Thêm trợ lực phát triển nhà ở xã hội
Xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là chủ trương lớn, mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, mục tiêu đến năm 2030 nước ta có 1 triệu căn nhà ở xã hội. Theo số liệu báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 580.000 căn. Nhưng hiện mới có 96 dự án hoàn thành với quy mô hơn 57.000 căn. Như vậy, để tiến đến mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội là chặng đường còn rất dài.
Để tạo nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, ngày 11/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh; trong đó giao NHNN chỉ đạo 4 NHTM thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi. Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực triển khai còn nhiều vướng mắc về nguồn cung, pháp lý... nên tốc độ giải ngân chương trình này còn hạn chế. Đến nay mới có 37/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 90 dự án. Doanh số giải ngân của chương trình đạt 2.360 tỷ đồng, bao gồm: 2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án.
Với mong muốn để người nghèo, người thu nhập thấp có cơ hội an cư, đã có thêm 5 NHTM tham gia, mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng, nâng quy mô gói tín dụng lên 145 nghìn tỷ đồng. Lãi suất cho vay đối với các khoản tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội cũng giảm từ 4,8% xuống 4,7%/năm.
Trước bối cảnh đó, NHNN đã có bước tiến quan trọng khi mới đây đã ban hành Công văn số 55/NHNN-TD gửi 9 NHTM cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ không tính vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm. Thời gian thực hiện chính sách này tối đa đến năm 2030 và doanh số cho vay không vượt quá số tiền mà NHTM đã đăng ký tham gia chương trình.
Chia sẻ về điều chỉnh quan trọng trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng rất coi trọng gói tín dụng này và đánh giá đây là giải pháp căn cơ và hỗ trợ tích cực cho đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Vì vậy, NHNN đã xây dựng cơ chế riêng cho vay đối tượng trên. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc các cam kết tham gia Chương trình về lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay phù hợp với đối tượng và mục đích vay vốn; quan tâm, phối hợp với các dự án xây dựng đủ điều kiện cho vay để giải ngân kịp thời khi chủ đầu tư có nhu cầu vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà ở xã hội tiếp cận vốn vay. “Việc không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội theo gói 145.000 tỷ đồng vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là sự tạo điều kiện của NHNN. Qua đó góp phần đẩy mạnh tín dụng cho nhà ở xã hội theo tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc cho vay là theo nhu cầu thị trường, điều kiện của từng ngân hàng”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế đánh giá, chỉ đạo của NHNN cho thấy nỗ lực của cơ quan điều hành tạo thêm động lực để các ngân hàng triển khai tích cực hơn gói tín dụng này. Theo chuyên gia này, thực tế thời gian qua, các NHTM cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy gói tín dụng cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên hiện giá nhà ở xã hội vẫn còn cao so với thu nhập của đại bộ phận người lao động, dự án nhà ở xã hội cũng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý vì vậy ngân hàng muốn cũng chưa thể có dự án tốt để cho vay.
Các chuyên gia kỳ vọng Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 với quy định mới như ưu đãi đáng kể cho chủ đầu tư, bao gồm miễn tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất, cũng như các ưu đãi thuế theo quy định pháp luật. Đặc biệt, chủ đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận lên tới 10% và có quyền sử dụng diện tích đất hoặc diện tích sàn cho mục đích kinh doanh thương mại mà không cần phải hạch toán vào giá bán nhà. Những quy định này giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó tạo điều kiện để hạ giá thành nhà ở xã hội, nhằm người lao động có thể tiếp cận được nhà ở với mức giá hợp lý, ổn định cuộc sống...
Với tất cả những nỗ lực từ các bộ, ngành, sự vào cuộc tích cực của NHTM và hỗ trợ từ hành lang pháp lý được hoàn thiện, bổ sung, các chuyên gia tin tưởng nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều động lực để phát triển tích cực hơn.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/them-tro-luc-phat-trien-nha-o-xa-hoi-159777.html