Tiền Giang thí điểm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID

Thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua, công tác cấp Phiếu LLTP và khai thác thông tin LLTP trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đi vào nền nếp, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, với số lượng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng nhiều, thời gian cấp Phiếu LLTP còn dài, gây mất thời gian và tốn chi phí cho người dân, cơ quan nhà nước.

Thực hiện Công văn 656/TTg-KSTT ngày 24-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ và theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, chuẩn bị những nội dung, điều kiện cần thiết, sẵn sàng triển khai thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.

Đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang và các cơ quan liên quan thực hiện xong kết nối và đã đủ điều kiện triển khai thực hiện. Theo đó, từ ngày 24-10-2024, Sở Tư pháp triển khai thực hiện thí điểm thủ tục cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Công Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang xoay quanh việc triển khai thực hiện thí điểm thủ tục cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang Phạm Công Hùng.

* PV: Ông có thể cho biết về những ưu điểm của việc cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID; điều kiện, đối tượng nào được yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID? Người dân có thể tự đăng ký tài khoản VNeID mức độ 2 tại nhà được không?

* Ông Phạm Công Hùng: Phiếu LLTP là một loại giấy tờ quan trọng đối với cá nhân trong việc thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật, do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân trong việc thực hiện cấp Phiếu LLTP, đồng thời cụ thể hóa các yêu cầu, nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đối với công tác cải cách hành chính và Công văn 656/TTg-KSTT ngày 24-8-2024 của Chính phủ ban hành về việc mở rộng thí điểm cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID. Đây được đánh giá sẽ tạo ra cách nhìn nhận mới và hiệu ứng lan tỏa về hiệu quả cải cách TTHC, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ; đảm bảo tính công khai, minh bạch, tiện lợi cho người dân; tính chính xác, kịp thời và bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính Nhà nước.

Người dân có thể yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet. Không tốn thời gian, công sức cho việc chuẩn bị hồ sơ giấy và thanh toán trực tuyến không cần trực tiếp đến trụ sở của cơ quan giải quyết. Đồng thời, theo dõi được trạng thái xử lý hồ sơ trên ứng dụng VNeID và tải kết quả Phiếu LLTP về thiết bị của mình. Đối tượng thực hiện là công dân Việt Nam thường trú tại tỉnh Tiền Giang, có tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Theo Điều 14 Nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với công dân Việt Nam thì công dân không thể tự đăng ký tài khoản định danh điện tử VNeID mức độ 2 tại nhà mà phải đến cơ quan công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân để được hướng dẫn đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Sau khi có tài khoản VNeID mức độ 2 thì người dân đã đủ điều kiện để đăng ký cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID.

* PV: Xin ông cho biết về trình tự, cách thức cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID?

* Ông Phạm Công Hùng: Thủ tục và thành phần hồ sơ cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID đang là phương thức được đơn giản hóa tối đa nhất, chỉ bao gồm Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP; trong đó có một số trường thông tin nhân thân đã được xác thực và điền tự động. Công dân chỉ phải trích hoặc điền một số trường thông tin còn lại.

Theo Quy trình 570/TTLLTPQG-QLHG ban hành ngày 20-9-2024, yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID thì người dân kê khai hồ sơ và thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin LLTP trên ứng dụng VNeID, cụ thể như sau:

+ Hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP theo quy trình thí điểm chỉ có 1 Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP điện tử tương tác đã có sẵn trên ứng dụng VNelD. Công dân truy cập vào ứng dụng VNelD, vào mục Thủ tục hành chính/cấp Phiếu LLTP.

+ Trường hợp công dân dùng tài khoản của mình để yêu cầu cấp Phiếu LLTP thì điền thông tin theo biểu mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP điện tử tương tác (Biểu mẫu số 12/2024/LLTP của Thông tư 06/2024/TT-BTP ngày 19-6-2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sủa đối, bổ sung một số điều của các thông tư ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ LLTP).

+ Trường hợp là công dân được ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu LLTP thì dùng tài khoản định danh điện tử của mình đăng ký yêu cầu cấp Phiếu LLTP tại biểu mẫu Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP điện tử tương tác trong trường hợp ủy quyền (Biểu mẫu số 13/2024/LLTP của Thông tư 06/2024/TT-BTP).

+ Trường hợp là trẻ chưa thành niên thì bố mẹ, người giám hộ sử dụng tài khoản định danh điện tử của mình để thực hiện đăng ký. Hệ thống định danh và xác thực điện tử tự động xác định mối quan hệ nhân thân giữa người đăng ký với trẻ chưa thành niên (Biểu mẫu sổ 13/2024/LLTP của Thông tư 06/2024/TT-BTP).

