Tiền Giang: Đẩy mạnh truyền thông dân số cho cán bộ, công nhân lao động trong khu công nghiệp
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS, KHHGĐ) trong các khu công nghiệp, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh và Liên đoàn Lao động, Công đoàn các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh, Công đoàn Công an tỉnh đã phối hợp triển khai thực hiện với nhiều cách làm mới, góp phần nâng cao chất lượng dân số, phát huy lợi thế cơ cấu 'dân số vàng', điều chỉnh tốc độ tăng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe công nhân, người lao động đạt hiệu quả cao.
Công đoàn các KCN tỉnh Tiền Giang hiện đang quản lý 79 công đoàn cơ sở trực thuộc, với gần 62.000 đoàn viên, trong đó, lao động nữ chiếm đa số, ở 3 KCN gồm: Long Giang, Tân Hương, Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An.
Chính vì vậy, nhận thức được ý nghĩa, vai trò của công tác dân số - KHHGĐ, chăm sóc SKSS trong công nhân lao động (CNLĐ), những năm qua, Công đoàn các KCN phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc SKSS với các hoạt động tập trung vào các vấn đề liên quan đến chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, lồng ghép công tác tuyên truyền các kiến thức về gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới... với nhiều hình thức như: Nói chuyện chuyên đề, tập huấn, tổ chức kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, Ngày Dân số Việt Nam 26-12, Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…
Theo Chi cục Dân số - KHHGĐ, qua nhiều chương trình truyền thông lưu động, tiếp xúc với thanh niên công nhân, đặc biệt là lao động nữ, nhận thấy nhiều chị em thiếu kiến thức CSSKSS. Nguyên nhân chủ yếu là do ít có cơ hội tiếp cận thông tin. Cường độ làm việc vất vả, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, các hình thức giải trí hầu như không có nên nhiều chị em quên cả việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, nhất là SKSS.
Theo đó, bằng nhiều hình thức truyền thông linh hoạt đến CNLĐ với những nội dung về chính sách pháp luật liên quan tới công tác dân số - KHHGĐ, lợi ích của việc tham gia sàng lọc trước sinh và sơ sinh; chăm sóc SKSS, SKSS tiền hôn nhân, nuôi con bằng sữa mẹ; khám sức khỏe định kỳ hằng năm... Thông qua buổi tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của người lao động về công tác dân số - KHHGĐ, về SKSS, kiến thức về giới và những vấn đề về hôn nhân gia đình… Từ đó, người lao động có những kiến thức để tự bảo vệ mình, phòng tránh những bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, SKSS và năng suất, hiệu quả lao động, góp phần xây dựng gia đình, xã hội ấm no hạnh phúc.
Chị Nguyễn Hồng Tố Mai, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Nhà máy Tiền Giang cho biết: “Được tham dự buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là SKSS, những kiến thức rất hữu ích cho bản thân cũng như gia đình.
Đáng chú ý, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm đối với người lao động cũng được các đơn vị quan tâm; hằng năm có trên hàng chục ngàn lượt CNLĐ được khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa. Nhiều công ty, doanh nghiệp có phòng y tế được trang bị tương đối đầy đủ về giường, tủ thuốc; bố trí cán bộ trực ban, khám, chăm sóc, sơ cấp cứu ban đầu cho CNLĐ; một số doanh nghiệp còn chú trọng việc lắp đặt và sử dụng có hiệu quả phòng vắt, trữ sữa; hỗ trợ tiền gửi con tại nhà trẻ, mẫu giáo…
Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam - chi nhánh Nhà máy Tiền Giang Nguyễn Ngọc Hòa cho biết: Buổi truyền thông rất có ý nghĩa, đã tuyên truyền đến CNLĐ các kiến thức trong việc chăm sóc SKSS. Đồng thời, bản thân sẽ tuyền truyền về lợi ích của việc sàn lọc trước khi sinh, không chọn giới tính khi sinh; cũng như thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên đến các anh chị em CNLĐ tại công ty.
Để triển khai tốt công tác dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe, SKSS cho CNLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với chuyên môn, tạo nhiều nguồn lực đầu tư cho tuyên truyền, tư vấn nhằm giúp CNLĐ, đặc biệt là lao động nữ dần thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi. Đồng thời, tăng cường mở rộng các loại hình hỗ trợ phương tiện, dịch vụ y tế chăm sóc SKSS, tạo điều kiện thuận lợi cho CNLĐ được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc SKSS, đặc biệt là lao động nữ được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ y tế.