Tiến sĩ Đỗ Đình Chiến, Điều phối sáng kiến Winrock & IDH tại Việt Nam: Công khai thông tin môi trường là trách nhiệm của doanh nghiệp để phát triển bền vững

Giảm thiểu phát thải khí nhà kính, tiến tới Net Zero vào năm 2050 là cam kết của Việt Nam đối với quốc tế. Để phát triển bền vững, toàn bộ cộng đồng bao gồm cả các cơ quan, doanh nghiệp, người dân đều phải chung tay với mục tiêu trên.

Tiến sĩ Đỗ Đình Chiến.

Tiến sĩ Đỗ Đình Chiến.

Nhân dịp tham gia Hội nghị chuyên đề Xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững tỉnh Đồng Nai mới đây, Tiến sĩ Đỗ Đình Chiến, Điều phối sáng kiến Winrock & IDH tại Việt Nam đã có những chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần xung quanh vấn đề này.

Sản xuất phát triển sẽ ảnh hưởng môi trường lớn hơn

* Việt Nam là nước đang công nghiệp hóa mạnh với hàng trăm khu công nghiệp, khu kinh tế đã được thành lập ở khắp cả nước. Vậy theo ông, phát triển kinh tế, sản xuất sẽ có những tác động như thế nào đến môi trường nói chung, phát thải khí nhà kính nói riêng?

- Tại bất cứ quốc gia nào, sản xuất phát triển sẽ khai thác tài nguyên thiên nhiên và có sự ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên cả thế giới, phát thải khí nhà kính đã và đang tăng lên do quản lý tài nguyên không hiệu quả. Dự báo rằng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước sẽ tăng gấp 5 lần.

Nước xả thải chưa được xử lý từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm đất và nước. Mỗi ngày, khoảng 70% (tương đương khoảng 1 triệu m3/ngày đêm) nước thải công nghiệp chưa qua xử lý được thải ra từ các khu công nghiệp. Cường độ sử dụng năng lượng cũng tăng lên do công nghiệp hóa nhanh chóng.

Tăng trưởng liên tục trong các ngành sản xuất đã làm tăng mức độ tác động môi trường nếu không được quản lý đúng cách. Đơn cử, ngành dệt may là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới về nước, phát sinh chất thải, phát thải khí nhà kính…

TEDP hỗ trợ các doanh nghiệp thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tăng tính minh bạch theo xu thế và yêu cầu của các hiệp định thương mại và luật pháp quốc tế mà Chính phủ Việt Nam đã tham gia ký kết. Với vai trò là tổ chức toàn cầu thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực phát triển bền vững, IDH sẽ tích cực đề xuất và thực thi các sáng kiến theo xu thế này.

* Thưa ông, trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong việc công khai, minh bạch vấn đề môi trường?

- Đây là yêu cầu bắt buộc. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã có những quy định cụ thể về việc cung cấp và công khai thông tin môi trường.

Không chỉ từ các quy định của Nhà nước mà yêu cầu từ thị trường quốc tế cũng đòi hỏi phải minh bạch. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… sản phẩm phải rõ nguồn gốc xuất xứ, minh bạch thông tin môi trường, sử dụng lao động.

May mặc là một trong những ngành phải sớm thay đổi để phát triển bền vững. (ảnh minh họa)

May mặc là một trong những ngành phải sớm thay đổi để phát triển bền vững. (ảnh minh họa)

* Ông đánh giá ra sao về các doanh nghiệp trong thực hiện minh bạch thông tin sản phẩm đã sản xuất ra?

- Hiện nay, việc công khai thông tin môi trường bước đầu đã được thực hiện, các sở tài nguyên và môi trường địa phương đã công khai thông tin chất lượng môi trường không khí và nước mặt trên trang thông tin điện tử, một số cơ sở sản xuất lớn công khai qua hình thức bảng điện tử đặt tại cơ sở… Tuy nhiên, vẫn chưa có hướng dẫn kỹ thuật, biểu mẫu hay một nền tảng thống nhất để thực hiện công khai thông tin môi trường một cách minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận, truy cập.

