Tiền Giang: Tập trung ôn tập cho Kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức diễn ra. Đây là mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển tiếp từ bậc THCS lên THPT, có ý nghĩa quyết định đối với học sinh lớp 9.
Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được tổ chức theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018, với nhiều đổi mới cả về nội dung lẫn cách thức đánh giá. Chính vì vậy, ở thời điểm hiện tại, học sinh lớp 9 đang nỗ lực tăng tốc ôn luyện, tập trung củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng và chuẩn bị tâm lý vững vàng để bước vào kỳ thi đầy thử thách phía trước.
LỊCH HỌC CHẬT KÍN
Tại Tiền Giang, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 tiếp tục giữ vai trò then chốt trong công tác phân luồng giáo dục. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), toàn tỉnh sẽ tuyển sinh trên 85% chỉ tiêu vào các trường THPT công lập.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp, thị trấn Bình Phú, huyện Cai Lậy đang tập trung ôn thi.
Số còn lại sẽ được phân bổ sang hệ giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp và các loại hình đào tạo nghề khác, nhằm đảm bảo sự phù hợp với năng lực học sinh và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Những năm qua, với tỷ lệ cạnh tranh tương đối cao, đặc biệt là các trường tốp đầu, kỳ thi không chỉ đòi hỏi học sinh nắm vững kiến thức chương trình THCS, mà còn cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý, kỹ năng làm bài, đặc biệt trong bối cảnh chương trình GDPT mới bắt đầu phát huy tác động rõ nét đến cách dạy, cách học ở bậc THCS.
Em Nguyễn Thị Thủy Tiên, học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở ngoại thành TP. Mỹ Tho cho biết, em đã lên kế hoạch đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập, sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Hai nguyện vọng đầu hướng đến các trường tốp đầu ở nội thành, còn nguyện vọng thứ ba là một trường ở huyện Chợ Gạo - nơi thường có mức điểm chuẩn thấp hơn, nhằm đảm bảo khả năng trúng tuyển.
Hiện tại, em đang tập trung cao độ cho việc ôn thi, vừa học chính khóa trên lớp, vừa học thêm 3 môn: Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh mỗi tuần. Buổi tối, em ưu tiên luyện đề trên mạng để nâng cao kỹ năng làm bài.
Còn với em Trần Minh Khang, học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Ngọc Hân, TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Em chọn đăng ký nguyện vọng 1 vào một trường THPT chuyên của tỉnh. Dù biết khả năng cạnh tranh rất cao, nhưng em muốn thử sức vì đây là ngôi trường có môi trường học tập tốt, phù hợp với định hướng theo ngành Công nghệ thông tin sau này.
Nguyện vọng 2 và 3 của em là các trường THPT công lập khác ở thành phố. Giai đoạn này, em hạn chế các hoạt động giải trí, tập trung học chắc kiến thức cơ bản và rèn kỹ năng làm bài thật kỹ. Mỗi ngày em đều tự đặt thời gian biểu để vừa học, vừa nghỉ ngơi hợp lý, tránh bị quá tải trước kỳ thi”.
TĂNG TỐC ÔN THI
Ngay sau tháng 5, các trường THCS trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đồng loạt đẩy mạnh tiến độ ôn thi cho học sinh lớp 9. Nhiều đơn vị triển khai các tiết học ôn tập theo chủ đề, tập trung hướng dẫn kỹ năng làm bài và giúp học sinh làm quen với các dạng đề thi cụ thể của từng môn.
Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường phối hợp với phụ huynh, khuyến khích sự quan tâm, nhắc nhở con em ôn bài đều đặn vào mỗi buổi tối, nhằm tạo sự đồng hành hiệu quả trong giai đoạn nước rút.
Theo thầy Bùi Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường THCS Đoàn Thị Nghiệp, huyện Cai Lậy, ngay từ đầu học kỳ II, nhà trường đã tiến hành phân loại học sinh dựa vào kết quả thi học kỳ I. Với những học sinh khá, giỏi, nhà trường khuyến khích năng lực tự học, giáo viên sẽ định hướng, gợi mở các vấn đề nâng cao; còn đối với học sinh trung bình, yếu, nhà trường giúp các em lấy lại kiến thức căn bản, phối hợp chặt chẽ với gia đình để kịp thời nhắc nhở, động viên các em trong giai đoạn nước rút hiện nay.
Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, trong điều kiện của từng đơn vị, các trường tổ chức ôn tập cho học sinh một cách phù hợp; trong đó, chú trọng học sinh khá, giỏi; tăng cường quan tâm, giúp đỡ học sinh yếu, kém, giúp các em có được nền tảng kiến thức để dự thi.
Từng trường, đặc biệt là các giáo viên trực tiếp đứng lớp cần quan tâm, kịp thời tư vấn tâm lý, gỡ rối những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của học sinh, để các em có thể tự tin bước vào kỳ thi vào đầu tháng 6 tới.
Để công tác ôn thi hiệu quả, nhà trường đã tiến hành sắp lớp và phân công những giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm ôn tập cho các em, hiện đang ôn tập 3 môn thi: Ngữ Văn, Toán và Tiếng Anh. Nội dung ôn tập bám sát vào cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT, chú trọng phương pháp, đánh giá học sinh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều hiệu trưởng THCS, công tác ôn tập năm nay gặp không ít khó khăn do những thay đổi về quy định. Nếu như năm ngoái, các trường có thể linh hoạt tăng cường 4 - 5 tiết ôn tập/tuần cho từng môn thì hiện nay, theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm mỗi môn chỉ được bố trí tối đa 2 tiết/tuần.
Hạn chế này buộc nhiều trường phải thay đổi chiến lược, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc tự học. Giáo viên giao bài tập theo chủ đề, hướng dẫn học sinh cách lập kế hoạch học tập tại nhà và thường xuyên kiểm tra tiến độ thông qua các phiếu học tập hoặc hệ thống học trực tuyến.
Theo thầy Nguyễn Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Hòa, huyện Châu Thành, Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là một dấu mốc quan trọng trong hành trình học tập của học sinh. Thay vì cảm thấy áp lực, các em nên giữ bình tĩnh, tập trung ôn luyện theo hướng dẫn của thầy cô để đạt kết quả tốt nhất. Thực tế cho thấy, việc không đỗ vào lớp 10 không đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội phát triển trong tương lai.
Học sinh có thể lựa chọn theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp nghề. Khi học nghề, các em sẽ nhận được nhiều quyền lợi thiết thực như: Miễn học phí, được dự thi tốt nghiệp THPT và được cấp chứng chỉ nghề, giúp các em sớm tiếp cận với thị trường lao động khi đủ tuổi.
HỌC SINH CHÚ Ý ĐIỀU GÌ TRONG GIAI ĐOẠN ÔN TẬP “NƯỚC RÚT”

