Tiện ích thiết thực từ định danh điện tử
Tỉnh Quảng Ninh đang mở rộng các mô hình điểm khai thác tiện ích từ việc phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia (Đề án 06), giúp người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng các giá trị 'số hóa' thiết thực trong đời sống.
Nhà nghỉ Việt Hưng tại phố Lê Lương, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh có 18 phòng nghỉ. Ông Nguyễn Văn Hải, chủ nhà nghỉ cho biết, trước kia khi có khách lưu trú, ông phải yêu cầu khách xuất trình CCCD rồi photo để khai báo đến cơ quan Công an. Tuy nhiên, từ tháng 6/2023, sau khi được lực lượng Công an huyện hướng dẫn lắp đặt và sử dụng phần mềm quản lý lưu trú tự động ASM do Bộ Công an triển khai, việc đăng ký lưu trú cho khách đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
"Khách chỉ cần xuất trình căn cước công dân gắn chíp điện tử, lễ tân quét mã và hệ thống sẽ tự động khai báo thông tin cho khách và gửi đến cơ quan công an. Phần mềm cũng giúp cho gia đình thuận lợi cho việc quản lý phòng và nhận phòng, quản lý kinh doanh tốt hơn", ông Hải cho hay.
Việc thực hiện thông báo lưu trú trên môi trường điện tử diễn ra nhanh chóng, kịp thời, an toàn, bảo mật và hoạt động 24/24h. Không chỉ thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng nắm tình hình, quản lý nhân hộ khẩu, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Một tiện ích nổi bật khác được người dân sử dụng thường xuyên là đăng ký, cấp biển số xe máy bằng hình thức trực tuyến. Với điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân có thể làm thủ tục đăng ký xe tại nhà qua Cổng dịch vụ công của Bộ Công an, sau đó hoàn tất việc bấm lấy biển số và giấy chứng nhận đăng ký xe ngay tại Công an cấp xã.
"Ngày trước tôi đi đăng ký xe đến cơ quan công an để khai tờ khai và phải đi lại hết 2-3 lần nhưng giờ đây có Dịch vụ công quốc gia làm thủ tục khai dịch vụ công ở nhà rồi đến cơ quan công an để bấm biển, lấy biển số rất nhanh và tiện lợi", anh Hoàng Minh Đệ (trú tại huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) cho biết.
Tại Đầm Hà, nhiều dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ người dân sử dụng tăng cao, tiêu biểu như đăng ký thường trú, tạm trú đạt trên 93%; đăng ký, cấp biển số ôtô, mô tô, xe gắn máy đạt trên 80%; đặc biệt thủ tục thông báo lưu trú đạt 100% hồ sơ giải quyết qua cổng Dịch vụ công. Ngoài các tiện ích dịch vụ công, người dân đã bước đầu sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm mà không cần trực tiếp đến cơ quan Công an. Từ khi triển khai đến nay, Công an huyện Đầm Hà đã tiếp nhận và giải quyết 26 tin báo, trong đó có 18 tin về an ninh trật tự.
Qua triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), 100% công dân thường trú và tạm trú trên địa bàn huyện Đầm Hà đã được cấp CCCD gắn chíp điện tử; thu nhận gần 20.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử; kích hoạt định danh điện tử mức 1 và 2 trên 17.000 tài khoản. Cả tỉnh Quảng Ninh cũng “về đích” công tác cấp CCCD, làm sạch dữ liệu và cấp tài khoản định danh điện tử. Đây chính là cơ sở quan trọng để những tiện ích của Đề án được tích hợp và phát huy tính năng phục vụ nhân dân.
Tuy vậy, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn miền núi, hải đảo cũng gặp không ít thách thức. Như tại huyện Đầm Hà, người dân tại các khu vực khó khăn chưa có nhiều điều kiện tiếp cận các dịch vụ trên môi trường internet, vùng đồng bào DTTS dân trí không đồng đều, bỡ ngỡ khi chuyển từ thủ tục hành chính giấy sang thủ tục điện tử…
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Đầm Hà cho biết: "Chúng tôi cũng đã cố gắng từng bước khắc phục như triển khai các điểm hỗ trợ lưu động để thu nhận hồ sơ căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử, hỗ trợ công dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; phối hợp các ngành có liên quan để triển khai các dịch vụ công tiện ích để đảm bảo quyền lợi của công dân".
Để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận và tham gia dịch vụ tốt hơn, lực lượng công an huyện xác định phát huy vai trò thường trực Đề án 06 của huyện, tham mưu cấp ủy chính quyền chỉ đạo các ban, ngành vào cuộc tích cực, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa. Các giải pháp quan trọng là tiếp tục bổ sung và làm giàu dữ liệu, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, vận động chi trả an sinh xã hội qua tài khoản. Đặc biệt là đảm bảo bảo mật an toàn an ninh cho hệ thống máy, phương tiện hệ thống dữ liệu trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng theo đúng quy định của Bộ Công an, Công an tỉnh.
Đầu năm 2024 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng ra mắt, giới thiệu mô hình điểm Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” với 45 mô hình điểm theo 5 nhóm tiện ích.
Một số mô hình đã triển khai đạt kết quả cao trong thực tiễn như Khám, chữa bệnh bằng thẻ Căn cước công dân gắn chip thay thẻ BHYT tại hơn 200 cơ sở y tế khám, chữa bệnh BHYT; Triển khai phần mềm thông báo lưu trú tự động ASM tại hơn 500 cơ sở lưu trú; Triển khai hệ thống xác thực tập trung (SSO) giúp sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập Cổng dịch vụ công của tỉnh... Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh khắc phục những tồn tại, tiếp tục nâng cao hiệu quả trong ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mang lại những tiện ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tien-ich-thiet-thuc-tu-dinh-danh-dien-tu-post1084708.vov