Tiền Giang: Triển khai quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát
Chiều 12-12, Thường trực Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức họp triển khai Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Ban Chỉ đạo); thảo luận cho ý kiến đối với các nội dung liên quan việc triển khai thực hiện nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang; Trưởng Ban Chỉ đạo; Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Chí Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh đã triển khai Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lý Văn Cẩm thông qua quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo kế hoạch, Tiền Giang phấn đấu đến cuối tháng 9-2025, hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Số lượng hộ người có công được hỗ trợ nhà ở là 134 căn (xây mới 35 căn và sửa chữa 99 căn); số lượng hộ nghèo được hỗ trợ nhà là 25 căn (xây mới 16 căn và sửa chữa 9 căn); hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà là 92 căn (xây mới 81 căn và sửa chữa 11 căn).
Mức hỗ trợ xây mới nhà 60 triệu đồng/căn; sửa chữa 30 triệu đồng/căn. Tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh là 11,49 tỷ đồng.
Dự thảo kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền; huy động nguồn lực; kiểm tra, giám sát. UBND tỉnh cũng phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể cho từng sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương đã thảo luận, đóng góp ý kiến về việc triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu các địa phương phải chịu trách nhiệm rà soát chính xác trong việc xác định các loại nhà, đặc biệt là nhà tạm, nhà dột nát. Qua cuộc họp này, các địa phương tập trung rà soát nhà tạm, nhà dột nát để không còn thay đổi về số lượng hoặc có chênh lệch ít.
Về xác định tiêu chí về nhà ở xã hội, nhà tạm, nhà dột nát, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Sở Xây dựng cần có những hướng dẫn thêm. Trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh thì các sở, ngành, Thường trực UBND sẽ xử lý cụ thể và có báo cáo Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh cho rằng, đến thời điểm này, về mặt pháp lý, chủ trương thực hiện việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đầy đủ, chỉ còn bổ sung để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Phần còn lại là làm sao Ban Chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhất.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến đóng góp về 2 dự thảo văn bản, một là quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; hai là kế hoạch triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Với tinh thần khẩn trương, trong chiều ngày 13-12, các thành viên phải có văn bản ý kiến gửi về Ban Chỉ đạo.
Các thành viên phải quyết tâm, quyết liệt cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ Ban Chỉ đạo phân công để cùng Chính phủ hoàn thành đề án chung của cả nước. Mỗi đồng chí phải cố gắng phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan cũng như thành viên Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm rà soát, thống kê chính xác về số lượng nhà ở xã hội, nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn…