Tiến sĩ Bùi Trân Phượng trò chuyện về giáo dục - kỳ cuối: Giáo dục không thể vì mục tiêu lợi nhuận!
Tiếp theo kỳ trước, ở bài viết này, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng tiếp tục đưa ra nhiều góc nhìn đáng chú ý về vấn đề giáo dục. Trong đó, chia sẻ quan điểm trước câu hỏi: giáo dục có thể nào là một ngành kinh doanh, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nói: 'Với tôi, giáo dục chỉ có thể là giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận. Lý do sống còn của nhà trường phải đừng là lợi nhuận mà là giáo dục. Điều đó không có nghĩa nó không làm ra lợi nhuận'.
Giáo dục bảo vệ trẻ và lẽ phải
Nhưng không phải gia đình nào cũng có thể chọn lựa như thế?
Tôi hay nói tôi có cái may mắn là tôi già hơn các bạn là phụ huynh hiện nay thôi. Cộng với gia đình nữa, tôi không thể làm khác được. Thành ra tôi phải ở bên cạnh con để truyền được sức mạnh giúp nó cưỡng lại xu thế đang diễn ra.
Theo bà, nguyên tắc căn bản phải giữ khi giải quyết mọi xung đột, mâu thuẫn trong quá trình con cái đi học là gì?
Năm lớp 6, con tôi hốt hoảng kể: “Mẹ ơi, con nghĩ tối nay các bạn trai lớp con không ai ngủ được”. Đã xảy ra chuyện cô giáo cho phép bạn gái bị mất tiền được phép tát bạn trai bị nghi ăn cắp trước mặt cả lớp. Cô sai rồi. Tôi hiểu sự bức xúc của con vì nó được giáo dục trong gia đình tử tế. Lần đó tôi phản ánh, báo chí vào cuộc. Nhà trường phê bình cô giáo. Khi con hỏi có phải mẹ đã làm điều đó, tôi nói con không cần quan tâm. Điều con cần quan tâm là chính nhà báo cũng thấy hành vi của cô giáo là không đúng như con, nên người ta mới góp ý, thế thôi.
Vì thế, trong mọi tình huống giải quyết xung đột, giáo dục gia đình phải bảo vệ đứa trẻ, phải bảo vệ lẽ phải. Đối với tôi, thấy chuyện sai phải lên tiếng là lẽ phải. Con tôi thấy sai, bất bình thì phải ủng hộ để lớn lên nó không thành kẻ vô cảm. Dẫu rằng đứa trẻ nào cũng có lòng trắc ẩn, sự bất bình tự nhiên trước bất công, nhưng người lớn phải biết nuôi dưỡng cái tự nhiên đó như thế nào!
Với những chọn lựa như thế cho con cái, rõ là bà phải dành nhiều thời gian cho giáo dục gia đình?
Những năm tuổi trẻ tôi làm việc rất nhiều. Tôi đâu có thời gian mà dành cho con cái. Chỉ là tôi dành quỹ thời gian ít ỏi mà tôi có để làm chuyện gì và không làm chuyện gì mà thôi. Tôi cho con biết việc học là của con. Từ trình ký sổ báo bài, mai đi học phải làm gì, mang gì, con phải tự nhớ để thực hiện. Nếu không phải nhận kỷ luật từ thầy cô, tôi thì chắc chắn không trách cứ gì cả. Tôi cũng không bao giờ dùng cái quyền kiểm tra bài vở. Bởi tôi cho đó là việc làm sai của nhà trường. Sổ báo bài đặng phụ huynh kiểm tra ở nhà, cô giáo kiểm tra ở trường. Vậy khi không có kiểm tra, đứa trẻ không biết tự sắp đặt công việc của nó. Vậy làm sao lớn lên thành người được. Cho nên tôi không mất nhiều thì giờ với con. Tôi chỉ dành chú ý biểu hiện bất thường, tôi hỏi liền, chuyện gì đã xảy ra, tôi lắng nghe, cố gắng giải quyết.
Cho nên đồng hành với con chính là sự chú tâm và kiên định trong việc bảo vệ các giá trị. Muốn dạy con biết tôn trọng lẽ công bằng, biết bất bình trước bất công, áp bức thì phụ huynh phải chia sẻ với phản ứng của trẻ. Tôi không mất quá nhiều thì giờ vì tôi dạy con tự lập, tự học trong mọi hoàn cảnh.
Quả thật để nuôi dưỡng những giá trị lương thiện, công bằng nơi con cái hiện nay khó hơn ngày xưa nhiều quá. Nhưng theo tôi, không có nghĩa là không làm được, nếu thực sự coi trọng điều đó. Thêm một may mắn, khoa tâm lý khẳng định con người có thể quay trở lại với sự lương thiện vào những thời điểm khác trong cuộc đời vào giai đoạn trưởng thành.
Giáo dục không thể vì mục tiêu lợi nhuận
Đối với bà, giáo dục có thể nào là một ngành kinh doanh?
Đối với tôi, giáo dục chỉ có thể là giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận. Điều đó không có nghĩa giáo dục không làm ra lợi nhuận. Một tổ chức phát triển phải tạo ra lợi nhuận nhưng lợi nhuận trong giáo dục phải dùng đầu tư trở lại vào giáo dục. Ở đây có hai phía, nhà giáo dục và nhà đầu tư. Nếu buộc phải chia cổ tức cho cổ đông, người làm giáo dục chân chính mong muốn Nhà nước khống chế mức trần này là bao nhiêu %.
