Tiền Giang: Phát huy hiệu quả các mô hình điểm của Đề án 06

Phát huy vai trò Thường trực của Tổ Đề án 06 tỉnh, thời gian qua, Công an tỉnh Tiền Giang nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ, gắn với thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong lực lượng Công an nhân dân, với nhiều biện pháp, cách làm linh hoạt, sáng tạo, Nhất là tập trung làm sạch dữ liệu dân cư, cấp Căn cước công dân (CCCD), tài khoản định danh điện tử VNeID và đẩy mạnh tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.Qua thời gian triển khai thực hiện 21 'Mô hình điểm' của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 5 'Mô hình điểm' do Công an tỉnh chủ trì, Công an tỉnh còn phối hợp thực hiện các mô hình do các sở, ngành chủ trì. Qua đó, nhiều mô hình đã mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý con người, quản lý xã hội.MÔ HÌNH THÔNG BÁO LƯU TRÚ QUA PHẦN MỀM ASM

Mô hình thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn, nhà khách, nhà công vụ do Công an tỉnh chủ trì thực hiện, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội giữ vai trò là đơn vị chủ công, nòng cốt.

Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cái Bè cùng Công an thị trấn Cái Bè tuyên truyền mô hình thông báo lưu trú qua ASM tại các CSKDLT. Ảnh LÊ HOÀI

Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Cái Bè cùng Công an thị trấn Cái Bè tuyên truyền mô hình thông báo lưu trú qua ASM tại các CSKDLT. Ảnh LÊ HOÀI

Công an tỉnh đã phối hợp với Công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích khi sử dụng phần mềm ASM đối với 600 cơ sở kinh doanh lưu trú (CSKDLT) trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các CSKDLT đồng tình, thống nhất cao trong thực hiện mô hình.

Đến nay, có 508 CSKDLT có tài khoản ASM, gần 200 cơ sở trang bị thiết bị quét mã đầu đọc QR Code, đã có hơn 73.000 lượt thông báo lưu trú sử dụng mã quét QR trên ứng dụng VNeID, thiết bị đọc chip trên thẻ CCCD. Ông Võ Quang Bình, chủ khách sạn Sen Vàng 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho cho biết, lúc đầu khi mới sử dụng phần mềm lưu trú ASM hay bị kẹt mạng, tuy nhiên mấy tháng sau này rất trôi chảy, thuận tiện.

Anh Bùi Duy Mạnh, lễ tân khách sạn Trúc Quỳnh thuộc xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho cho biết, trước đây, khi có khách đến thì mình phải xem và ghi lại thông tin hơi lâu, khách cũng phiền. Bây giờ có thiết bị, nhập thông tin của khách được nhanh hơn, không mất nhiều thời gian và trên hệ thống mình cũng có thể tính tiền được luôn.

Huyện Cái Bè là một trong những địa phương có tỷ lệ cơ sở cho thuê lưu trú đầu tư, trang bị thiết bị quét mã QR thẻ CCCD và tài khoản định danh điện tử khá cao, đạt trên 91%. Trung tá Trần Tấn Quốc, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản ký hành chính về trật tự xã hội Công an huyện cho biết: “Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến từng CSKDLT về tiện ích của việc thông báo lưu trú qua ASM. Đến nay, có 62/68 CSKDLT trên địa bàn đã trang bị máy quét thông báo lưu trú qua ASM".

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, chủ khách sạn Yến Nga, thuộc thị trấn Cái Bè cho biết, lúc đầu chị thấy cũng không cần thiết, nhưng do chủ trương nên chị tham gia. Đến khi lắp đặt máy và sử dụng, chị thấy tiện lợi hơn rất nhiều, nên phấn khởi tiếp tục thực hiện.

Chị Nguyễn Thị Mai Hà, chủ nhà trọ Thuận Phát trên địa bàn xã An Thái Đông chia sẻ, do không quen sử dụng máy vi tính, nên lúc đầu thực hiện hơi khó khăn. Nhờ Công an xã hướng dẫn, giờ chị thao tác trên máy đã thành thạo và thấy rất tiện lợi. Không chỉ có các CSKDLT, Công an tỉnh đang phối hợp với ngành Y tế triển khai phần mềm này tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh theo Luật Cư trú.

MÔ HÌNH KHÁM, CHỮA BỆNH SỬ DỤNG THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN VÀ VNEID

Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID”, Sở Y tế đã ban hành các công văn hướng dẫn triển khai đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh. Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Hữu Diệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết: “Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng cách sử dụng thẻ CCCD có gắn chip điện tử đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân, như giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh sẽ giảm 2 đến 3 bước trong quy trình 6 bước của khám, chữa bệnh BHYT, người bệnh không cần mang theo thẻ BHYT, hoặc nếu mất thẻ BHYT vẫn khám, chữa bệnh được. Việc khám, chữa bệnh BHYT bằng cách sử dụng thẻ CCCD có gắn chip điện tử đã góp phần cải cách thủ tục hành chính của bệnh viện, giảm các giấy tờ liên quan, tiếp nhận bệnh nhanh và thuận lợi, nhân viên y tế xác định đúng người bệnh trên thẻ; hạn chế tối đa việc mượn thẻ BHYT”.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 100% cơ sở y tế áp dụng thẻ CCCD thay thẻ BHYT trong tổ chức khám, chữa bệnh. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang được đánh giá là 1 trong những đơn vị tiêu biểu, đi đầu trong thực hiện mô hình này.

Mỗi ngày có từ 1.500 - 2.000 lượt bệnh nhân đến khám, chữa bệnh; để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang đã bố trí nhân lực, đầu tư trang thiết bị; đồng thời tổ chức thông báo, hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thẻ CCCD và VNeID thay cho thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Châu Mỹ Chi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết: “Bệnh viện đã triển khai thực hiện mô hình này, trang bị những đầu máy quét mã vạch, người dân sau khi tiếp cận, họ cảm thấy hài lòng và thấy thuận tiện hơn.

Để triển khai hiệu quả hơn, bệnh viện sẽ đẩy mạnh hơn việc tuyên truyền cho người dân để người dân hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số, sẽ giúp ích cho công tác khám, chữa bệnh nhanh hơn, người dân hưởng lợi nhiều hơn. Được hưởng lợi ích trực tiếp từ các công nghệ tiên tiến, giảm bớt các loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh, người dân rất phấn khởi”.

Nhiều người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây khi đi khám phải đem theo sổ khám, chữa bệnh, giấy chứng minh nhân dân, thẻ BHYT... thì giờ đây, chỉ cần cầm theo thẻ CCCD có gắn chíp điện tử.

Qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang có khoảng 95 - 98% bệnh nhân sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử đến khám, chữa bệnh, có khoảng 2 - 5% người dân sử dụng ứng dụng VssID và VNeID.

Từ những lợi ích thiết thực do các mô hình mang lại, nhiều người đồng tình, hưởng ứng. Các mô hình được lan tỏa, nhân rộng sẽ góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự; đồng thời thúc đẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

NGỌC DIỄM - M.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202408/tien-giang-phat-huy-hieu-qua-cac-mo-hinh-diem-cua-de-an-06-1017351/