Tiền Giang sẽ xây dựng cụm cảng trên sông Tiền, sông Soài Rạp, Vàm Cỏ và Rạch Lá
Sáng 24/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, tỉnh Tiền Giang và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...
Tiền Giang có nhiều lợi thế để kết nối vùng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong tổng thể chung của vùng và cả nước, quy hoạch tỉnh Tiền Giang được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Quy hoạch đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.
Về tiềm năng, lợi thế, Tiền Giang là một tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, hội tụ các yếu tố của vùng "vựa lúa", "vựa trái cây" và "vựa tôm - cá" của cả nước cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng, khung cảnh sông nước hiền hòa, người dân thân thiện, mến khách, có truyền thống yêu nước hào hùng và những giá trị văn hóa đặc sắc miền sông nước...
Tiền Giang, nổi bật là TP Mỹ Tho, một trong những đô thị hình thành sớm nhất trong vùng ĐBSCL với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, địa kinh tế "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ". Đây cũng là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM và cả nước, có hệ thống giao thông thủy, bộ khá thuận lợi; có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về kinh tế biển, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và thương mại...
Điều kiện tự nhiên phong phú đa dạng của các vùng sinh thái khác nhau và với ưu thế về hệ thống sông rạch, cù lao trên sông biển, bờ biển dài 32km, các di tích văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống, khu sinh thái Đồng Tháp Mười... Đây là những lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch khác.
Bên cạnh đó, Tiền Giang có chung khó khăn, thách thức cùng với vùng ĐBSCL như biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn diễn biến phức tạp; hạ tầng chiến lược về giao thông, xã hội, y tế, giáo dục còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chưa hình thành các trung tâm công nghiệp lớn về chế biến, chế tạo, chế biến nông - thủy sản; chưa kết nối được chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.
Quy hoạch tỉnh đã mở ra một đường hướng, không gian phát triển mới cho Tiền Giang trong bức tranh chung của các tỉnh, thành phố của cả nước.
Thống nhất cao với mục tiêu tổng quát mà Quy hoạch đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu người dân ngày càng có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc, năm sau tốt hơn năm trước.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thay mặt Thủ tướng trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh cho lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Xây cảng biển Gò Công cho tàu có tải trọng 70.000 tấn
Tại buổi công bố, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, trong quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phấn đấu đưa Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị.
Là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, có trình độ phát triển khá của cả nước, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trở thành nơi đáng sống, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Theo ông Vĩnh, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các nút giao giao thông kết nối giữa đường tỉnh với đường quốc gia, nhằm tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng thời, đầu tư xây dựng các tuyến đường tỉnh kết nối tuyến đường bộ ven biển Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng để đồng bộ, thông suốt và phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến.
Ngoài ra, còn đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Trong đó, xây dựng mới 15 tuyến đường tỉnh, cải tạo, nâng cấp 17 tuyến đường hiện hữu; kéo dài, thay đổi hướng tuyến 15 đường tỉnh 861B, 862B, 865B, 867B…
Cùng với đó, xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường Vành đai phía Tây Nam TP Gò Công, Vành đai TP Mỹ Tho và đường đô thị Mỹ Tho.
Song song đó, hệ thống đường đô thị cũng được phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, liên thông với mạng lưới giao thông vận tải của vùng, quốc gia.
"Phấn đấu tỷ lệ quỹ đất cho hạ tầng giao thông đường bộ đạt bình quân từ 16-23% so với quỹ đất xây dựng đô thị", ông Vĩnh nhấn mạnh và cho biết, sẽ hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, 100% đường huyện, xã đáp ứng nhu cầu vận tải tại nông thôn. Cũng trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang xây dựng cụm cảng (từ loại I-III) trên sông Tiền, sông Soài Rạp, Vàm Cỏ và Rạch Lá. Trong đó, khu bến cảng Gò Công trên sông Soài Rạp và sông Vàm Cỏ cho tàu có tải trọng 70.000 tấn; khu bến tại TP Mỹ Tho trên sông Tiền cho tàu có tải trọng 5.000 tấn và phương tiện chở khách đến 300 người.
Cùng với đó, các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão và các cơ sở đóng mởi, sửa chữa tàu thủy thuộc vùng nước cảng biển Tiền Giang tại cửa sông Soài Rạp, huyện Gò Công Đông, cồn Tấn Long, TP Mỹ Tho.
Ngoài ra, Tiền Giang cũng xây dựng mới bốn Trung tâm logistics tại các huyện Gò Công Đông, Tân Phước và TP Mỹ Tho với tổng diện tích khoảng 90ha.
Theo ông Vĩnh, bốn hành lang kinh tế là theo tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế, phát triển trung tâm đầu mối về nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, logistics của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Hành lang kinh tế dọc theo tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50B (quy hoạch) phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics, du lịch và đô thị. Hành lang kinh tế theo tuyến đường bộ ven biển và tuyến quốc lộ 50 tập trung phát triển các ngành kinh tế biển như cảng, năng lượng, logistics, du lịch, đô thị.
Hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền kết nối đô thị - công nghiệp với vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch. Đây là lợi thế để Tiền Giang bứt phát, trong thời gian tới.