Nhà trường theo như tôi hiểu phải độc lập. Toàn thế giới dùng từ đại học theo nghĩa “university” của phương Tây mà từ gốc là “universitas”. Tức là một cộng đồng thầy và trò, những người độc lập, muốn dành toàn thời gian cho việc học, nghiên cứu.
Với tôi, giáo dục chỉ có thể là giáo dục không vì mục tiêu lợi nhuận. Lý do sống còn của nhà trường phải đừng là lợi nhuận mà là giáo dục. Điều đó không có nghĩa nó không làm ra lợi nhuận.
Trở lại hoàn cảnh nhiều bất cập như hiện nay, phụ huynh cần quan tâm gì, thưa Tiến sĩ?
Câu trả lời là nên ủng hộ sự tự học của con, tạo điều kiện cho con tự học. Con người không chỉ học trong sách vở mà còn học bằng quan sát cuộc đời, bằng phân tích những chuyện xảy ra xung quanh mình; phụ huynh phải giữ thói quen trò chuyện với con để biết con nghĩ gì về các sự kiện diễn ra xung quanh.
Điều thứ hai, muốn con lương thiện, bản thân phụ huynh có đang sống như thế để cho con bắt chước. Nhiều khi bản thân phụ huynh cũng không biết hệ giá trị của mình là gì nữa, lấy gì giúp con? Nhưng tục ngữ Việt Nam cũng có câu rất hay “sinh con rồi mới sinh cha”. Có thể trước khi có con, ta không quan tâm, nhưng có con rồi phải có trách nhiệm đối với một cuộc đời, một con người, thì cha mẹ nên giáo dục lại mình. Điều đó không bao giờ là quá muộn. Khi phụ huynh tỉnh táo xét lại xem mình còn thiếu sót, khiếm khuyết thì đấy là lúc mình đang học làm cha mẹ.
Là nhà khoa học xã hội hiếm hoi được mời sang Pháp giảng dạy đại học nhiều lần, mong bà chia sẻ những điều đáng học hỏi trong lần đi thỉnh giảng mới nhất ở Collège de France, nơi vốn được xem là biểu tượng truyền đạt tri thức?
Đến giảng ở đây là một sự tình cờ. Trước đó, tôi nhận được thư mời dùng cơm và làm quen với một giáo sư người Pháp gốc Trung Quốc của trường này từ Phân viện TP.HCM của Viện Viễn Đông Bác Cổ. Vài tháng sau, bà viết thư mời tôi trình một đề tài nghiên cứu để đến giảng dạy tại Collège de France. Họ đưa ra yêu cầu đề tài phải hoàn toàn mới, chưa từng giảng ở đâu với thời lượng 9 bài liên tục.
Do đại dịch phải hoãn nhiều lần, cuối cùng tháng 4.2023, tôi sang giảng dạy đề tài “Phụ nữ Việt Nam: Quyền năng, văn hóa và đa căn tính”. Tôi ấn tượng bởi Collège de France không giống các đại học khác. Trường có lịch sử đặc biệt. Khi xưa đây là trường của hoàng gia. Vua Pháp lập ra với tên gọi ban đầu là Collège Royal, nhằm tập hợp những học giả đến giảng cho vua nghe về những đề tài mà học giả đã nghiên cứu sâu.
Sau Cách mạng Pháp 1789, Collège Royal không còn là trường của hoàng gia nữa, mà trở thành trường quốc gia với tên gọi như ngày nay. Trường cũng mời học giả theo tiêu chí được toàn thể Hội đồng giáo sư bầu cho chọn cho đề tài mà học giả đã trình. Buổi đầu tiên tại đây luôn được khai giảng bằng một nghi thức đặc biệt, long trọng. Họ mời sứ quán, quan khách này kia của nhà trường.
Collège de France vẫn giữ tinh thần là trường đại học duy nhất của Pháp không cấp bằng, không thi đầu vào, đầu ra, không thi học kỳ, không kiểm tra, không học phí, không gì cả… Tất cả người dân đều có thể tự do vào tham dự các buổi giảng tại đây. Dù giảng đường mênh mông, nhưng luôn đầy ắp người tham dự. Tôi khâm phục tinh thần hiếu học của họ khi đi học không vì bằng cấp, không vì bất cứ cái gì. Có những lớp diễn ra buổi tối, họ cũng lặn lội đi dù trời lạnh. Tất nhiên các bài giảng ở đó đều mang tính hàn lâm, khó cho nên người nghe nhiều lứa tuổi khác nhau phải có trình độ nhất định để hiểu. GD người ta vậy đó. Collège de France nổi tiếng là phổ biến tri thức và nuôi dưỡng một truyền thống độc lập với nhà thờ.
Xin cảm ơn bà.
Quốc Ngọc thực hiện
Cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Bùi Trân Phượng về giáo dục là nội dung thuộc chuyên đề “Môi trường giáo dục và các xung đột giá trị cơ bản”, đăng ngày 26.10.2023. Xem thêm các ý kiến khác của chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục, giáo viên tại đây
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/giao-duckhong-the-vi-muc-tieu-loi-nhuan-41733.html