Tiền Giang: Xuất khẩu khả quan
Kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm 2021 của Tiền Giang được xem là có nhiều tính hiệu tích cực hơn so với những tháng đầu năm 2020. Phân tích thêm về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết:Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng hoạt động xuất khẩu của tỉnh trong những tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải quan cung cấp, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của tỉnh đạt 1,14 tỷ USD, tăng hơn 33% so với cùng kỳ và đạt hơn 35% so với kế hoạch năm.
Từ cuối tháng 4, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Ấn Độ làm cho xuất khẩu của tỉnh trong tháng 5 và tháng 6 giảm so với những tháng đầu năm 2021. Theo đó, 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu đạt khoảng 1,7 tỷ USD, tăng hơn 28% so cùng kỳ và đạt hơn 52% so với kế hoạch năm; trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 84% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Một trong những nguyên nhân góp phần cho xuất khẩu những tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ là dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng), dệt may, giày dép, sản phẩm nhựa… và ở các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu vào những thị trường mới cũng phần nào giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Kim loại thường khác và sản phẩm (kể cả đồng) đạt khoảng 411 triệu USD, tăng hơn 42% so cùng kỳ; may mặc đạt khoảng 237 triệu USD; giày, dép các loại đạt hơn 297 triệu USD, tăng gần 40%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù đạt hơn 125 triệu USD, tăng hơn 8%; thảm cỏ nhân tạo ước đạt 110 triệu USD, tăng hơn 61% so với cùng kỳ. Ngoài ra, xuất khẩu mặt hàng nông - thủy sản cũng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm như: Thủy sản đạt khoảng 122 triệu USD, hàng rau quả đạt hơn 13 triệu USD, tăng 12% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ…
Hàng hóa của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. 6 tháng đầu năm 2021, hàng hóa của tỉnh xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường truyền thống như: Ấn Độ chiếm hơn 21%, Trung Quốc chiếm hơn 7%, riêng thị trường Mỹ chiếm hơn 23%...
* Phóng viên: Khó khăn lớn nhất hiện nay ở lĩnh vực xuất khẩu mà doanh nghiệp đối mặt là gì, thưa đồng chí?
* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Khó khăn lớn nhất hiện nay mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng là vấn đề vận chuyển hàng hóa như: Chi phí logistics tăng cao (tăng gấp 2 - 3 lần) so với năm 2019. Ví dụ như chi phí đi châu Mỹ hiện nay dao động từ 7.000 - 9.000 USD, châu Âu từ 8.000 - 9.000 USD, châu Á từ 3.000 - 4.000 USD, Trung Quốc từ 800 - 1.000 USD, Ấn Độ từ 3.000 - 4.000 USD. Vấn đề thiếu container rỗng, tình hình giải phóng hàng ở các nước nhập khẩu chậm làm ảnh hưởng đến kế hoạch nhập hàng của khách, một số nước dịch Covid-19 tăng mạnh nên họ tạm ngưng nhập hàng (đặc biệt là thị trường Ấn Độ). Đó là chưa kể chi phí kho bãi ở cảng tăng.
Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Với nông sản, Việt Nam đã làm tốt công tác đàm phán để nước nhập khẩu cắt giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (thông qua các Hiệp định FTA). Tuy nhiên, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường.
Bên cạnh đó, một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng xuất khẩu như sản phẩm ống đồng, ống thép không gỉ… đang phải đối diện với nhiều khó khăn do nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới thay vì áp dụng các hàng rào kỹ thuật như áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại... đòi hỏi cần có sự khẩn trương nghiên cứu, thay đổi trong cách tiếp cận để kịp thời điều chỉnh, ứng phó. Ngoài ra, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh.
* Phóng viên: Từ thực tế hiện nay, Sở Công thương sẽ có những giải pháp gì tiếp theo để hỗ trợ doanh nghiệp?
* Đồng chí Đặng Văn Tuấn: Năm 2020, do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, sản xuất bị đình trệ, thiếu nguyên liệu đầu vào, tồn kho nhiều, không xuất khẩu được, đặc biệt là những quý đầu của năm. Tuy nhiên, sang năm 2021, mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát ở các nước, nhưng sự quyết liệt của Chính phủ đã chỉ đạo các ngành bằng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực, chất lượng, mẫu mã hàng hóa được cải tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do tiếp tục là đòn bẩy cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Từ những yếu tố này, dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu Tiền Giang tiếp tục tăng trưởng bằng và có thể cao hơn năm 2020, cùng với các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng quy mô sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp, nên khả năng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 3,25 tỷ USD là rất cao.
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đề ra, ngành Công thương tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 gây ra để kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định hoạt động sản xuất.
Ngành cũng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về các FTA để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản thương mại… để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của Covid-19.
Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu trị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, theo dõi tình hình và thông báo các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, Sở Công thương cũng khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; tổ chức, hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sự kiện có quy mô quốc tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác xuất khẩu…
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
THẾ ANH (thực hiện)
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202107/tien-giang-xuat-khau-kha-quan-929657/