Tiền Giang thực hiện tốt Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và nhiều lần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế - xã hội đất nước và mức sống của nhân dân, trong đó có Pháp lệnh 02/2020 ngày 9-12-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ưu đãi người có công với cách mạng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phan Thanh Vân có cuộc trao đổi với Báo Ấp Bắc về kết quả triển khai thực hiện Pháp lệnh và nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách có liên quan.

* Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết việc triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại Tiền Giang thời gian qua như thế nào?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm qua, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện nhằm từng bước nâng cao mức sống của đối tượng chính sách.

Quán triệt tinh thần nội dung của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 2355 ngày 24-8-2022 về việc thành lập lại Ban Chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối Văn hóa - Xã hội làm Trưởng ban, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH làm Phó Trưởng Ban Thường trực, các thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các ban, ngành chức năng và đoàn thể liên quan nhằm giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tổ chức xét duyệt hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi cho đối tượng theo tiêu chuẩn, chế độ quy định tại Pháp lệnh và các văn bản pháp luật, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương.

Chúng tôi đã tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn cho hơn 400 đại biểu là lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo và công chức Phòng LĐ-TBXH, lãnh đạo và công chức LĐ-TBXH xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh về những nội dung cơ bản của Pháp lệnh, các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Trung ương.

Công tác đền ơn đáp nghĩa là hoạt động thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ trong dịp lễ, tết. Ngoài việc đảm bảo chi trả trợ cấp thường xuyên cho người có công, nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được tỉnh thực hiện tốt.

* PV: Kết quả thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng tại Tiền Giang trong thời gian qua như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Nhìn chung, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các chế độ quy định ở nhiều thời điểm trước đó không còn phù hợp, tạo bước chuyển biến đáng kể về việc xác nhận người có công và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Kết quả thực hiện Pháp lệnh, có thể khái quát ở 5 nhóm nội dung chính.

UBND tỉnh Tiền Giang vừa trang trọng tổ chức Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “BMVNAH”.

Thứ nhất, về công tác công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi. Qua hơn 2 năm thực hiện, đã xác nhận 2 liệt sĩ; đề nghị tuyên dương 16 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH), hiện cơ bản tỉnh không còn hồ sơ tồn đọng BMVNAH; 15 người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH); 9 người hoạt động cách mạng, HĐKC bị địch bắt tù, đày; 37 người HĐKC giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế và người có công giúp đỡ cách mạng; giải quyết 2 trường hợp vợ liệt sĩ tái giá; quyết định hưởng thêm chế độ thương binh đồng thời là bệnh binh, thương binh đang hưởng mất sức lao động cho 160 trường hợp…

Thứ hai, về công tác tiếp nhận hồ sơ thương binh do cơ quan Công an, Quân đội chuyển đến Sở LĐ-TB&XH để giải quyết chế độ ưu đãi, từ năm 2021 đến nay, tỉnh tiếp nhận 4 hồ sơ thương binh do cơ quan Công an, Quân đội chuyển đến.

Thứ ba, về công tác quản lý hồ sơ người có công, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện xong việc số hóa (nhập dữ liệu và scan) toàn bộ hồ sơ người có công vào đầu năm 2018 giúp cho việc quản lý, tra cứu hồ sơ phục vụ giải quyết chính sách cho người có công được kịp thời, chính xác.

Từ năm 2022 đến nay, Sở đã tiếp nhận và thực hiện thủ tục di chuyển 15 hài cốt liệt sĩ từ các nghĩa trang liệt sĩ về quê an táng theo nguyện vọng gia đình liệt sĩ và 2 trường hợp di chuyển mộ liệt sĩ do gia đình quản lý vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ; tiếp nhận 2 trường hợp hài cốt liệt sĩ quy tập mới do cơ quan Quân đội chuyển đến.

Công tác hoàn cốt, hoàn thiện mộ liệt sĩ sau khi giám định ADN xác định danh tính 53 hài cốt liệt sĩ. Công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ được thực hiện chu đáo. Tiền Giang hiện có 20 nghĩa trang liệt sĩ, 162 nhà bia ghi tên liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Thứ tư, về việc thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Đã thực hiện chuyển hưởng chế độ đối với BMVNAH từ mức hưởng trợ cấp tuất 1, 2, 3 liệt sĩ sang một mức trợ cấp thống nhất 3 lần mức chuẩn cho 217 trường hợp.