* THẦY NGUYỄN MINH ĐỨC, GIÁO VIÊN NGỮ VĂN TRƯỜNG THCS LÊ NGỌC HÂN, TP. MỸ THO:
Rèn tốt kỹ năng viết bài
Ngữ văn là môn thi tự luận, mang tính chất đặc thù, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng của học sinh. Để làm được bài thi, yếu tố quan trọng là phải nắm kiến thức, từ đó mới vận dụng, giải quyết vào các kiểu bài mà đề bài yêu cầu.
Thời điểm hiện tại, các em cần hệ thống hóa kiến thức bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống hóa kiến thức. Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm lại các kiến thức từ vựng, ngữ pháp câu Tiếng Việt, liên kết câu. Riêng phần làm văn, học sinh cần nắm và thành thạo kỹ năng làm bài các dạng bài, ví dụ như nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý, một hiện tượng đời sống hay cách làm bài nghị luận về tác phẩm thơ, tác phẩm văn xuôi…

* THẦY TRẦN HỒNG CẢNH, GIÁO VIÊN TIẾNG ANH TRƯỜNG THCS LÊ NGỌC HÂN, TP. MỸ THO:
Rèn kỹ năng trắc nghiệm
Tiếng Anh là môn thi trắc nghiệm, đề thi sẽ là trắc nghiệm khách quan. Vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã ra cấu trúc đề minh họa. Việc ôn thi hiện nay là hệ thống lại các kiến thức, tăng cường thực hiện các dạng bài tập.
Ở thời điểm này, điều vô cùng cần thiết là học sinh cần hệ thống các kiến thức theo định hướng của giáo viên. Bên cạnh việc ôn tập kiến thức, học sinh chú trọng rèn luyện kỹ năng làm trắc nghiệm dưới sự hướng dẫn của giáo viên, bởi qua quá trình làm bài; giáo viên sẽ định hướng đâu là vấn đề cần chú ý cũng như các “mẹo” khi làm bài để có thể tìm ra đáp án tối ưu nhất.

* CÔ NGUYỄN THỊ THÙY TRANG, GIÁO VIÊN TRƯỜNG TIỂU HỌC - THCS LÊ VĂN NGHỀ, TP. MỸ THO:
Ôn tập đúng trọng điểm
Một trong những nguyên tắc quan trọng khi dạy ôn luyện thi tuyển sinh lớp 10 môn Toán là giáo viên phải bám sát cấu trúc đề thi do Sở GD-ĐT quy định. Việc dựa vào cấu trúc đề này giúp quá trình ôn tập trở nên hiệu quả và có trọng tâm, từ đó tập trung vào từng dạng bài cụ thể đúng theo yêu cầu của đề thi. Quá trình ôn thi được chia làm hai giai đoạn chính: Ôn tập kiến thức và luyện giải đề.
Trong đó, phần luyện giải đề không chỉ giúp học sinh làm quen với đề thi, cách ra đề, mà còn nắm rõ cơ cấu điểm số từng câu hỏi, bài toán, giúp các em chủ động hơn khi bước vào kỳ thi thật.
Điều cốt lõi để học sinh có thể giải tốt tất cả các dạng bài Toán là phải thuộc nằm lòng các công thức quan trọng. Do vậy, trong quá trình ôn luyện, học sinh cần thường xuyên xem lại, hệ thống và ghi nhớ kỹ các công thức cần thiết. Đối với từng dạng bài mà giáo viên đã truyền đạt, học sinh cần nắm chắc quy trình giải, các bước làm bài, cũng như cách trình bày khoa học, rõ ràng.
Bên cạnh đó, việc vận dụng kiến thức vào các bài toán thực tế cũng rất quan trọng để nâng cao kỹ năng tư duy và ứng dụng của các em. Đặc biệt, để tránh mất điểm không đáng có, học sinh cần tuyệt đối tránh những lỗi phổ biến như tính toán sai, vẽ hình không chính xác hoặc thiếu nét, trình bày bài làm quá sơ sài. Do đó, các em phải chú ý cách trình bày tỉ mỉ, rõ ràng để tối đa hóa điểm số.