Tiền Giang: Tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhằm đạt mục tiêu năm 2024 là kiềm chế và kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và đề nghị các đoàn thể tỉnh đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về giao thông vào nội dung sinh hoạt định kỳ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang điều tiết giao thông tại cầu Rạch Miễu.

Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang điều tiết giao thông tại cầu Rạch Miễu.

Xem đây là nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức, đoàn thể, xem xét đưa việc chấp hành pháp luật về giao thông là một trong những tiêu chí xét thi đua hằng năm. Phát động mạnh mẽ phong trào thi đua xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn, điển hình tiên tiến về an ninh, trật tự. Phát huy phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT” đến các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, triển khai thực hiện giải tỏa, xử lý vi phạm hành lang ATGT; đầu tư, sửa chữa kết cấu hạ tầng, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng; khắc phục các điểm tiềm ẩn TNGT; rà soát các bất cập trên tuyến giao thông trọng điểm để kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý. Đến ngày 30-11-2024, UBND các huyện, thành, thị hoàn thành việc giải tỏa hành lang, lấn, chiếm lòng, lề đường, hè phố, trật tự đô thị trên tất cả các tuyến giao thông thuộc địa bàn phụ trách.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tổng rà soát các “điểm đen”, “điểm tiềm ẩn” TNGT và các bất cập trong tổ chức giao thông trên toàn tỉnh để tổ chức khắc phục. Tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn của các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông, hộ lan, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo phản quang, gờ giảm tốc tại các nút giao thông, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế.

Tiến hành đánh giá, khảo sát, xác định những vị trí, khu vực thường họp chợ, nơi có trường học, tập trung đông người dọc các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT để có giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần kiềm giảm TNGT.

Công an tỉnh tiếp tục duy trì các chuyên đề kiểm tra, xử lý nồng độ cồn, quá khổ, quá tải; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung xử lý những hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT, tập trung ở những tuyến trọng điểm, thường xảy ra TNGT.

Thực hiện nghiêm túc việc xác minh, thông báo, cung cấp thông tin với các cơ quan, đơn vị, địa phương về tình hình vi phạm TTATGT, TNGT có liên quan đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên để có hình thức tuyên truyền, giáo dục, xử lý vi phạm theo quy định.

Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNGT là do người dân chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu sự quyết liệt, chưa chủ động, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT, có lúc còn “khoán trắng” cho các lực lượng chuyên trách.

Đa số các địa phương đề ra nhiệm vụ, giải pháp còn chung chung, chưa có giải pháp cụ thể, mang tính đột phá; một số nơi chưa phân định rõ trách nhiệm, thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện...

Phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kịp thời kiến nghị khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông; xây dựng phương án tổ chức giao thông phù hợp với thực tế, chú trọng các tuyến, địa bàn giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao gây TNGT.

Việc kiến nghị, giải quyết cần cụ thể đến từng cấp, từng cơ quan, đơn vị chức năng; đồng thời, theo dõi, đôn đốc và đề nghị xử lý những cá nhân, tổ chức thiếu tinh thần trách nhiệm, không kịp thời có biện pháp khắc phục đối với các trường hợp đã có kiến nghị vẫn để xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống camera giám sát, ứng dụng công nghệ thông minh để phục vụ quản lý, điều hành, giám sát giao thông, phát hiện, xử phạt vi phạm TTATGT.

Đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa Trung tâm Thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Cảnh sát giao thông đảm bảo đồng bộ, kết nối với Trung tâm Thông tin chỉ huy điều hành giao thông của Bộ Công an.

Triển khai các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để đổi mới mạnh mẽ, căn bản phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông; tăng cường xử lý vi phạm qua hình ảnh.

Thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về giao thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, bảo đảm thống nhất, tối ưu, thuận tiện cho việc quản lý nhà nước về TTATGT. Thực hiện nghiêm túc công tác điều tra, giải quyết các vụ TNGT, đặc biệt các vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh; củng cố hồ sơ, xử lý các hành vi “Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện” gây TNGT; xác định cụ thể các nguyên nhân gây tai nạn, kiến nghị các giải pháp phòng ngừa…

HÀ NAM - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202409/tien-giang-tang-cuong-cac-bien-phap-bao-dam-trat-tu-an-toan-giao-thong-1020240/