Tiền Giang: Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Thời gian qua, trên cơ sở thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang và Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2026 (gọi tắt là QCPH), BHXH tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều giải pháp phối hợp tuyên truyền, vận động đến các tầng lớp nhân dân về chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC PHỐI HỢP

Cụ thể hóa nội dung QCPH, BHXH tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức đa dạng, từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Trong đó, chú trọng việc tổ chức các cuộc tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức hội thi, hội thảo, tọa đàm, đối thoại với nông dân về các chủ trương, chính sách pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...

Cụ thể, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức 22 cuộc tuyên truyền tại các xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh, với 1.008 cán bộ, hội viên tham dự. Tại cấp huyện, 2 ngành còn phối hợp tổ chức 612 cuộc hội nghị tuyên truyền với 22.304 hội viên tham dự, vận động được đông đảo người dân tham gia các chính sách bảo hiểm.

Các tập thể thuộc Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nhận Giấy khen của BHXH tỉnh vì đã có thành tích trong thực hiện chương trình phối hợp giữa BHXH và Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang.

Các tập thể thuộc Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang nhận Giấy khen của BHXH tỉnh vì đã có thành tích trong thực hiện chương trình phối hợp giữa BHXH và Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông Nguyễn Hữu Lộc cho biết: “Hội Nông dân xã đã phối hợp với BHXH huyện Gò Công Đông mở các lớp tập huấn “Thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT” cho cán bộ từ xã đến ấp, triển khai về những điểm mới của Luật BHXH, BHYT; phối hợp cùng ngành Bưu điện và đại lý thu bảo hiểm của xã tổ chức tư vấn, vận động cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, Hội Nông dân xã còn đẩy mạnh tuyên truyền theo hướng “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để hội viên, nông dân hiểu ý nghĩa nhân văn của BHXH, BHYT và tự nguyện tham gia...”

Để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, 2 ngành BHXH và Hội Nông dân đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phó Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Huỳnh Hữu Phúc cho biết: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao của 2 ngành, cán bộ, lãnh đạo Hội Nông dân - BHXH các cấp cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, bằng những kinh nghiệm thực tế, đề xuất giải pháp linh hoạt, hiệu quả nhằm thực hiện tốt các nội dung trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên Hội Nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, tiếp tục nâng cao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Quyết định của UBND tỉnh giao.

Tại TX. Gò Công, công tác phối hợp cũng được BHXH và Hội Nông dân thực hiện nhịp nhàng với nhiều kết quả tích cực. Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX. Gò Công Trần Văn Lời cho biết: Ngay sau khi triển khai thực hiện QCPH, Hội Nông dân thị xã, các xã, phường phối hợp BHXH thị xã tổ chức tuyên truyền, đối thoại, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, BHXH bằng nhiều hình thức phong phú.

Cụ thể, phát hành đến các cơ sở Hội với số lượng 2.300 tờ gấp “Những điều cần biết khi tham gia BHYT theo hộ gia đình” và 251 cuốn “Cẩm nang tuyên truyền vận động nông dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT” dành cho cán bộ Hội cấp cơ sở, giúp cán bộ các chi, tổ Hội thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...

Ngoài ra, các cấp Hội cũng đã tích cực tham gia vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi... hỗ trợ hàng trăm triệu đồng giúp hội viên, nông dân thuộc diện hộ gia đình cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tham gia BHYT. Riêng trong năm 2023, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh đạt 95,6% đạt và vượt 2,6% so với chỉ tiêu giao; tỷ lệ bao phủ BHXH chiếm 31% lực lượng lao động trong độ tuổi.

BHXH tỉnh không những phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền mà còn thực hiện tốt công tác phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, quy định pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bằng việc thực hiện 4 cuộc kiểm tra, giám sát có 116 lượt cán bộ BHXH và cán bộ Hội tham gia. Nhờ đó mà phản ánh của hội viên, người dân về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng được kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ.

“ĐẾN TỪNG NGÕ, GÕ TỪNG NHÀ, GẶP TỪNG HỘI VIÊN”

Theo đánh giá của lãnh đạo BHXH tỉnh Tiền Giang, công tác phối hợp tuyên truyền của BHXH và Hội Nông dân đã mang lại nhiều kết quả phấn khởi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nền kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc vận động hội viên, người dân tham gia các chính sách bảo hiểm vẫn chưa đạt như kỳ vọng; tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm tại các cơ sở y tế, gây ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân, nhất là đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, công tác triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện QCPH của một số đơn vị, địa phương đôi lúc chưa thường xuyên, hiệu quả mang lại không cao…

Trong đó, triển khai kịp thời Kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia BHXH, BHYT năm 2024, nhất là ưu tiên tuyên truyền những địa phương xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; các địa phương giảm tỷ lệ bao phủ, người tham gia đến hạn chưa tham gia lại... Cần cụ thể hóa nội dung hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế từng đơn vị, nhất là tăng cường công tác đối thoại, tuyên truyền xuống tận chi, tổ Hội và hộ dân; sơ kết, đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm những vấn đề hạn chế trong công tác phối hợp. Tại các cấp cơ sở, Hội Nông dân và BHXH huyện chủ động lồng ghép các kế hoạch, chương trình tuyên truyền hằng năm giữa 2 ngành.

Cùng với đó, chủ động tuyên truyền rộng rãi các cá nhân, tập thể, cơ sở Hội có những mô hình hay, có hiệu quả để nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc vận động tuyên truyền hội viên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình góp phấn phát triển công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT chung trong tỉnh. Đồng thời, tập trung thực hiện các hình thức tuyên truyền trực tiếp như: Đối thoại, tư vấn, giải thích tại địa bàn cơ sở, các cụm dân cư theo phương châm “đến từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng hội viên”... để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là những chính sách mới, điểm mới của các chính sách bảo hiểm; trao đổi kinh nghiệm, tính hiệu quả giữa các Hội, các địa phương với nhau…

HOÀI THU - LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202404/tien-giang-day-manh-phoi-hop-tuyen-truyen-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-1007024/