Tiền Giang: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

Trong năm 2024, đặc biệt trong 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng ở ngưỡng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) tại Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 537 trường hợp tử vong. Ngày 14-8-2024, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Mới đây, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ như Thái Lan, Philippines. WHO tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với dịch đậu mùa khỉ. Tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 2022; đến nay, vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh, với 202 ca mắc và 8 ca tử vong. Tuy nhiên, dịch vẫn giới hạn trong cộng đồng hẹp, chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục như ở các đối tượng gái mại dâm, người đồng tính… Ngày 19-8-2024, Bộ Y tế có Công văn 4849/BYT-DP về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Riêng tại Tiền Giang, ngày 3-12-2023, tỉnh đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên có địa chỉ thường trú tại huyện Cai Lậy, mắc bệnh do tiếp xúc với nguồn lây tại TP. Hồ Chí Minh.

THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Thực hiện Công văn 4849/BYT-DP ngày 19-8-2024 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn về giám sát, phòng, chống, chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế; đồng thời, khẩn trương thực hiện các nội dung phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại bến cảng; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS.

Trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ lan rộng, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch nhằm giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong nước cũng như ngăn chặn nguy cơ lây lan từ bên ngoài. Mục tiêu là kiểm soát dịch bệnh kịp thời, ngăn ngừa bùng phát trên diện rộng và giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong.

Thực hiện các Công văn chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát tại cửa khẩu, bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cần lồng ghép giám sát đậu mùa khỉ với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các phòng khám phụ khoa, da liễu và các cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ liên quan.

Các đơn vị rà soát, cập nhật kế hoạch và kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với từng tình huống có thể xảy ra. Điều này bao gồm việc chuẩn bị sẵn sàng về thuốc, trang thiết bị, nhân lực và kinh phí để ứng phó kịp thời khi dịch bệnh bùng phát. Đồng thời, công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là nhắm đến các đối tượng có nguy cơ cao.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch. Tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương trong tỉnh; báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang; Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho phối hợp theo dõi tình trạng sức khỏe của khách du lịch, người nước ngoài, công nhân khi đến tỉnh du lịch, làm việc; thông báo cho cơ quan y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Báo Ấp Bắc tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng đôíi với dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế: Lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

Sở Tài chính phối hợp với Sở Y tế căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cùng các tổ chức hội đoàn thể tỉnh phối hợp với ngành Y tế và các sở, ngành tỉnh có liên quan chỉ đạo tổ chức, triển khai vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và cộng đồng dân cư áp dụng các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại hộ gia đình và cộng đồng. Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho thành viên, hội viên các cấp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện phối hợp với ngành Y tế triển khai tốt các hoạt động về kiểm soát và phòng, chồng bệnh truyền nhiễm đậu mùa khỉ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và tập trung xử lý triệt để ngay từ trường hợp mắc bệnh đầu tiên, khống chế không để dịch bùng phát, lan rộng.

KHUYẾN CÁO PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ

Để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế hướng dẫn và khuyến cáo người dân nhận biết các triệu chứng nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

* Các triệu chứng nghi ngờ:

- Có phát ban cấp tính dạng mụn nước hoặc mụn mủ và không giải thích được bằng các bệnh phát ban phổ biến khác (thủy đậu, herpes, sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, lậu, giang mai...).

- Và có một hoặc nhiều triệu chứng sau: Đau đầu, sốt (>38,5°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.

- Và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tốn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

+ Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có quan hệ với nhiều bạn tình.

* Các biện pháp phòng bệnh:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng 1 lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

- Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khi, cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ/mắc bệnh, động vật có vú (chết hoặc sống) như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

HỮU NGHỊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202409/tien-giang-tang-cuong-cong-tac-phong-chong-benh-dau-mua-khi-1020148/