Đối với doanh nghiệp, việc công khai môi trường chưa thực sự chủ động, mới đang phổ biến ở mức cung cấp các nội dung liên quan đến mình khi được cơ quan Nhà nước, các tổ chức yêu cầu. Một số doanh nghiệp, việc công khai thông tin dữ liệu môi trường còn ít.

Khuyến khích doanh nghiệp công bố dữ liệu môi trường

* Nền tảng công khai thông tin môi trường minh bạch cho doanh nghiệp (TEDP) hiện đang triển khai tại Việt Nam, ông có thể cho biết rõ hơn về nền tảng này?

- TEDP được thiết lập từ sự hợp tác giữa Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH - vương quốc Hà Lan) cũng như tổ chức Winrock International tại Việt Nam.

Mục tiêu dài hạn của nền tảng này là cải thiện tính minh bạch môi trường của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, thí điểm cho ngành dệt may và da giày, hướng tới “xếp hạng” hiệu quả hoạt động môi trường của doanh nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ các cơ quan chính phủ quản lý môi trường hiệu quả, người mua/thương hiệu thực hành mua hàng bền vững và bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng.

Trong ngắn hạn, TEDP mong muốn cải thiện tính minh bạch môi trường của chuỗi cung ứng ngành dệt may, da giày và các ngành khác bằng cách tạo ra một “nền tảng” tích hợp để hỗ trợ các nhà máy và khu công nghiệp công bố dữ liệu giám sát môi trường định kỳ.

Winrock & IDH là 2 tổ chức quốc tế tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường để xây dựng nền tảng TEDP.

* Khi tham gia vào TEDP, các doanh nghiệp sẽ được những lợi ích gì?

- Hiệu quả và lợi ích dành cho doanh nghiệp có thể thấy rõ như nâng cao tính tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, dữ liệu công cộng được tích hợp tập trung ở đầu mối duy nhất. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tăng khả năng cạnh tranh kinh doanh, chia sẻ dữ liệu. Điều đặc biệt là doanh nghiệp không tốn chi phí để xây dựng các trang công khai riêng của mình. Các trang công khai chính thức được chuẩn hóa và giúp doanh nghiệp dễ dàng cung cấp, phê duyệt thông tin công khai.

Đối với cơ quan nhà nước quản lý môi trường thì việc tích hợp thông tin, dữ liệu môi trường của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong theo dõi tổng thể tình trạng phát thải, xả thải của các nhà máy, khu công nghiệp.

Đây là nền tảng đầu tiên công bố thông tin môi trường của doanh nghiệp tại Việt Nam. Tham gia TEDP sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo yêu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

* Theo ông, Đồng Nai đã hợp tác để quản lý, công khai minh bạch các thông tin về môi trường như thế nào?

- Ở Đồng Nai, chúng tôi hỗ trợ một số khu công nghiệp trong việc đánh giá xây dựng khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thể, chúng tôi đang hỗ trợ các giải pháp về môi trường ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, Biên Hòa 2, Thạnh Phú, Long Thành... Trong năm 2024 này, ngoài việc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ trong vấn đề quản lý môi trường, xây dựng khu công nghiệp xanh thì chúng tôi cũng sẽ triển khai nền tảng TEDP này để các khu công nghiệp và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp ứng dụng.

* Ngoài vai trò tự giác, chủ động của doanh nghiệp, theo ông, chính quyền địa phương cần có định hướng, chiến lược ra sao trong phát triển để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, hướng tới Net Zero như Chính phủ đã cam kết?

- Theo tôi để tiến tới Net Zero cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Tôi nhận thấy, Đồng Nai rất chú trọng trong việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, tuần hoàn để phát triển bền vững. Tuy nhiên, để việc này đi vào thực tiễn hiệu quả nhất thì công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp, người dân cũng rất quan trọng. Bởi vì, xét cho cùng, chính doanh nghiệp và người dân mới là người trực tiếp có hoạt động cụ thể để góp phần tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

* Xin cảm ơn ông!

Vương Thế (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202403/tien-si-do-dinh-chien-dieu-phoi-sang-kien-winrock-idh-tai-viet-nam-cong-khai-thong-tin-moi-truong-la-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-de-phat-trien-ben-vung-5b32500/