Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội và lương hưu có gì thay đổi?

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội cho các tiểu thương tại Vĩnh Phúc. Ảnh: L.H.

Tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội cho các tiểu thương tại Vĩnh Phúc. Ảnh: L.H.

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, theo hướng trên cơ sở quy định về tiền lương theo quy định của pháp luật lao động (tiền lương tháng), để xác định các khoản (mức lương, phụ cấp lương, bổ sung khác) phải đóng BHXH bắt buộc.

Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh tính theo thời gian (theo tháng) của công việc, hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng, theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương chưa được tính đến, hoặc tính chưa đầy đủ, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không bao gồm khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.

Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương; không bao gồm các khoản bổ sung khác phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, dự thảo quy định là mức phụ cấp hàng tháng của họ được hưởng. Trường hợp mức phụ cấp hàng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc bằng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.

Dự thảo Nghị định đề xuất quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố là mức phụ cấp hàng tháng.

Luật BHXH 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định, người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện. Đó là đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động (60 tuổi với nữ, 62 tuổi với nam); và có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên. Trong đó, lao động nữ được hưởng mức lương hưu tối thiểu là 45%, tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Đối với lao động nam, để hưởng mức bằng 45% cần 20 năm đóng. Cả lao động nam và nữ sau khi đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.

Riêng lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, mà thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu, thì họ được đóng tiếp 1 lần cho số tháng còn thiếu.

Mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động, và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất. Trường hợp người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì phải có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 19 năm 6 tháng đến dưới 20 năm. Thời điểm đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu sớm nhất là tháng trước liền kề tháng đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.

Về cách tính lương hưu, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ví dụ: Trường hợp bà A 55 tuổi, làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, có 32 năm 4 tháng đóng BHXH bắt buộc, nghỉ việc hưởng lương hưu từ ngày 1/10/2025.

Tỷ lệ hưởng lương hưu của bà A được tính như sau: 15 năm đầu được tính bằng 45%. Từ năm thứ 16 đến năm thứ 32 là 17 năm, tính thêm: 17 x 2% = 34%; 4 tháng được tính là nửa năm, tính thêm: 0,5 x 2% = 1%. Tổng các tỷ lệ trên là: 45% + 34% + 1% = 80% (chỉ tính tối đa bằng 75%).

Bà A nghỉ hưu trước tuổi quy định (56 tuổi 8 tháng) là 1 năm 8 tháng nên tỷ lệ hưởng lương hưu tính giảm: 2% + 1% = 3%.

Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng của bà A là 75% - 3% = 72%. Ngoài ra, do bà A có thời gian đóng BHXH cao hơn 30 năm (2 năm 4 tháng) nên ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần là: 2,5 năm x 0,5 lần mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Lan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tien-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-va-luong-huu-co-gi-thay-doi-10296193.html