Tiện ích mô hình '3 không' ở Thường Xuân

Mô hình '3 không' ('không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công', 'không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu', 'không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền') mang lại những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, đời sống thường ngày. Nhận thấy lợi ích đó, huyện Thường Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả mô hình '3 không' và công tác chuyển đổi số (CĐS), hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã Ngọc Phụng và đoàn viên, thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ cài chữ ký số cho công dân.

Các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số xã Ngọc Phụng và đoàn viên, thanh niên hướng dẫn, hỗ trợ cài chữ ký số cho công dân.

Nhận thức công tác CĐS có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi tổng thể, toàn diện về đời sống xã hội, xã Ngọc Phụng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 10/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, gắn với mô hình “3 không”. Cùng với việc ban hành kế hoạch thực hiện CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS và 7 tổ công nghệ số cộng đồng. Xác định mục tiêu cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương, Ban Chỉ đạo CĐS xã Ngọc Phụng đã phát huy vai trò, trách nhiệm chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp CĐS để xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, UBND xã đã sử dụng các phần mềm dùng chung của tỉnh như: TD-Office, theo dõi nhiệm vụ, “một cửa” điện tử, thư điện tử công vụ và thực hiện ký số điện tử đối với hồ sơ được ban hành trên môi trường mạng. Đồng thời, 100% cán bộ, công chức UBND xã thực hiện công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ trên môi trường mạng thông qua phần mềm TD-Office và “một cửa” điện tử. Qua theo dõi, hàng quý, tỷ lệ ký số của lãnh đạo và văn bản đi có ký số của cơ quan UBND xã đạt 100%. Bên cạnh đó, cán bộ công chức xã sử dụng thành thạo, có hiệu quả hệ thống “một cửa” điện tử, Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa, Dịch vụ công trực truyến để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC. Việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết, theo dõi TTHC theo cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông và trả kết quả đảm bảo chất lượng, đúng thời gian quy định. Năm 2024, bộ phận “một cửa” UBND xã Ngọc Phụng đã tiếp nhận và xử lý 1.442/1.442 hồ sơ TTHC trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử, đạt 100%. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến một phần có 1.195/1.195 hồ sơ; dịch vụ công trực tuyến toàn trình là 247/247 hồ sơ. Mặt khác, xã ứng dụng nền tảng công nghệ số thành lập các nhóm zalo, facebook nhằm tạo ra mạng lưới thông tin đa dạng sẵn sàng tiếp nhận mọi ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân. Đồng thời, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của người dân hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền vì Nhân dân phục vụ.

Để mô hình “3 không” đi vào đời sống xã hội, xã Ngọc Phụng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt của các tổ công nghệ số cộng đồng trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Phối hợp với các đơn vị viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm xã hội huyện mở tài khoản, ví điện tử cho đối tượng hưu trí, người có công và toàn thể người dân trên địa bàn. Cùng với việc vận động doanh nghiệp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với các TTHC phát sinh phí, lệ phí, các tổ công nghệ số cộng đồng còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động trên môi trường số một cách sâu rộng, bằng việc cài đặt APP vào điện thoại để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ thiết yếu, như: Tiền điện, nước, dịch vụ môi trường. Qua rà soát toàn xã hiện có 4.795/5.205 người dân trong độ tuổi trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 92,1%; có 2.660/3.798 số thuê bao điện thoại di động thông minh sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản, đạt tỷ lệ 70,2%; 4.575/5.648 công dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng và các tổ chức được phép khác, đạt tỷ lệ 81%; khoảng 30% người dân đã tiếp cận nền tảng số dữ liệu công dân về quản lý định danh, tiêm chủng, BHYT, BHXH; khoảng 53,7% người dân được các nhà mạng VNPT, Viettel hỗ trợ cấp miễn phí chữ ký số điện tử trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thực hiện CĐS gắn với mô hình “3 không” không chỉ giúp xã Ngọc Phụng phát triển chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức và người dân từng bước tiếp cận, ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống.

Bám sát hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông (cũ), tháng 8/2024 huyện Thường Xuân đã ban hành triển khai thực hiện nhân rộng mô hình “3 không” và các mô hình CĐS ở 16/16 xã, thị trấn. Nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm của mô hình và kế hoạch CĐS, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các xã, thị trấn về công tác CĐS và mô hình “3 không”. Đồng thời, lấy kết quả thực hiện mô hình “3 không” làm tiêu chí đánh giá năng lực và mức độ hoàn thành của các xã, thị trấn.

Bắt tay vào thực hiện, Ban Chỉ đạo CĐS huyện Thường Xuân đã tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai mô hình “3 không” với sự tham gia của hơn 640 người là thành viên ban chỉ đạo CĐS các xã, thị trấn và tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời, có 16 buổi làm việc với các xã, thị trấn về hướng dẫn triển khai mô hình “3 không”. Ban Chỉ đạo CĐS huyện cũng tăng cường tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong việc CĐS gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mô hình “3 không”.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, việc thực hiện mô hình “3 không” ở huyện Thường Xuân đã thu được kết quả vượt trội. Cụ thể, việc không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công tăng từ 35% lên 90% tại 4 đơn vị được khảo sát. Đối với việc người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng một số dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, mua sắm tại chợ, cửa hàng, thanh toán trực tuyến khi thực hiện một số dịch vụ công... tăng từ 22,7% lên hơn 96,5%. Một số dịch vụ như tiền điện thanh toán trực tuyến đạt 100% và các cửa hàng đều sử dụng mã QR trong thanh toán không dùng tiền mặt. Hay việc không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, trên cơ sở các dịch vụ được thực hiện tại mô hình đã thấy rõ việc giao dịch của người dân và doanh nghiệp phần đa trên môi trường điện tử. Đáng chú ý, các phản ánh, kiến nghị của người dân được thực hiện qua các nhóm tiện ích zalo, facebook; 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn thực hiện việc gửi, nhận văn bản qua nền tảng số.

Qua gần 1 năm thực hiện mô hình “3 không”, huyện Thường Xuân đã đạt được kết quả đáng khích lệ, các nhóm chỉ tiêu đều đạt và vượt ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “CĐS tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Bài và ảnh: Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tien-ich-mo-hinh-3-khong-o-thuong-xuan-247817.htm