Tiền Giang: Tăng cường tuyên truyền, đăng ký tài khoản định danh điện tử

Hiện nay, các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang quyết liệt triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Công an tỉnh Tiền Giang đang tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để giảm tối đa thời gian đi lại của công dân.Tính đến ngày 26-12-2022, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận có 484.868 hộ với 2.075.893 nhân khẩu đăng ký thường trú và 10.731 hộ với 20.063 nhân khẩu đăng ký tạm trú, đã cấp Căn cước công dân (CCCD) được 1.471.302 hồ sơ; cấp tài khoản định danh điện tử được 192.606 hồ sơ. Lực lượng Công an đã triển khai nhiều giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu luôn 'đúng, đủ, sạch, sống' phục vụ khai thác, chia sẻ; làm sạch hộ có nhiều hơn 1 chủ hộ đạt 100%.

Công an huyện Cai Lậy hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Công an huyện Cai Lậy hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử.

Riêng lực lượng Công an các cấp trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các dịch vụ công của ngành trên môi trường điện tử, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp cấp CCCD cho 100% công dân trên địa bàn đủ điều kiện gắn với cấp tài khoản định danh điện tử. Ứng dụng Tài khoản định danh điện tử (VNeID) được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 18-7-2022. Đây là phần mềm được dùng trên kỹ thuật số đầu tiên được phát hành cho những cư dân đang sinh sống hoặc người nước ngoài đang đi du lịch, cư trú ở Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện, song song với công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn, lực lượng Công an tăng cường công tác tuyên truyền về tính năng, tiện ích của việc đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID đến với người dân như: Hỗ trợ tích hợp các thông tin người dùng nên đóng vai trò thay thế được cho thẻ CCCD gắn chíp cùng với các loại giấy tờ cá nhân được tích hợp trong tải khoản định danh điện tử gồm giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Từ đó, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền… khi được lực lượng Công an giải thích về những tiện ích khi sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID, người dân đều đồng tình, phấn khởi.

Theo Nghị định 59 ngày 5-9-2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2022, người dân có thể xuất trình thông tin định danh điện tử qua ứng dụng VNeID để chứng minh nhân thân, giao dịch các thủ tục hành chính thay CCCD gắn chip, cũng như hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng VNeID thay thế bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác với điều kiện đã đồng bộ các giấy tờ này vào tài khoản định danh mức 2.

Cũng từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử thông qua tài khoản định danh, ứng dụng VNeID... Để sử dụng VNeID thay sổ hộ khẩu, công dân cần đến cơ quan Công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau khi được kích hoạt ứng dụng này, công dân đăng nhập để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà trước đây cần đến sổ hộ khẩu. Đối với VNeID, công dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng trên thiết bị di động.

Sau đó, người dân có thể sử dụng các thông tin CCCD, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng này để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự. Thời gian tới, ứng dụng VNeID có thể tích hợp thêm nhiều tiện ích hơn, như: Dịch vụ thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ký số các hợp đồng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngoài ra, người dân cũng có thể tố giác tội phạm trên ứng dụng VNeID, những hành vi phạm tội mà công dân có thể tố giác bao gồm: Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính mạng viễn thông, đăng ký hộ tịch trái phép...

Thời gian tới, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về định danh điện tử, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nhằm cung cấp kiến thức và hỗ trợ người dân tiếp cận, thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

TRỌNG TÍN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202212/tien-giang-tang-cuong-tuyen-truyen-dang-ky-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-968023/