Tiền Giang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Nhiều đổi mới trong giáo dục

Hơn 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận được sự đồng tình, đánh giá cao từ dư luận xã hội.Qua thực hiện chương trình GDPT 2018 đã góp phần cụ thể hóa mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa 'dạy chữ', 'dạy người' và định hướng nghề nghiệp.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho trong giờ học.

Đánh giá những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Tiền Giang, Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Nội dung chương trình đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; đảm bảo tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông thống nhất giữa các cấp học; tích hợp và phân hóa hợp lý, có hiệu quả. Việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Vai trò của giáo viên cũng có nhiều chuyển biến từ dạy học truyền thụ kiến thức sang tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học tập của học sinh”.

Tại Tiền Giang, sự chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018 ngày một nâng cao.

Qua thống kê, toàn ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang có 18.419 cán bộ, nhà giáo công tác ở các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn ở bậc mầm non trên 85%. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun ưu tiên, được trang bị kiến thức và kỹ năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh.

Trên cơ sở Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Sở GD-ĐT Tiền Giang sẽ phối hợp với các trường đại học để đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định 116 ngày 25-9-2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Tổ chức thực hiện nâng chuẩn giáo viên theo Nghị định 71 ngày 30-6-2020 quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; bổ sung biên chế, sắp xếp lại đội ngũ phù hợp; điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp…

Về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp được củng cố, đi vào ổn định và được sắp xếp theo hướng giảm dần các điểm trường lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày theo lộ trình Chương trình GDPT 2018. Toàn tỉnh có 8.164 phòng học ở giáo dục mầm non và phổ thông, trong đó có 7.403 phòng học kiên cố, chiếm 90,7% so với tổng số phòng.

Trong giảng dạy, các nhà trường đã chú trọng đổi mới, giáo viên đã vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo Chương trình GDPT 2018 đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh của chương trình bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận bước đầu nhưng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 tại tỉnh Tiền Giang cũng bộc lộ một số khó khăn nhất định. Theo đó, khó khăn lớn mà toàn ngành đang gặp phải là tình trạng thiếu giáo viên.

Qua hơn 2 năm thực hiện chương trình, toàn tỉnh thiếu 397 giáo viên phổ thông chủ yếu ở bậc tiểu học và một số bộ môn ở bậc trung học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, cơ sở vật chất trường lớp còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn hạn chế, một số phòng học bị xuống cấp chưa kịp thời sửa chữa, trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ…

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị đánh giá sơ lược việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, toàn ngành Giáo dục cả nước đã đi được một phần đầu của chặng đường với nhiều gian nan. Trước mắt, còn nhiều việc phải làm, còn nhiều thách thức nhưng những gì chưa làm được, chưa đạt được chỉ là một phần nhỏ so với những gì ngành Giáo dục đã làm được với những mục tiêu căn bản, bước đầu điều chỉnh đổi mới việc dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, với quyết tâm cao trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, thời gian tới, ngành GD-ĐT Tiền Giang sẽ thực hiện rà soát, quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục; đảm bảo yêu cầu tiếp cận giáo dục cho các đối tượng học sinh, đáp ứng yêu cầu giáo dục tiểu học bắt buộc, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS, từng bước đảm bảo yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc THCS và THPT.

Một trong những giải pháp căn cơ tiếp theo là toàn ngành sẽ thực hiện rà soát, tuyển dụng, sắp xếp bố trí giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đảm bảo đủ số lượng và đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Trí, ngành GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã và đang đi đúng hướng trong triển khai Chương trình GDPT 2018. Tuy còn một số khó khăn nhất định, song ngành GD-ĐT tỉnh sẽ cố gắng chủ động, linh hoạt khắc phục; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh, để cả xã hội chung tay cùng ngành GD-ĐT triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt mục tiêu.

* THẦY NGUYỄN THÀNH PHẠM, GIÁO VIÊN MÔN SINH HỌC TRƯỜNG THPT CHUYÊN TIỀN GIANG:

Vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống

Có thể thấy, một trong những cái hay của Chương trình GDPT 2018 là được biên soạn không còn theo kiểu cung cấp nhiều kiến thức, mà chủ yếu đi theo hình thức triển khai các hoạt động học tập, học sinh sẽ tự tìm hiểu kiến thức. Ở chương trình GDPT mới đòi hỏi thầy cô phải chủ động hơn trong việc tổ chức hoạt động học tập, tổ chức cho học sinh thảo luận, giải quyết các vấn đề gắn với thực tế nhiều hơn.

Riêng ở bộ môn Sinh học, trong quá trình giảng dạy, tôi thường xuyên liên hệ thực tế từ đời sống vào trong bài giảng để học sinh có thể nắm chắc kiến thức, vận dụng tốt vào thực tiễn cuộc sống. Một trong những điều mà tôi đang ấp ủ và sẽ triển khai ở học kỳ II sắp tới là cho học sinh tự thực hiện Dự án “Tự sản xuất men vi sinh xử lý mùi hôi, rác thải hữu cơ làm phân bón”.

* CÔ ĐINH THỊ HOÀNG OANH, GIÁO VIÊN TRƯỜNG TIỂU HỌC LÊ QUÝ ĐÔN, TP. MỸ THO:

Phát triển năng lực, phẩm chất học sinh

Chương trình GDPT 2018 có nhiều đổi mới theo hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Trong học tập, các em học sinh đã chủ động tiếp cận, lĩnh hội kiến thức, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức, hình thành các kỹ năng mềm. Đơn cử như môn Tiếng Việt, các em đã đọc, viết thành thạo, nhiều em viết chữ đẹp.

Hay về tác phong, ngôn phong, các em đã biết nói lời hay ý đẹp, biết xin phép cô khi ra ngoài, biết giúp đỡ bạn bè… Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi giáo viên phải tích cực nghiên cứu, đầu tư cho hoạt động dạy học, thay đổi phương pháp…

* THẦY NGUYỄN ĐỨC THẮNG, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS THỊ TRẤN CÁI BÈ:

Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh

Trong phân công chuyên môn, giáo viên dạy lớp 6, 7 phải là những giáo viên đã được tập huấn về Chương trình GDPT 2018, có kinh nghiệm. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường đã tăng cường lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; các hoạt động vận dụng kiến thức liên môn để học sinh có thể giải quyết tốt những vấn đề thực tiễn. Bên cạnh đó, trường còn triển khai thực hiện, tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh.

ĐỖ PHI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/giao-duc/202212/tien-giang-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-nhieu-doi-moi-trong-giao-duc-967446/