Tiền Giang: Để cây thanh long phát triển bền vững

Những năm qua, cây thanh long đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có cuộc sống ổn định, khấm khá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sản xuất và tiêu thụ trái thanh long vẫn còn gặp khó khăn. Để phát triển bền vững cây thanh long, Tiền Giang đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là chú trọng thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ.ĐẦU RA CHƯA ỔN ĐỊNH

Cũng như nhiều loại cây trồng khác, thời gian qua, tình hình sản xuất cây thanh long trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn, chủ yếu là do đầu ra không ổn định.

Để cây thanh long phát triển bền vững, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Để cây thanh long phát triển bền vững, cần xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Bén duyên với cây thanh long cách nay hơn 20 năm, gia đình ông Huỳnh Văn Hân (ấp Quang Khương, xã Quơn Long) đang canh tác 7 công thanh long ruột đỏ, với hơn 1.000 gốc. Thời gian đầu, ông Hân trồng thanh long theo kiểu truyền thống.

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ông cũng như nhiều hộ dân xung quanh đã dần chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Hân, thanh long bắt đầu có giá ổn định và cho thu nhập cao hơn trồng lúa.

Ông Hân bày tỏ: “Cách đây 20 năm, khi đến vùng đất Quơn Long, nhiều người sẽ thấy nơi đây nông dân chỉ làm lúa, còn rất khó khăn. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, nhiều người bất ngờ về sự đổi thay từ nhà cửa đến đường sá của người dân địa phương. Cây thanh long đã mang lại nguồn kinh tế rất lớn cho người dân xã Quơn Long nói riêng và huyện Chợ Gạo nói chung”.

Tuy nhiên, ông Hân và nhiều người trồng thanh long cũng trăn trở bởi có những lúc thanh long trúng mùa mất giá. Do đó, có những năm, người trồng thanh long rất khó khăn, điển hình như năm 2021. “Nông dân trồng thanh long rất lo lắng về giá vật tư nông nghiệp và công lao động. Mặt bằng chung hiện nay rất cao. Người dân luôn mong muốn đầu ra trái thanh long luôn ổn định; bởi thời gian qua khi thanh long thu hoạch rộ, giá sẽ giảm thấp” - ông Hân băn khoăn.

Thực tế cho thấy, liên kết sản xuất, tiêu thụ yếu và thiếu là khó khăn lớn nhất hiện nay đối với phát triển cây thanh long. Theo Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sách Hưng Thịnh Phát (xã Quơn Long), toàn xã có diện tích thanh long khoảng 1.050 ha.

Hiện HTX có 80 thành viên với khoảng 50 ha. Ngoài ra, HTX còn thành lập 8 tổ liên kết tại 8 ấp trên địa bàn xã triển khai sản xuất mô hình thành long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên nền tảng đó, HTX đã xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 150 ha và hiện đã được chứng nhận 115 ha.

Ông Cao Trung Quý, Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Hưng Thịnh Phát cho biết: “Từ sau đại dịch Covid-19, thanh long bán được giá. 2 năm qua, mặt bằng chung ở xã Quơn Long là nông dân trồng thanh long duy trì sản xuất tốt. HTX thu mua thanh long của nhà vườn theo đơn hàng của các đối tác.

Tuy nhiên, sản lượng thanh long của nông dân rất lớn, nhưng đơn hàng của HTX chưa nhiều nên không thể thu mua hết của người dân. HTX chỉ thu mua khoảng 10% - 20% sản lượng, còn lại nông dân bán cho các thương lái. Trung bình mỗi tháng, HTX thu mua khoảng 500 tấn thanh long của thành viên và các hộ dân trong chuỗi liên kết”.

Huyện Chợ Gạo là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 6.600 ha; trong đó diện tích đang cho trái 5.545 ha, với sản lượng thu hoạch 180.000 tấn/năm. Trong đó, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 2.200 ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên 300 ha.

Hiện nay, toàn huyện có 101 mã số vùng trồng xuất khẩu với diện tích 5.923 ha tại các thị trường: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand và 5 mã số cơ sở đóng gói thanh long. Theo UBND huyện Chợ Gạo, nhìn chung, diện tích thanh long có giảm hơn so với các năm trước.

Nguyên nhân là do giá bán còn bấp bênh, không ổn định. Nông dân tiêu thụ thanh long chủ yếu là bán qua thương lái. Trong khi đó, giá vật tư ngày càng tăng cao, năng suất giảm do tình hình thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài trong mùa khô…

Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết: “Thanh long đang là cây trồng giúp ổn định đời sống người dân trên địa bàn. Tuy hiệu quả mà cây thanh long mang lại cho nông dân cao, nhưng vẫn chưa ổn định và bền vững. Giá cả còn bấp bênh và lệ thuộc chủ yếu vào thương lái”.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GẮN VỚI LIÊN KẾT CHUỖI

Để cây thanh long phát triển bền vững, việc xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là hướng đi cần tập trung thực hiện. Theo đồng chí Cao Tấn Hưởng, để phát triển cây thanh long bền vững, trong thời gian tới, đòi hỏi nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất. Nông dân phải sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đặc biệt là phải có sự liên kết ổn định với doanh nghiệp/HTX.

Ông Hân đang canh tác 7 công thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Hân đang canh tác 7 công thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tập trung tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để người dân sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ. Đồng thời, tập trung xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý dịch hại để đáp ứng nhu cầu của nhiều nước nhập khẩu.

Địa phương tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp/HTX liên kết chặt chẽ với nông dân cả đầu vào và đầu ra. Điều này nhằm xây dựng vùng nguyên liệu lớn với chất lượng đồng đều, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu với giá cả ổn định.

Huyện còn khuyến khích người dân/doanh nghiệp/HTX chế biến sản phẩm từ trái thanh long. Hiện nay, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đã chế biến các sản phẩm từ thanh long như: Thanh long sấy dẻo, nước cốt thanh long lên men, nước ép thanh long, rượu thanh long...

Đồng chí Cao Tấn Hưởng cho biết: “Huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển cây thanh long và nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, mỗi xã một sản phẩm. Địa phương sẽ kết hợp 2 nghị quyết chuyên đề này lại, “phân vai” cụ thể trong việc thực hiện chuỗi liên kết.

Theo đó, nông dân cố gắng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt phục vụ thị trường. Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, HTX phát triển, đóng vai trò liên kết, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm dưới hình thức bao tiêu. Huyện sẽ cụ thể hóa 2 nghị quyết chuyên đề thành kế hoạch hằng năm để triển khai thực hiện.

Trong đó, giải pháp trọng tâm là đầu tư nâng hạ tầng về điện, giao thông, thủy lợi để phục vụ phát triển sản xuất…”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, để phát triển bền vững cây thanh long, trong thời gian tới, giải pháp mà ngành Nông nghiệp đưa ra là tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, nâng chất lượng trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, tạo điều kiện thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác; khuyến khích nông dân trồng thanh long theo hướng an toàn; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).

Để sản xuất bền vững cây thanh long, việc tổ chức liên kết sản xuất - tiêu thụ là hướng đi tất yếu hiện nay. Trước mắt, ngành Nông nghiệp khuyến khích xây dựng mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ trên sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP.

Ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ và hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác tiếp cận và nhận hỗ trợ từ các chính sách: Đầu tư kết cấu hạ tầng, cán bộ trẻ làm việc có thời hạn; đào tạo, bồi dưỡng; củng cố, nâng cao năng lực hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho HTX, tổ hợp tác.

Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển thị trường, trong đó chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thanh long để phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ thanh long tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc...

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202407/tien-giang-de-cay-thanh-long-phat-trien-ben-vung-1017032/