Tiền Giang khai thác và sử dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế

Năm 2019, Tiền Giang sẽ tiếp tục đổi mới, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế...

Ông Mai Quang Khải, quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ông Mai Quang Khải, quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, điều này đòi hỏi Tiền Giang phải tiếp tục đổi mới, hành động mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế Tiền Giang tiếp tục phát triển… Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mai Quang Khải, quyền Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Xin ông cho biết khái quát về những thành tựu nổi bật của tỉnh Tiền Giang trong quý I/ 2019?
Cục trưởng Mai Quang Khải: Tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2019 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, GRDP quý I/2019 ước đạt 15.196 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 6,8%, cao hơn 0,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ 6,4%). Cụ thể, trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,1%; khu vực dịch vụ tăng 6,6%.
Trong quý I/2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 17,5% so cùng kỳ. Vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 6.143 tỷ đồng, tăng 8,8%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,9%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%; lượng khách du lịch tăng 5,8%; trong đó, khách quốc tế tăng 5,5%; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 8% và tăng 118% về vốn đăng ký.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng; dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 37,2% (cùng kỳ 37,4%); khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,2% (cùng kỳ 27,9%); khu vực dịch vụ chiếm 28,8% (cùng kỳ 29,9%)… Phóng viên: Thông tin chung về dân số, tình trạng dân cư, tình trạng lao động, việc làm, tình trạng nhà ở… là những nội dung sẽ được tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Vậy, xin ông cho biết thực trạng về tình hình lao động, nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh, có những bất cập gì?
Cục trưởng Mai Quang Khải: Dân số trung bình của tỉnh năm 2018 ước tính 1.763.927 người, tăng 0,7% so với năm 2017, bao gồm: dân số nam chiếm 49,1% tổng dân số; dân số nữ chiếm 50,9%. Dân số khu vực thành thị là 273.268 người, chiếm 15,5% tổng dân số, tăng 0,7% so với năm trước; dân số khu vực nông thôn là 1.490.659 người, chiếm 84,5%, tăng 0,7% so với năm trước.
Lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế chiếm 62% tổng dân số (tương ứng 1.094.294 người) tăng 1,2% so cùng kỳ năm trước, dân số khu vực thành thị chiếm 15,2% và khu vực chiếm nông thôn 84,8%; trong số lao động tham gia hoạt động kinh tế, số lao động có việc làm khoảng chiếm 97%.
Về cơ cấu cấu lao động có sự chuyển dịch phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng nhưng vẫn còn thấp chỉ có 12,1% trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế; trong đó lao động đã qua đào tạo ở khu vực thành thị là 26,3% và nông thôn là 9,8%, do đó lao động phổ thông là chủ yếu.
Qua khảo sát thực tế và nguồn kết quả điều tra mẫu lao động việc làm hàng tháng cho thấy tỷ lệ lao động thất nghiệp chung của toàn tỉnh năm 2018 là 1,6% thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so cùng kỳ 2017 (năm 2017 là 1,7%) nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn chiếm tỷ lệ khá cao lên đến 2,8% cao hơn 1,7 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Sở dĩ, số lao động thất nghiệp khu vực thành thị năm 2018 có phần tăng hơn so cùng kỳ, làm cho tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị tăng là do có một số lao động đã làm việc những công việc không phù hợp nên đã nghỉ việc, một số lao động khác làm trong lĩnh vực chế biến thủy sản đã tạm thời nghỉ việc trong thời gian dài đến thời điểm điều tra vẫn chưa làm việc do công ty chưa có nguyên liệu… Vì vậy, đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2018 tăng so với cùng kỳ năm 2017.
Theo số liệu khảo sát mức sống năm 2016, tỷ lệ hộ có nhà ở chia theo loại nhà kiên cố chiếm 13,06%; nhà bán kiên cố chiếm 78,5%; nhà thiếu kiên cố chiếm 7,16% và nhà đơn sơ chiếm: 1,28%.
Tôi cho rằng, thực trạng về lao động và nhà ở hiện nay trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều bất cập như: kinh tế của Tiền Giang là kinh tế nông nghiệp, lao động khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng rất lớn; về cơ cấu cấu lao động có sự chuyển dịch nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có tăng nhưng lao động nông thôn chưa quan tâm đến đào tạo trình độ kỹ thuật để ứng dụng vào các đề án, mô hình tái cấu trúc ngành nông nghiệp của tỉnh. Về nhà ở có cải thiện nhưng khu vực nông thôn vẫn ở mức thấp…
Phóng viên: Trước thực trạng dân cư của các tỉnh lân cận đổ về tỉnh Tiền Giang, có tạo nên sức ép đối với cơ sở hạ tầng của tỉnh?
Cục trưởng Mai Quang Khải: Trung bình mỗi năm Tiền Giang tăng thêm khoảng 10.000 nghìn người tương đương dân số một xã, cùng với các vấn đề về di cư, tỷ số giới tính khi sinh diễn biến phức tạp, già hóa dân số… đang là những áp lực lên hạ tầng cơ sở và sự phát triển chung của tỉnh.
Phóng viên: Trước những dự báo kinh tế trong năm 2019 sẽ còn nhiều khó khăn và thách thức, xin ông cho biết, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp nào để đạt được những mục tiêu đã đề ra?
Cục trưởng Mai Quang Khải: Năm 2019 là năm bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn như: khả năng cạnh tranh, hiệu quả của những ngành kinh tế, cơ sở hạ tầng, mặt bằng thu hút đầu tư, nguồn lực đầu tư công hạn chế... Điều này đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hành động mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, khai thác và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển…
Qua kết quả thực hiện quý I/2019 và thực trạng nền kinh tế tỉnh, Cục Thống kê đề xuất cần tiếp tục và tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là lao động khu vực nông thôn để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”; dự án Vùng sản xuất lúa, rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025”... đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách bảo hiểm nông nghiệp; thu hút đầu tư phát triển các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhà nước cũng cần có chính sách bảo hộ người dân trong mối quan hệ “5 nhà” để nông dân yên tâm sản xuất; hỗ trợ kịp thời thiệt hại do sản xuất nông nghiệp đối với các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; tiếp tục phát triển xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh như gạo, thủy sản, tái cậy; chuyển dần sang xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu, phát triển xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh và có thương hiệu mạnh. Trong phát triển du lịch cần có sản phẩm mang tính đặc thù riêng của tỉnh trong mối liên kết phát triển du lịch sinh thái tiểu vùng Đồng Tháp Mười, kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp.
Tôi cũng cho rằng, một trong những giải pháp cần chú trọng đó là triển khai thực hiện giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hoàn thiện môi trường pháp lý để đầu tư công được đẩy mạnh và đầu tư tư nhân sẽ được thúc đẩy…/.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tien-giang-khai-thac-va-su-dung-moi-nguon-luc-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te/120245.html