Tiền Giang: Tiếp tục đổi mới và nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước; là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở GDNN và của toàn xã hội; là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài. GDNN có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ. Đây là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang thể hiện trong Chương trình 57, ngày 21-3-2024 về thực hiện Chỉ thị 21, ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trường Cao đẳng Tiền Giang không ngừng đổi mới trong đào tạo GDNN.

Trường Cao đẳng Tiền Giang không ngừng đổi mới trong đào tạo GDNN.

Thời gian qua, công tác phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là ngành chức năng, triển khai thực hiện. Quy mô, cơ cấu ngành, nghề, trình độ đào tạo từng bước đã đáp ứng nhu cầu của thị trường sử dụng lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Trình độ giảng viên, giáo viên từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công tác kiểm định chất lượng GDNN được các trường cao đẳng, trường trung cấp triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt có 3 trường: Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, Cao đẳng Y tế Tiền Giang và Cao đẳng Tiền Giang được công nhận kiểm định chất lượng cơ sở GDNN.

Bên cạnh kết quả đạt được, GDNN của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Do đó, trong thời gian tới, để phát triển nhanh, bền vững GDNN, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động; về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông và hình thức triển khai, xây dựng chuyên trang, chuyên mục về GDNN trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo, đài, nhất là khu vực nông thôn để người dân, người lao động tìm hiểu và tham gia học nghề.

Hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN với sự tham gia của hệ thống chính trị, cơ sở đào tạo, người học, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của GDNN, tầm quan trọng của kỹ năng lao động, cơ hội việc làm, góp phần ổn định thu nhập.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhân lực trong GDNN. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương để thu hút đầu tư, tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và phát triển, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp với các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển biến căn bản nhận thức và nâng cao năng lực chuyển đổi số của viên chức quản lý, nhà giáo các cơ sở GDNN. Rà soát ngành, nghề đào tạo của các cơ sở GDNN để đầu tư cơ sở vật chất; phát triển mô hình “Nhà trường thông minh, hiện đại”, “Nhà trường xanh”. Tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, đổi mới chương trình, phương thức đào tạo, hình thành các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề, trong đó, chú trọng tuyển dụng đủ số lượng nhà giáo theo yêu cầu đào tạo của từng ngành, nghề, trình độ đào tạo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn (kiến thức, kỹ năng nghề), năng lực sư phạm, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực tham gia hoạt động đào tạo các cấp trình độ của GDNN. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở GDNN, cán bộ quản lý nhà nước về GDNN các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Thứ năm, gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Thực hiện cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận để tổ chức đào tạo đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp; phối hợp tổ chức ngày hội việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp để hỗ trợ tìm việc làm sau tốt nghiệp. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động của tỉnh, quốc gia để dự báo nhu cầu sử dụng lao động chuyên môn, kỹ thuật nhằm đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động.

Trong những năm qua, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên. Từ 45% năm 2015, nâng lên 54% năm 2023, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,5%.

Đặc biệt, có 5 trường cao đẳng, trung cấp thuộc tỉnh đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt 13 nghề trọng điểm, trong đó có 10 nghề cấp quốc gia và 3 nghề cấp Asean.

Năm 2023, toàn tỉnh có 607 nhà giáo GDNN, trong đó, về trình độ có 180 người trên đại học, 382 người đại học, 15 người cao đẳng và 30 người trung cấp; có 184 cán bộ quản lý GDNN, trong đó có 86 người trên đại học và 98 người đại học.

Thứ sáu, nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tăng cường hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp để người học khởi nghiệp, tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Quan tâm hỗ trợ khởi nghiệp, hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên.

Thứ bảy, tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính cho GDNN. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của quốc gia, ngành, địa phương. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho GDNN, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia GDNN theo chính sách xã hội hóa của tỉnh, phấn đấu mời gọi đầu tư xã hội hóa 2 trường cao đẳng, 8 - 10 trung tâm GDNN.

Cuối cùng, chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về GDNN. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa tỉnh Tiền Giang và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết, triển khai các thỏa thuận, chương trình hợp tác với đối tác quốc tế, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong và ngoài tỉnh trong việc hỗ trợ cơ sở GDNN, học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GDNN của tỉnh với các cơ sở GDNN nước ngoài; nhất là trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy, học tập và trao đổi với giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và chuyên gia quốc tế.

KIM TRUYỆN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202404/tien-giang-tiep-tuc-doi-moi-va-nang-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-1008009/