Tiện ích từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong hội viên, phụ nữ

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tiểu Cần đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, phụ nữ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công tác Hội. Đặc biệt là việc phổ biến những lợi ích thiết thực từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và được hội viên, phụ nữ hưởng ứng tích cực, góp phần cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến quét mã QR để thanh toán tiền tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến quét mã QR để thanh toán tiền tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Khóm 1, thị trấn Tiểu Cần sống bán tạp hóa tại chợ Tiểu Cần hơn 30 năm nay. Để có hàng hóa bán lại cho khách hàng bà Thủy phải đến các nhà phân phối hoặc đại lý, cửa hàng ở thành phố Trà Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí đi lại. Từ khi sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt các ứng dụng zalo, facebook… bà Thủy liên kết với các cửa hàng, đại lý qua các ứng dụng. Hàng ngày chỉ cần mở ứng dụng và qua vài thao tác là có thể đặt mua các sản phẩm.

Bà Thủy chia sẻ: ban đầu khi mới tiếp cận điện thoại thông minh tôi cũng chưa rành các thao tác, sau đó được người thân trong gia đình, các chị phụ nữ huyện hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội, cài đặt ứng dụng chuyển tiền trên điện thoại… nhờ ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tôi tiết kiệm gần 01 triệu đồng chi phí vận chuyển.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, người dân thị trấn Tiểu Cần chia sẻ: tôi thấy sử dụng tiện ích thanh toán bằng hình thức chuyển khoản rất tiện lợi cho cả người mua lẫn người bán, nhiều lúc mình có công việc vội đi ra ngoài mà quên mang theo ví tiền, túi xách khi mua sắm ở các cửa tiệm có ứng dụng quét mã thì chỉ cần có điện thoại thông minh là có thể quét mã bấm số tiền cần chuyển là được.

Bà Nguyễn Thị Lanh, tiểu thương tại chợ Tiểu Cần cho biết: tôi bán tạp hóa trong chợ Tiểu Cần nhiều năm nay, trước giờ luôn mua bán bằng tiền mặt nhưng thời gian gần đây có nhiều khách hàng yêu cầu thanh toán qua điện thoại nên tôi nhờ con cháu đăng ký tài khoản ngân hàng để tại quầy thanh toán để khách hàng chuyển khoản. Tôi thấy hình thức thanh toán tiền qua điện thoại cũng rất tiện lợi.

Bà Huỳnh Thị Thùy, một tiểu thương với nghề bán trái cây ở chợ Tiểu Cần nói: để đa dạng trái cây như: xoài, sầu riêng, ổi, mận… tôi không chỉ đặt mua trái cây các nhà vườn trong huyện mà còn lấy hàng hóa từ các tỉnh khác, mỗi lần đi mua trái cây phải mang theo một số tiền khá lớn trong người nên rất lo lắng, sợ bị móc túi, cướp giật, từ khi sử dụng hình thức thanh toán qua điện thoại việc mua bán trở nên dễ dàng hơn, không cần phải đến tận nhà vườn để đặt mua hàng hóa như lúc trước mà chỉ cần nhà vườn chụp ảnh gửi qua zalo, mình ưng ý thì đặt số lượng nhà vườn gửi xe vận chuyển về cho, sau đó tôi chuyển tiền qua ứng dụng của ngân hàng là xong.

Bà Trần Thị Oanh, thành viên Câu lạc bộ 20/10 Hội LHPN huyện Tiểu Cần chia sẻ: để thích ứng với thời đại công nghệ số, mỗi người dân nói chung, phụ nữ nói riêng cần phải trang bị, cập nhật các kiến thức về công nghệ thông tin đặc biệt là các kiến thức hỗ trợ cho việc kinh doanh, sinh hoạt hằng ngày. Gia đình tôi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực Nha khoa nên luôn tiếp thu các phương thức kinh doanh mới để kết nối khách hàng, cải thiện dịch vụ giúp nâng cao hiệu quả kinh.

Đồng chí Lê Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiểu Cần cho biết: thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh và xây dựng người Phụ nữ Tiểu Cần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, Hội LHPN huyện đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên thông qua nhiều hình thức và các kênh truyền thông, mạng xã hội như: trang zalo, facebook, qua các cuộc sinh hoạt tổ nhóm, câu lạc bộ… các cấp Hội trên địa bàn huyện đã vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đẩy mạnh sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử, hướng tới việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay vấn đề khó khăn là một số hội viên lớn tuổi đã quen với việc dùng tiền mặt để mua bán trao đổi hàng hóa và không rành về công nghệ nên khó thay đổi. Thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để hỗ trợ, hướng dẫn cho hội viên, phụ nữ nhất là các hộ kinh doanh làm quen hơn với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để ngày càng lan tỏa công tác chuyển đổi số.

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chuyen-doi-so/tien-ich-tu-hoat-dong-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-hoi-vien-phu-nu-45072.html