Tiền Giang quyết tâm hành động vì một xã hội số

Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang (10-10), phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng về vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ chủ đề Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 'Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị' đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.

* PV: Thưa đồng chí, để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang năm 2023, Tiền Giang đã xây dựng và tổ chức các hoạt động gì để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân, bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang chọn ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang.

Để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Ngày Chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số sẽ tập trung vào thúc đẩy, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số mang một tinh thần chung là đổi mới, sáng tạo, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tuyệt đối không phô trương, hình thức; với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, các cơ quan truyền thông, báo chí, các doanh nghiệp công nghệ số cùng với tinh thần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, cấp xã. Các cửa hàng điện tử, máy tính, siêu thị điện máy lớn đã hưởng ứng bằng việc treo băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Ngày Chuyển đổi số… được tổ chức đồng loạt trên toàn tỉnh (từ ngày 15-9-2023 đến ngày 15-10-2023).

Thành đoàn Mỹ Tho, Viettel Tiền Giang và UBND phường 4 ký kết kế hoạch hợp tác triển khai “Phường chuyển đổi số toàn diện - phường 4, TP. Mỹ Tho”.

Thành đoàn Mỹ Tho, Viettel Tiền Giang và UBND phường 4 ký kết kế hoạch hợp tác triển khai “Phường chuyển đổi số toàn diện - phường 4, TP. Mỹ Tho”.

Bên cạnh đó, các sở, ngành đã tổ chức các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực đơn vị quản lý. Cụ thể như: Sở Công thương và Công ty Mobifone Tiền Giang phối hợp tổ chức Hội thảo “Quản trị nhân sự và xu hướng chuyển đổi số”, Tọa đàm trao đổi với các doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số, những thuận lợi, khó khăn cũng như chương trình phối hợp với các ngành để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Sở Y tế tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số trong công tác y tế” nhằm nâng cao năng lực quản lý và định hướng phát triển số hóa trong công tác y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh.

Riêng Sở TT&TT chủ trì tổ chức một số hoạt động để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số, như: Tập huấn hướng dẫn đăng ký và sử dụng chữ ký số công cộng khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; phối hợp với Công an tỉnh tập huấn trực tuyến, triển khai về chuyển đổi số và Đề án 06 cho Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang” năm 2023; tổ chức diễn tập an toàn thông tin năm 2023. Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ mở lớp đào tạo về chuyển đổi số trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs) cho Đoàn Thanh niên, nông dân, Tổ công nghệ số cộng đồng, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số xác định là “Năm dữ liệu số” để thúc đẩy phát triển dữ liệu, khai thác dữ liệu số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, Sở TT&TT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung và danh mục dữ liệu mở tỉnh Tiền Giang. Trên cơ sở này, các ngành, các cấp tăng cường chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số chuyên ngành của mình song song thực hiện chia sẻ dữ liệu qua Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; đồng thời, mở Cổng dữ liệu mở để chia sẻ các dữ liệu, thông tin cần thiết, theo quy định cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng. Tiền Giang cũng đã hoàn thành xây dựng và triển khai kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân trên hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Điều này góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy đơn giản hóa thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến cho người dân.

Bên cạnh đó, UBND cấp xã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai các mô hình xã điểm về chuyển đổi số cấp xã, như: Xã Cẩm Sơn, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy); xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); triển khai thực hiện “Tuyến đường hạn chế thanh toán bằng tiền mặt” trên đoạn đường Nguyễn Văn Côn (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây); ra quân triển khai “Phường điểm về chuyển đổi số - phường 4, TP. Mỹ Tho”...

