Tiên phong đổi mới sáng tạo, ươm tạo nhân tài, phát triển theo xu thế của thế giới
Sáng 24/4, tại Hà Nội, nhân dịp dự lễ phát động phong trào 'Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số', Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (tiền thân là Trường Bưu điện-Vô tuyến điện-1953) được Thủ tướng Chính phủ thành lập ngày 11/7/1997 theo Quyết định số 516/QĐ-TTg. Khi thành lập, Học viện là trường đại học đầu tiên trực thuộc doanh nghiệp (Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam - nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về gắn kết nghiên cứu-đào tạo-sản xuất kinh doanh.
Ngày 1/7/2014, Học viện chuyển về trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ.
Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo lớn tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 4 viện nghiên cứu và 1 trung tâm đào tạo ngắn hạn trực thuộc. Quy mô đào tạo của học viện hiện khoảng 25.000 sinh viên, học viên với 50 ngành/chương trình đào tạo thuộc 4 nhóm lĩnh vực: Máy tính và Công nghệ thông tin; Kỹ thuật và Công nghệ; Kinh tế-Quản lý; Báo chí và Truyền thông đa phương tiện.
Ngày 27/2/2025, học viện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về kỹ thuật và công nghệ.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Bưu chính Viễn thông tham dự buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong suốt 28 năm từ khi thành lập, thực hiện sứ mệnh gắn kết nghiên cứu-đào tạo-sản xuất kinh doanh, học viện luôn nỗ lực, đổi mới tiên phong thí điểm các cơ chế hoạt động mới, đào tạo các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu xã hội và trọng tâm nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới gắn với bài toán của doanh nghiệp và xã hội.
Hiện nay, học viện là trường đại học dẫn đầu trong chuyển đổi số giáo dục đại học, đã xây dựng được một kiến trúc chuyển đổi số với hệ sinh thái đại học số hoàn chỉnh, toàn bộ hoạt động quản lý, dịch vụ hỗ trợ sinh viên được thực hiện trên ứng dụng di động với “một điểm chạm” duy nhất.

Lãnh đạo Học viện Bưu chính Viễn thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi trên 80% và gần 100% sinh viên ra trường có việc làm. Sinh viên học viện đạt nhiều giải thưởng quốc tế, quốc gia như: Giải nhất quốc gia cuộc thi Đồ họa thế giới; Giải nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương cuộc thi Tech4Good (Huawei); Giải nhất quốc gia Cuộc thi Intel AI Global Impact Festival trong năm 2024… Gần đây nhất, đầu tháng 4/2025, đội tuyển tham gia kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc của học viện đã đoạt giải nhất toàn đoàn, trong đó có 6 huy chương Vàng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà lưu niệm cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có bước phát triển mạnh mẽ, có tầm nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; đạt nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập, đi lên cùng xu thế phát triển của đất nước, xu thế của thời đại. Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, học viện phải bám sát tình hình, dự báo xu thế của thế giới và đất nước, từ đó mới đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển, tạo sự cộng hưởng.
Thủ tướng nêu rõ một số nét chính trong bối cảnh thế giới hiện nay, đó là: xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là xu thế lớn của thế giới, do đó trường cũng phải đi theo dòng chảy, xu thế này, phải tăng vận tốc của mình lên. Thủ tướng cho rằng, trong xu thế hội nhập, không một nước đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được các vấn đề toàn cầu một mình kể cả cường quốc.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Chính vì vậy, theo Thủ tướng, trong tình hình hiện nay, các nước cần đề cao chủ nghĩa đa phương, tinh thần đoàn kết quốc tế; phải luôn lấy người dân là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển; phát triển nhanh nhưng phải bền vững; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên tinh thần đó, đối với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Thủ tướng yêu cầu "5 tiên phong": tiên phong trong gắn kết 4 nhà: Nhà nước-nhà trường-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp và nhà đầu tư; tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học; tiên phong trong ươm tạo nhân tài và xây dựng kỳ lân; tiên phong trong tự chủ và thương mại hóa các sản phẩm; tiên phong trong dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua giới hạn của bản thân mình.
Thủ tướng đề nghị học viện cần quán triệt tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”; khoa học công nghệ không có giới hạn, không có biên giới.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng lưu ý, muốn vậy, học viện phải có điểm tựa là đoàn kết, thống nhất “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; điểm tựa coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng lúc, đúng thời điểm; xây dựng nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, sinh viên là trung tâm. Các thầy cô phải tạo được động lực, truyền cảm hứng cho sinh viên.
Mọi hoạt động của nhà trường phải hướng đến sinh viên, tạo cơ hội cho sinh viên, tạo cơ hội cho họ đóng góp cho sự phát triển của nhà trường; gắn kết giữa học và làm; góp phần “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái” của đất nước về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, các đại biểu tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Cho ý kiến về một số kiến nghị, đề xuất của học viện, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần khoa học chính là bài bản, chuyên nghiệp và phải có lộ trình; nhấn mạnh, các bộ, ngành chỉ nên tập trung làm công tác quản lý nhà nước, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng cơ chế huy động nguồn lực cho sự phát triển; lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhanh và bền vững; thiết kế các công cụ để kiểm tra, đời sống để đôn đốc thực hiện, phương hướng nhiệm vụ của ngành. Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành không nên sa vào các việc cụ thể.