập mới đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tỉnh hiện có khoảng 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 200.000 lao động với thu nhập ổn định.

Tiền Giang phấn đấu trong năm 2024, có thêm 890 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so năm 2023.

Để đạt mục tiêu, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phát triển doanh nghiệp; tạo điều kiện đưa kinh tế tư nhân phát triển vững chắc, tạo cú hích tích cực cho nền kinh tế theo tinh thần Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết số 07-NQ/TƯ, ngày 26/7/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Trong năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai các kế hoạch thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp như Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; kế hoạch tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp trên địa bàn; kế hoạch phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh; kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trong tỉnh… kèm các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng và các hành lang pháp lý khác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Lĩnh vực địa phương chú trọng nhiều nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cung ứng dịch vụ hành chính công thuộc các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư, lao động, xây dựng và các dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan cho các doanh nghiệp, đảm bảo thời gian giải quyết nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi nhất; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính gắn với thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

Qua đó, đảm bảo 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" được giải quyết trước hạn và đúng hạn, đáp ứng yêu cầu, phù hợp quy định của pháp luật, được doanh nghiệp hoan nghênh.

Trong năm 2024, thông qua các buổi càphê doanh nhân được Ủy ban Nhân dân tỉnh kết hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tổ chức định kỳ hàng tháng, thu hút doanh nghiệp và doanh nhân trên địa bàn, Tiền Giang tăng cường kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Qua đó, giúp các đối tác gặp gỡ, trao đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong việc vay vốn tín dụng ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn về dòng vốn tín dụng phục vụ sản xuất-kinh doanh; thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tăng trưởng mạnh mẽ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các cấp, các ngành hữu quan phối hợp triển khai đồng bộ, chủ động, linh hoạt các chính sách về lãi suất, các gói hỗ trợ lãi suất cho vay, điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời khi có nhu cầu.

Cùng với coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, Tiền Giang cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm song song với quan tâm phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong năm, tỉnh tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung-cầu trong ngoài nước; thông qua các giải pháp kích cầu thúc đẩy phát triển thương mại-dịch vụ hướng tới các thị trường truyền thống của tỉnh, cũng như các thị trường mới có nhiều tiềm năng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tien-giang-dat-muc-tieu-co-them-890-doanh-nghiep-thanh-lap-moi-post961976.vnp