+ Công dân tiến hành thanh toán trực tuyến phí cấp Phiếu LLTP ngay trên ứng dụng VNelD và gửi Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu LLTP. Trường hợp thuộc đối tượng miễn, giảm phí cung cấp thông tin thì người yêu cầu cấp Phiếu LLTP đính kèm giấy tờ chứng minh (đối tượng là trẻ em, người cao tuổi không cần phải đính kèm giấy tờ chứng minh do đã được xác thực thông tin về độ tuổi trên hệ thống).

Lưu ý: Công dân chỉ được nộp hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 1 hoặc hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2; không được chọn cả 2 loại Phiếu LLTP trong một hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP.

* PV: Người dân sẽ nhận kết quả Phiếu LLTP ở đâu khi nộp Phiếu LLTP qua ứng dụng VNeID? Giá trị pháp lý của Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID và Phiếu LLTP bản giấy có khác nhau không, thưa ông?

* Ông Phạm Công Hùng: Công dân yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID theo dõi được trạng thái xử lý hồ sơ; tải được kết quả Phiếu LLTP về thiết bị điện tử. Kết quả Phiếu LLTP (bản điện tử) mặc định được trả về tài khoản của công dân trên ứng dụng VNeID.

Trường hợp công dân có nhu cầu nhận kết quả Phiếu LLTP (bản giấy) thì người dân liên hệ trực tiếp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang (quầy số 16 của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang) để nhận hồ sơ hoặc có thể đăng ký gửi về thông qua hệ thống bưu chính trên ứng dụng VNeID.

Khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID, người dân được cấp bản điện tử (được ký số bởi người có thẩm quyền ký số của Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang) có giá trị pháp lý như bản gốc Phiếu LLTP bản giấy. Người dân có thể sử dụng Phiếu LLTP (bản điện tử) để thực hiện các thủ tục hành chính khác.

* PV: Sau khi nộp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID mà phát hiện sai sót thông tin thì phải làm thế nào? Người dân có thể nộp hồ sơ xóa án tích trên ứng dụng VNeID không? Trẻ chưa thành niên muốn xin cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID thì phải làm thế nào, thưa ông?

* Ông Phạm Công Hùng: Khi phát hiện sai sót sau khi nộp hồ sơ qua VNeID, người dân cần đến Công an cấp xã nơi thường trú để điều chỉnh lại thông tin dân cư đúng với thực tế, rồi đến Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang để điều chỉnh lại Phiếu LLTP.

Việc sửa đổi thông tin mất khá nhiều thời gian, vì vậy người dân khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID cần kiểm tra kỹ thông tin của mình. Nếu phát hiện sai sót thì chỉ cần đến cơ quan Công an cấp xã nơi thường trú để điều chỉnh rồi đăng ký cấp Phiếu LLTP, như vậy sẽ giảm thiểu thời gian người dân phải đến Sở Tư pháp để điều chỉnh lại thông tin hồ sơ.

Người dân có thể dễ dàng nộp hồ sơ xin xóa án tích thông qua ứng dụng VNeID. Để thực hiện, chỉ cần làm theo hướng dẫn đăng ký Phiếu LLTP. Điểm khác biệt duy nhất là trong phần “Mục đích yêu cầu”, hãy chọn “Xóa án tích”. Sau đó, tiếp tục hoàn thành các bước còn lại để hoàn tất quy trình.

Trường hợp là trẻ chưa thành niên thì bố, mẹ, người giám hộ sử dụng tài khoản định danh điện tử của mình để thực hiện đăng ký. Hệ thống VNeID tự động xác định mối quan hệ nhân thân giữa người đăng ký với người chưa thành niên.

* PV:Ông có thể cho biết thêm về lệ phí thực hiện thanh toán phí cung cấp thông tin LLTP trên ứng dụng VNeID và thời hạn cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID?

* Ông Phạm Công Hùng: - Mức phí cung cấp thông tin LLTP là 200.000 đồng/lần/người.

- Phí cung cấp thông tin LLTP của sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĨ (gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (hoặc chồng), con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi dưỡng liệt sĨ): 100.000 đồng/lần/người.

- Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu LLTP đề nghị cấp trên 2 Phiếu LLTP (bản giấy) trong một lần yêu cầu, thì kể từ Phiếu LLTP thứ 3 trở đi tổ chức thu phí được thu thêm 5.000 đồng/phiếu.

Thời hạn là 3 ngày làm việc; trường hợp phức tạp (có thông tin về án tích và công tác nghiệp vụ khác) là 9 ngày làm việc. Trường hợp trả Phiếu LLTP bằng giấy cho công dân thì cộng thêm 1 ngày so với ngày trả Phiếu LLTP điện tử.

* PV: Xin cảm ơn ông!

CẨM DUNG - P. MAI

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202410/tien-giang-thi-diem-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-tren-ung-dung-vneid-1024923/