Tiền gửi của dân cư vào ngân hàng cao kỷ lục do đâu?
Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2023. Đâu là yếu tố góp phần giúp tiền gửi của dân cư vào ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước đến nay?
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2024, tổng phương tiện thanh toán toàn nền kinh tế đạt hơn 16,4 triệu tỷ đồng, tăng 2,52% so với cuối năm 2023. Trong đó, tổng tiền gửi của dân cư đạt hơn 6,83 triệu tỷ đồng, tăng 4,68% so với cuối năm 2023, đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ trong thời gian qua được đánh giá là một trong những yếu tố tăng sức hấp dẫn của kênh tiết kiệm, góp phần thu hút dòng tiền đổ vào ngân hàng.
Tính đến hết tháng 8/2024, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,6-3,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4-4,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,3-6,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động sẽ giữ ở mức ổn định. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản... vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư sáng giá cho dòng tiền dân cư nhàn rỗi đảm bảo cân bằng giữa lợi nhuận và an toàn.
Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, xu hướng tăng lãi suất có thể khó tiếp diễn trong các tháng còn lại của năm 2024 và sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
Theo đó, đối với nhóm ngân hàng quốc doanh, lãi suất huy động có khả năng sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ vào cuối năm, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi các yếu tố bất thường như thiên tai. Nhóm ngân hàng này có nguồn vốn huy động dồi dào và chi phí vốn thấp nên không chịu áp lực phải tăng lãi suất để thu hút tiền gửi.
Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có thể vẫn chịu áp lực tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm đảm bảo đủ vốn cho tăng trưởng tín dụng. Những ngân hàng có cơ cấu huy động vốn không linh hoạt, phụ thuộc nhiều vào tiền gửi của khách hàng, sẽ phải duy trì mức lãi suất hấp dẫn hơn để cạnh tranh và thu hút dòng vốn.
Trái ngược với xu hướng tăng mạnh của tiền gửi dân cư, tiền gửi của các tổ chức doanh nghiệp tại ngân hàng lại đạt 6,768 triệu tỷ đồng, giảm 1,07%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang chuyển dịch vốn sang các kênh đầu tư khác thay vì tập trung tiền vào ngân hàng./.