Tiền Giang sẽ hỗ trợ tiền điện, thuê mướn kho bãi tiêu thụ nông sản
Tỉnh Tiền Giang đang vừa phải chống chọi với hạn mặn, vừa phải tích cực giải quyết đầu ra của nông sản trước tình hình virus corona bùng phát.
Tỉnh Tiền Giang đứng đầu cả nước về diện tích cây ăn quả với hơn 79.000 ha, sản lượng hàng năm gần 1,5 triệu tấn trái. Từ nay đến tháng 3/2020, trong bối cảnh virus corona bùng phát, ước sản lượng trái cây thu hoạch trên 270.000 tấn, tập trung vào các loại trái cây là: sầu riêng (70.000 tấn), mít (trên 45.000 tấn), bưởi da xanh (trên 22.700 tấn), thanh long (34.000 tấn)…
Từ sau tết cổ truyền đến nay, việc tiêu thụ nhiều loại trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, giá sụt giảm hơn 50% so với trước đây. Cá biệt có dưa hấu và thanh long có thời điểm rớt giá còn chỉ vài nghìn đồng/kg. Đáng nói là trái thanh long đang bị dội hàng.
Toàn tỉnh có 74 doanh nghiệp, HTX, cơ sở thu mua thanh long. Trong đó, có khoảng 40 cơ sở thu mua có kho lạnh với tổng sức chứa khoảng 6.000 tấn, nhiều kho hàng đã quá tải, hết khả năng dự trữ.
Để tháo gỡ khó khăn cho nhà vườn, các ngành đoàn thể và doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang đang triển khai đưa trái cây vào tiêu thụ tại các khu, cụm công nghiệp, các siêu thị; Đồng thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thu mua, tiêu thụ, dự trữ trái cây.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Về trái cây, tỉnh sẽ tập trung tiêu thụ nội địa bằng nhiều hình thức. Thường trực UBND tỉnh sẽ đi các tỉnh giới thiệu về trái cây của mình, nhờ các tỉnh quảng bá về trái cây của Tiền Giang”.
“Tỉnh cũng đã có văn bản kiến nghị hỗ trợ tiền điện hoặc thuê mướn kho bãi. Về lâu dài tỉnh xin một cơ chế đặc thù về kho bãi. Tỉnh có thể xây nhà kho có thể cho các doanh nghiệp mượn mà không phải trả tiền để dự trữ. Lúc đó các doanh nghiệp cứ mua đưa vào, tiền điện có thể hỗ trợ luôn”, ông Hưởng cho biết thêm.
Trong công tác phòng chống hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đã chủ động phòng chống, ứng phó theo từng kịch bản đã xây dựng; Đó là việc gia cố, đóng kín hệ thống cống đập ngăn mặn, trữ ngọt, vận hành lấy nước, bơm nước ngọt vào kênh, mương nội đồng; Đắp ngang kênh Nguyễn Tấn Thành để trữ nước phục vụ nhà máy nước BOO Đồng Tâm cung cấp cho 800.000 hộ dân; Kéo 40 vòi nước công cộng phục vụ dân vùng ven biển, cù lao.
Nhờ vậy mà đến nay hơn 24.000 ha lúa Đông Xuân vùng Ngọt hóa Gò Công, 79.000 ha vườn cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng của hạn mặn, 1,7 triệu người dân địa phương chưa bị thiếu nước ngọt.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang diễn ngày 11/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh Tiền Giang đã nỗ lực trong việc sản xuất, tiêu thụ trái cây.
Trong bối cảnh dịch bệnh hô hấp cấp do chủng virus mới corona lây lan, việc đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa là cần thiết; hạn chế đưa hàng nông sản ra vùng cửa khẩu đang ùn ứ, nâng cao chất lượng trái cây để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành trung ương sẽ kết hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo có quy mô lớn về sản xuất và tiêu thụ trái cây để giải quyết những vấn đề đầu ra cho trái cây trong thời gian tới.
Riêng công tác phòng chống hạn mặn, tỉnh Tiền Giang đã làm rất tốt nhưng không được chủ quan, lơ là mà tiếp tục cảnh giác, có những biện pháp chủ động ứng phó, nhất là phải bảo vệ được diện tích lúa Đông Xuân và vườn cây ăn quả.
“Chúng ta bây giờ mới đi được nữa chặn đường thôi, chúng tôi đề nghị các đồng chí không được chủ quan, rà soát lại tất cả các kịch bản, phương án đặc biệt “cả năm trồng cây, không bằng một ngày trông quả”. 24.500 ha lúa Đông Xuân ta không chủ quan được, phải thăm đồng, đánh giá, thường xuyên quan trắc, để nếu có sự cố thì có hướng xử lý”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nêu ý kiến.
“Ngoài ra, còn 2 đợt mặn của 2 đợt triều cường nữa thì phải thường xuyên quan trắc, thông báo để giữ cho bằng được độ ngọt. Không được tổn thương 79.000 ha vườn cây ăn trái, dù bất kỳ diện tích nào”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./.