Tiền Giang đã thúc đẩy sử dụng sản phẩm, dịch vụ số bằng việc có các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số do doanh nghiệp cung cấp, như: Tặng 1 tháng cước dịch vụ, tặng 10% thẻ cào… Bên cạnh đó, nhiều hoạt động ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng sản phẩm dịch vụ số. Điển hình là việc tổ chức các ngày cao điểm, đồng loạt ra quân thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID…

* PV: Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số của tỉnh đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, vậy người dân và doanh nghiệp cần làm gì để tiếp cận với hoạt động này?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Việc đầu tiên trong tham gia hoạt động chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp cần phải hiểu rõ chuyển đổi số là gì; cần biết chuyển đổi số liên quan đến cuộc sống và công việc của mình ra sao; tham gia chuyển đổi số mang lại lợi ích gì. Bên cạnh đó, đối với người dân cần tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số cho người dân (congdanso.vn); đối với doanh nghiệp cần tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp (smedx.vn). Người dân, doanh nghiệp cần mạnh dạn tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; thanh toán trực tuyến; hóa đơn điện tử; chữ ký số từ xa, dịch vụ bưu chính công ích trong gửi, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính…

Đồng thời, khuyến khích người dân cài các ứng dụng trên điện thoại di động với nhiều thông tin cần thiết, nhiều dịch vụ, tiện ích như ứng dụng TienGiangS. Ứng dụng sẽ cho biết độ mặn tại các cửa sông Tiền theo thời gian thực; kẹt, ùn ứ xe (trên cầu Rạch Miễu…); tham gia thi các cuộc thi trực tuyến; thực hiện phản ánh, kiến nghị chính quyền; thanh toán trực tuyến điện, nước và rất nhiều tiện ích khác. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp còn được tham gia các sàn thương mại điện tử để đưa các mặt hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử đến các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tại địa phương…

* PV: Hiện nay, Tiền Giang có những chính sách ưu tiên nào để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng…, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Văn Dũng: Để tạo điều kiện, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao tính minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04, ngày 13-7-2023 quy định về mức thu phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, nghị quyết quy định 13 loại phí và lệ phí dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần bao gồm các lĩnh vực: Tài nguyên môi trường, thể thao và du lịch, xây dựng, nông nghiệp, hộ tịch… đã được cung cấp đầy đủ trên Cổng dịch vụ công tỉnh (tại địa chỉ: dichvucong.tiengiang.gov.vn). Khi người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công tỉnh sẽ có mức thu giảm 50% phí, lệ phí dịch vụ công trực tuyến theo nghị quyết này.

Tuần hành tuyên truyền triển khai “Phường chuyển đổi số toàn diện - phường 4, TP. Mỹ Tho”.

Tuần hành tuyên truyền triển khai “Phường chuyển đổi số toàn diện - phường 4, TP. Mỹ Tho”.

Bên cạnh đó, để thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công thì tỉnh, Sở TT&TT đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tổ chức buổi tập huấn cho các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp chính sách hỗ trợ miễn phí sử dụng ứng dụng chữ ký số công cộng qua các ứng dụng SmartCA và Mysign nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng ký số trong các giao dịch trực tuyến.

Ngoài ra, để đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2023; việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và chứng thực điện tử. Trong đó, các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cụ thể để nâng cao hiệu quả, sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính công và dịch vụ công trực tuyến… nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến của ngành, địa phương.

Về công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, đơn vị liên quan sẽ tiếp tục triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin mạng theo hồ sơ trình phê duyệt đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số. Xây dựng hệ thống Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh thông tin mạng tỉnh cho các hệ thống thông tin của tỉnh và kết nối với Hệ thống hỗ trợ, giám sát, điều hành, an toàn của quốc gia. Tiếp tục triển khai giải pháp phòng, chống mã độc, tập trung bảo vệ cho 100% thiết bị đầu cuối tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; khai thác phần mềm lắng nghe giám sát, hỗ trợ quản lý mạng xã hội và thông tin mạng…

Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành những chính sách phát triển nền tảng chuyển đổi số; Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 nhằm phát triển hạ tầng số đồng bộ, an toàn, hiện đại đáp ứng xây dựng Chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

VĂN THẢO - LÊ MINH (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202310/giam-doc-so-thong-tin-va-truyen-thong-tinh-tien-giang-tran-van-dung-tien-giang-quyet-tam-hanh-dong-vi-mot-xa-hoi-so-992677/