Đối với công tác điều dưỡng phục hồi sức khỏe, Tiền Giang không có trung tâm điều dưỡng người có công nên hằng năm, căn cứ vào Quyết định dự toán kinh phí Trung ương giao, tỉnh tổ chức chi điều dưỡng tại nhà cho người có công với cách mạng theo niên hạn hằng năm và niên hạn 2 năm. Đối với điều dưỡng, tập trung phân cấp về cho cấp huyện mỗi năm tổ chức đưa từ 800 đến 1.000 người, đến các Trung tâm điều dưỡng Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Phú Yên...

Ngoài kinh phí Trung ương chuyển cho các trung tâm điều dưỡng, người có công còn được hỗ trợ tiền xe, tiền ăn, uống, nghỉ trên đường đi và về, hỗ trợ vé tham quan du lịch từ nguồn đảm bảo xã hội tỉnh. Trong 3 năm, ngân sách chi trên 28 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ.

Thứ năm, về công tác quản lý, tổ chức và sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp, thực hiện tốt các biện pháp vận động, trung bình mỗi năm thực hiện vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... đóng góp trên 10 tỷ đồng để xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, số tiền vận động được chủ yếu chi vào các khoản xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, hỗ trợ người có công khó khăn khi ốm đau, khám, chữa bệnh.

Tính đến nay, Tiền Giang đã xác nhận, giải quyết chế độ và quản lý hồ sơ 126.315 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó gồm 929 người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; 498 người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945; 35.526 liệt sĩ; hơn 6.000 BMVNAH; 11.652 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; 2.345 bệnh binh; 2.062 người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH; 2.405 người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 4.779 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp hằng tháng; 23.599 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp 1 lần; 11.720 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc... Tính đến thời điểm tháng 3-2023, tổng đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng của tỉnh là gần 17.000, với kinh phí bình quân chi thường xuyên trên 400 tỷ đồng/năm và trên 35 tỷ đồng/năm chi trợ cấp một lần từ nguồn ngân sách Trung ương.

Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, sau khi thực hiện Quyết định 22/2013 ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, có hơn 5.100 hộ được xây dựng và sửa chữa nhà ở trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2019.

Qua thực tế còn nhiều hộ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở cần phải hỗ trợ, Sở LĐ-TB&XH tiến hành rà soát lại nhà tình nghĩa đã được hỗ trợ trước đây, hiện đã xuống cấp và phát sinh mới, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 28 ngày 8-12-2021 về việc quy định mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, với số lượng là 1.209 căn gồm xây mới 325 căn và sửa chữa 884 căn, thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Nhìn chung, công tác giải quyết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được giải quyết đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ, chính xác; phong trào chăm sóc người có công được duy trì và nâng cao.

* PV: Trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, tỉnh có những vướng mắc, khó khăn gì cần được Trung ương tháo gỡ?

* Đồng chí Phan Thanh Vân: Có 3 vấn đề chúng tôi kiến nghị, đề xuất. Đó là: Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm xây dựng ngân hàng gen; tăng số lượng cơ sở giám định, cũng như tăng hiệu quả, công suất giám định của mỗi cơ sở đang được giao nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của gia đình liệt sĩ. Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tăng định mức hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Tiền Giang để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.

Đặc biệt là Trung ương cần cho chủ trương việc di chuyển hài cốt liệt sĩ từ ngoài vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ đối với các trường hợp mộ liệt sĩ trước đây chôn không thuộc phần đất của gia đình quản lý, nay đất bị thu hồi nhưng gia đình không có đất để di chuyển mộ về an táng; mộ liệt sĩ nằm trong mốc lộ giới cần phải di dời để trả lại mặt bằng phục vụ cho các công trình công cộng; mộ liệt sĩ nằm gần kinh, rạch, sạt lở cần phải di dời; mộ liệt sĩ cần di chuyển trả lại mặt bằng để giải quyết các vấn đề quy hoạch, giải tỏa... hoặc đề nghị Chính phủ sửa đổi điều kiện di chuyển hài cốt liệt sĩ từ ngoài vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ (không yêu cầu biên bản bàn giao của cơ quan có thẩm quyền) để tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong công tác này.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THỦY HÀ (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202304/pho-giam-doc-so-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-phan-thanh-van-tien-giang-thuc-hien-tot-phap-lenh-uu-dai-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-977140/