Tiền Giang: Gần 30% người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và gần 91,6% người dân tham gia bảo hiểm y tế
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tiền Giang, đến cuối tháng 5-2023 toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 212.560 người tham gia BHXH, đạt 89,53% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 do BHXH Việt Nam giao; trong số này có hơn 17.600 người tham gia BHXH tự nguyện.
Về số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), toàn tỉnh có 1.534.682 người tham gia BHYT do tỉnh phát hành thẻ, đạt 95,86% kế hoạch năm và tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đến thời điểm cuối tháng 5-2023 là gần 91,6%.
Theo đồng chí Võ Oanh Liệt, Phó Giám đốc BHXH Tiền Giang, bên cạnh những thuận lợi và kết quả khả quan trong hoạt động, BHXH tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trong đó, công tác phát triển người tham gia BHXH tiếp tục giảm gần 9.000 người ở nhóm đối tượng bắt buộc. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tình hình thế giới hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải giảm lao động hoặc cho công nhân làm việc cầm chừng do thiếu đơn hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, chậm trễ trong các biện pháp thanh toán.
Đặc biệt, doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài đã giảm hơn 6.500 lao động so với năm 2022. Người lao động bị tác động tâm lý cho rằng khi sửa Luật BHXH, người lao động chỉ được lãnh phần tiền trên tỷ lệ % BHXH của mình đóng, một phần không nhỏ người lao động chỉ đi làm các công việc tự do, không tham gia BHXH để chờ ngày lãnh tiền BHXH một lần.
Những tác động tiêu cực từ bảo hiểm nhân thọ gần đây đã làm người lao động lo lắng về tính minh bạch của hệ thống BHXH. Người dân có thể không tin tưởng rằng họ sẽ được hưởng các khoản lợi ích khi gặp phải tình huống xấu, hoặc họ không tin tưởng rằng tiền đóng bảo hiểm của họ sẽ được sử dụng đúng mục đích. Do đó, một số lượng lớn lao động nghỉ việc khi được giới thiệu việc làm mới thì không đồng ý, chỉ chờ lãnh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) xong rồi sẽ nhận BHXH một lần.
Một nguyên nhân nữa là khi rà soát số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ sản xuất, kinh doanh, quản lý còn hạn chế và sử dụng lao động chủ yếu là người thân trong gia đình nên chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động.
Cụ thể, khi rà soát 396 đơn vị do cơ quan Thuế cung cấp có quyết toán thuế năm 2022 để rà soát lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có 24 đơn vị với 58 lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới tuy nhiều nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể không có khả năng tồn tại do hoạt động kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp mở rộng đăng tuyển lao động với nhiều chính sách ưu đãi, thu hút nhưng vẫn không tuyển được lao động. Ngoài ra, số doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh, Long An tổ chức xe đưa đón công nhân đến tận địa bàn ấp, xã... ở Tiền Giang nên lao động trẻ tuổi ở nông thôn, kể cả lao động đang làm việc và tham gia BHXH tại Tiền Giang nhảy việc chuyển lên TP. Hồ Chí Minh, Long An khá nhiều (do mức lương, thưởng người lao động được hưởng cao hơn so với làm việc tại tỉnh).
Đối với việc phát triển số lao động tham gia BHXH tự nguyện, Phó Giám đốc BHXH Tiền Giang cho biết đơn vị đang gặp khó khăn về phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, so với năm 2022 đã giảm giảm 1.783 người.
Nguyên nhân là mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất nâng từ 138.600 đồng/tháng lên 297.000 đồng/tháng (đối tượng khác) do mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn nâng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng; vì vậy nhiều người dân đã tham gia nay không có điều kiện đóng tiếp.
Cụ thể là tình trạng thất nghiệp gia tăng, điều này dẫn đến việc ít người đóng BHXH tự nguyện cho người thân, bởi vì họ không có thu nhập đủ để chi trả các khoản đóng. Thêm vào đó, quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện chưa được cao (không có chế độ ốm đau, thai sản) nên chưa thu hút người dân tham gia.
Về phát triển BHYT, dù số người tham gia BHYT trong tháng 5-2023 tăng 10.652 người so với tháng trước, nhưng vẫn còn giảm hơn 2.000 người so với năm 2022.
Nguyên nhân được BHXH Tiền Giang đưa ra là do thực hiện Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh năm 2023, cụ thể giảm 0,2% so với năm 2022. Từ đó, số người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm so với cuối năm 2022 là 9.856 người. Đối tượng hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT rất hạn chế do tâm lý chờ được Nhà nước hỗ trợ 100% (mặc dù đã được hỗ trợ 60% mức đóng).
Tính đến ngày 31-5-2023, chỉ có 12.447/23.459 người dân có mức sống trung bình tham gia BHYT, còn 11.012 (chiếm tỷ lệ gần 50%) người chưa tham gia. Học sinh, sinh viên theo quy định là nhóm tham gia BHYT bắt buộc, tuy nhiên hiện nay còn 926 học sinh, sinh viên chưa tham gia.
Vì kinh tế khó khăn nên nhiều người dân đã tham gia BHYT hộ gia đình nay không có điều kiện tham gia tiếp. Và có thực trạng là một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang có xu hướng chuyển lao động đóng BHXH bắt buộc tại công ty mẹ, hiện đang có 4 đơn vị với gần 3.000 lao động thực hiện sự dịch chuyển này.