Tiền mặt lũ lượt chảy về túi cổ đông, cổ phiếu ngân hàng thêm lực đẩy
Nhiều ngân hàng mạnh tay chi cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ cao, điều này góp phần tạo cơ hội cho nhóm 'cổ phiếu vua' bứt phá...

Giống như những năm trước, kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng luôn trở thành tâm điểm thu hút giới đầu tư trong mùa đại hội đồng cổ đông. Năm nay, nhiều đơn vị dự kiến chi trả cổ tức ở mức cao khi tận dụng kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024 để tri ân cổ đông.
LÀN SÓNG CHIA CỔ TỨC TIỀN MẶT
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của ngân hàng VIB mới đây đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (vốn điều lệ tại ngày 31/12/2024 là 29.791 tỷ đồng), ước tính số tiền để chi trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.
Năm nay, ngân hàng ACB tiếp tục trình cổ đông thông qua phương án trả cổ tức 25% bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trong đó, ACB sẽ chi ra khoảng 4.466 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% nhằm tăng vốn điều lệ.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, Ban lãnh đạo ngân hàng HDBank cũng hé lộ kế hoạch trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ tối đa là 30% vốn điều lệ, trong đó bao gồm cổ tức tiền mặt tối đa 15%. Kế hoạch chi tiết sẽ được trình tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Mới đây, ngân hàng OCB đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Điểm đáng chú ý trong kế hoạch năm nay là lần đầu tiên OCB đề xuất chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 7%, tương đương 1.726 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu thưởng nhằm tăng vốn điều lệ.
Nhiều ngân hàng vẫn chưa hé lộ tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay và kế hoạch chia cổ tức. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo xu hướng chia cổ tức sẽ tiếp tục được duy trì như năm trước, khi nhiều nhà băng ưu tiên gia tăng giá trị cho cổ đông.
Trong năm 2024, Techcombank đã chi gần 5.300 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông, sau 10 năm liên tiếp giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Tổng Giám đốc Jens Lottner cũng khẳng định, ban lãnh đạo Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức bằng tiền mặt một cách bền vững và dài hạn chứ không chỉ là một vài năm. Cụ thể, Ban lãnh đạo Techcombank dự kiến mức chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20%/ tổng lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Hội đồng Quản trị và Đại hội đồng cổ đông. "Hội đồng quản trị muốn xây dựng một chính sách bền vững, đồng nghĩa chúng tôi có thể đưa ra một lời hứa dài hạn với thị trường", ông Lottner giải thích.
VPBank cũng có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Trong năm 2024, ngân hàng đã sử dụng 7.934 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt, tương ứng tỷ lệ 10%.
MB đã liên tiếp trả cổ tức tiền mặt trong hai năm gần đây và nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng phương án trả cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu trong năm 2025. Trong năm 2024 và 2023, MB đã dành lần lượt 2.653 tỷ đồng và 2.267 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt theo tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ phiếu được nhận 500 đồng.
ĐÓN ĐẦU CƠ HỘI TỪ “CỔ PHIẾU VUA”
Trong quá khứ, việc các ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu là rất thường xuyên xảy ra nhưng chia cổ tức bằng tiền mặt thì không. Điều này xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022 để tạo nguồn lực hạ thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giai đoạn ba năm Covid-19 (từ 2019 đến 2021).
Bên cạnh đó, nhìn dưới góc độ của các ngân hàng, phương án phát hành cổ tức bằng cổ phiếu thay vì chia tiền mặt giúp các ngân hàng dễ dàng tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn nhờ vậy có thể được cấp mức tăng trưởng tín dụng tốt hơn.
Từ năm 2023, nhà điều hành đã nới lỏng quy định, không còn "siết" việc chia cổ tức bằng tiền mặt đối với các ngân hàng có xếp hạng cao. Điều này mở ra cơ hội cho những nhà băng có nền tảng vốn vững chắc và khả năng tài chính dồi dào tri ân cổ đông bằng tiền mặt.
Thống kê cho thấy năm 2024 có tới 9 ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt, gồm VIB, ACB, HDBank, MB, VPBank, Techcombank, Eximbank, SHB và TPBank. Tổng số tiền mặt mà các ngân hàng này phân phối cho cổ đông ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng, vượt xa mức 23.000 tỷ đồng của năm 2023 cả về số lượng ngân hàng lẫn quy mô chi trả (khi chỉ có 6 ngân hàng thực hiện).
Với các cổ đông, nhận cổ tức bằng tiền mặt không chỉ là tin vui khi trực tiếp hưởng lợi từ kết quả kinh doanh mà còn phản ánh sự vững vàng của ngân hàng. Đồng thời, động thái này cũng thể hiện sự tự tin của ban lãnh đạo vào sức khỏe tài chính và dòng tiền của nhà băng.
Phần lớn các công ty chứng khoán dự báo, với thông tin chia cổ tức hấp dẫn cùng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường. Giá mục tiêu của nhiều mã ngân hàng được kỳ vọng duy trì đà tăng trong năm 2025.
Theo các chuyên gia của VinaCapital, cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tích cực nhờ lợi nhuận tăng trưởng mạnh và mức định giá vẫn ở mức hấp dẫn (P/B khoảng 1,3 lần). Tuy nhiên, đà tăng của từng mã cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ nét, tùy thuộc vào định giá, chất lượng tài sản và khả năng tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng.
Những ngân hàng có sự cải thiện đáng kể về chất lượng tài sản như VPBank, MB, BIDV được đánh giá còn nhiều dư địa tăng giá. Trong khi đó, một số cổ phiếu như CTG, TCB hay MBB đã sớm bứt phá ngay từ đầu năm 2025.
Việc cầm “tiền tươi thóc thật” mang lại sự chắc chắn và hứng khởi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, không có phương án nào là hoàn hảo. Theo quy định hiện hành, cả cổ tức tiền mặt lẫn cổ phiếu đều chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ được điều chỉnh theo mức cổ tức mà ngân hàng chi trả.
Ở góc độ tài chính, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt giúp ngân hàng tích lũy thêm vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) và mở rộng dư địa tín dụng, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Với cổ đông, đây là cơ hội gia tăng lượng cổ phiếu nắm giữ mà không cần bỏ thêm vốn đầu tư, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của ngân hàng.
Song theo giới chuyên gia, lựa chọn chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu phụ thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng. Việc kết hợp linh hoạt giữa hai hình thức này không chỉ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính mà còn tạo sự cân bằng, đáp ứng kỳ vọng của cả cổ đông lẫn yêu cầu phát triển bền vững.