Tiên phong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Thành phố Hà Nội cần khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo, gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đại biểu Trần Khánh Hưng đặt câu hỏi tới lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tại phiên chất vấn

Đại biểu Trần Khánh Hưng đặt câu hỏi tới lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội tại phiên chất vấn

Đó là những nội dung được nhấn mạnh tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hôm qua, 12.5, về thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp

Đối với nhóm vấn đề vi phạm trên đất nông nghiệp, đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn Chủ tịch UBND quận Long Biên và huyện Phúc Thọ về tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi bồi ven sông trên địa bàn nhiều năm chưa được xử lý. Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đối với tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối... quận đã cương quyết tháo dỡ, phá bỏ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, đó là các công trình nằm ở diện tích đất bãi bồi, không phải đất nông nghiệp hay đất công ích. Hiện quận đã đo đạc, lập hồ sơ đánh giá, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh; đồng thời, lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi.

Còn đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho biết, công trình vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay trên địa bàn trước đây thuộc vùng diện tích khó canh tác, thường bỏ hoang mọc cỏ dại. Qua khảo sát, xã đã lập tờ trình xin ý kiến huyện phê duyệt làm vùng hoa cây cảnh.

Dẫn chứng về việc nhiều diện tích đất nông nghiệp thuộc các dự án chậm triển khai, để hoang hóa gây lãng phí nguồn lực, đại biểu Nguyễn Ngọc Việt đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên". Theo Giám đốc Sở TN - MT Nguyễn Huy Cường, HĐND và UBND thành phố đã có nghị quyết và kế hoạch tổng rà soát toàn bộ 404 dự án liên quan chậm, muộn triển khai và qua rà soát đã phát sinh thêm 173 dự án. Hiện, thành phố đã giao cho quận, huyện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện dự án chưa đúng theo chủ trương đầu tư (biến tướng thành nhà chòi, khu sinh thái). Vì vậy, đối với những sai phạm này địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý nghiêm.

Đối với nhóm vấn đề triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, đại biểu Trần Khánh Hưng cho biết Dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung tại xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua vẫn chưa hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận việc kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này chưa đủ sức hấp dẫn. Thành phố đã giao huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá việc thực hiện dự án xây dựng hạ tầng khu giết mổ tập trung này, nếu không thành công sẽ đề xuất với Thành ủy, HĐND thành phố có các cơ chế, chính sách đủ mạnh thu hút các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về việc nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao chậm triển khai, gây bức xúc trong dư luận, đại diện lãnh đạo UBND thành phố cho biết: việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất chậm. Thành phố đang rà soát cơ chế, chính sách đặc thù để tổng hợp vào Luật Thủ đô sửa đổi nhằm tạo hành lang thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đề xuất giải pháp hữu hiệu, kịp thời tháo gỡ khó khăn

Trả lời làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thẳng thắn nhìn nhận: những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp được chỉ ra là cơ hội để UBND thành phố, các sở, ngành, quận, huyện nhận diện rõ, có giải pháp giải quyết triệt để.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: mặc dù đã đạt được những thành tựu cơ bản, tuy nhiên, nông nghiệp thành phố vẫn chưa phát triển hết tiềm năng do nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm. Nhiệm kỳ này, về cơ bản thành phố sẽ hoàn thành các quy hoạch chi tiết, khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Liên quan đến vướng mắc về xây dựng trên đất nông nghiệp, UBND thành phố sẽ chủ động xử lý nghiêm các vi phạm. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát kỹ, xây dựng bộ cơ chế hoàn chỉnh và sớm trình HĐND thành phố xem xét. Đặc biệt, Hà Nội cần sớm đẩy nhanh tiến trình chuẩn hóa quy trình giết mổ gia súc, gia cầm.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá: những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với mục tiêu tiếp tục tái cơ cấu ngành kinh tế, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện đời sống, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp thành phố hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố, Hà Nội cần khẩn trương rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thủ đô đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo, gắn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp để tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất. Phấn đấu để Hà Nội là địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh - Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/tien-phong-phat-trien-nong-nghiep-sinh-thai-nong-thon-hien-dai-i327868/