Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới
Thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30-10-2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội (CSXH) trong giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang xây dựng Kế hoạch 175-KH/TU ngày 14-1-2025 triển khai thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư.
Kế hoạch xác định rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Với bối cảnh tình hình mới, nhất là những tác động phức tạp, khó lường của các vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống cùng với quyết tâm đạt được mục tiêu trở thành nước xã hội chủ nghĩa có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thu nhập cao vào năm 2045 đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH.
Tại Kế hoạch 175-KH/TU vừa ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đó là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng CSXH, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò của tín dụng CSXH.
Nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH. Xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị, địa phương và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH...
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng CSXH theo hướng bao trùm, bền vững; đặt trong tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cũng yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực, đa dạng hóa các kênh huy động vốn để thực hiện các chương trình tín dụng CSXH, bảo đảm nguồn vốn hoạt động được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho Ngân hàng CSXH, trong đó nguồn ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước là chủ đạo, nguồn ủy thác từ các địa phương là quan trọng, đồng thời tăng cường huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.
Nghiên cứu tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có tính chất ngân sách nhà nước vào Ngân hàng CSXH. Tiếp tục quan tâm, bố trí kịp thời ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH, phấn đấu hàng năm chiếm khoảng 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng CSXH và đến năm 2030 chiếm 15% tổng nguồn vốn.
Có cơ chế linh hoạt để huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước. Tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền vay, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đẩy mạnh vận động đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.
Phát triển Ngân hàng CSXH là định chế tài chính công, có khả năng tự chủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần…
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang cũng yêu cầu nghiên cứu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mạnh mẽ mô hình tín dụng chính sách, nhất là sự tham gia của cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận; khuyến khích phát triển các nền tảng số cho tín dụng chính sách, kiểm soát tín dụng đen một cách hiệu quả.