Tiến sĩ Ko Dong Hyun và loạt dự án giáo dục xanh, thúc đẩy hợp tác Việt - Hàn

Tiến sĩ Ko Dong Hyun là người Hàn Quốc đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEB).

Tiến sĩ Ko Dong Hyun tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ về Quan hệ lao động và việc làm tại Đại học Rutgers, Bang New Jersey, Hoa Kỳ. Anh là người Hàn Quốc đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Loạt nghiên cứu gắn với môi trường, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với Việt Nam, Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho hay: “Mối nhân duyên giữa tôi với Việt Nam bắt đầu từ năm 2017 khi tôi làm việc tại Đại học Nữ sinh Dongduk. Lần đầu tiên tôi tới Việt Nam là để tham gia sự kiện Ngày hội tiếng Hàn Quốc ở tỉnh Quảng Nam. Tôi đã vô cùng ấn tượng về đất nước và văn hóa của Việt Nam.

Sau đó, khi tôi quay trở lại Việt Nam để ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn về cơ hội học thuật tại Việt Nam, và từ đó tôi đã bắt đầu nghiên cứu để trở thành tiến sĩ người Hàn Quốc đầu tiên tại Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội”.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun nghiên cứu một loạt dự án về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Ko Dong Hyun nghiên cứu một loạt dự án về bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Ko Dong Hyun tập trung vào vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, đặc biệt là tìm hiểu cách áp dụng chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc vào Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên nhiều tạp chí quốc tế và các chương sách chuyên khảo, trở thành tài liệu quan trọng đóng góp vào sự hợp tác học thuật và chính sách giữa hai quốc gia.

Hiện tại, Tiến sĩ Ko Dong Hyun đang giữ vai trò Quản lý dự án tại Trung tâm Hợp tác Công nghệ giáo dục Quốc tế (ICE - ULIS - VNU) của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại đây, nam tiến sĩ đã thực hiện một số dự án nhằm tích hợp IBT SYSTEM và AI Learning System, tập trung vào công nghệ giáo dục và hợp tác quốc tế. Trong đó có nghiên cứu các xu hướng công nghệ giáo dục toàn cầu và các phương pháp học tập sáng tạo, đồng thời phát triển các chương trình giáo dục mới phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam.

Ngoài ra, Tiến sĩ Ko Dong Hyun từng giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) với vai trò là giảng viên nước ngoài, đảm nhiệm các môn bao gồm: Kinh tế Chính trị Hàn Quốc và Giao tiếp Liên văn hóa.

Sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, anh Ko Dong Hyun tiếp tục tiến hành một loạt các nghiên cứu gắn với phát triển môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có các nghiên cứu về giáo dục xanh, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

“Hiện nay tôi đang tiến hành nghiên cứu về việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đây là một sáng kiến quan trọng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và môi trường giữa hai quốc gia. Nghiên cứu này cung cấp các hàm ý chính sách cho phát triển bền vững và đưa ra các giải pháp thực tế để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngoài ra, tôi đang lập kế hoạch cho một dự án nhằm cải thiện hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam và đưa vào các chương trình giáo dục xanh. Dự án này không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tập trung vào việc đào tạo nhân tài nhằm bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần hiện đại hóa hệ thống giáo dục của Việt Nam và phát triển xã hội bền vững.

Thông qua kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ và vai trò của tôi tại Trung tâm ICE, tôi sẽ luôn nỗ lực tăng cường hợp tác học thuật và kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc, xây dựng những cầu nối cho sự phát triển bền vững. Các nghiên cứu và hoạt động của tôi đều nhằm mục đích tăng cường hợp tác giữa hai quốc gia và tìm kiếm con đường phát triển chung. Và tôi mong rằng những kinh nghiệm này tiếp tục giúp tôi trong việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước trong tương lai”, nam tiến sĩ chia sẻ.

Tiến sĩ Ko Dong Hyun cũng chia sẻ thêm về luận án tiến sĩ của mình mang tên "Chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và những hàm ý chính sách cho Việt Nam. Ở luận án này, anh Dong Hyun tập trung vào việc phân tích sâu về chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và chọn lọc những giải pháp có thể áp dụng cho Việt Nam dựa trên những bài học rút ra từ các dự án thành công.

 Nghiên cứu của Tiến sĩ Ko Dong Hyun tập trung vào vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. (Ảnh: NVCC)

Nghiên cứu của Tiến sĩ Ko Dong Hyun tập trung vào vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. (Ảnh: NVCC)

Các giải pháp mà Việt Nam có thể áp dụng từ chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc bao gồm:

Mở rộng đầu tư vào nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo: Việt Nam có nhiều tài nguyên thiên nhiên và cơ sở nông nghiệp phong phú, có tiềm năng lớn để thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Vì vậy Việt Nam có thể mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp bền vững và năng lượng tái tạo, dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc. Ví dụ như áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh của Hàn Quốc để nâng cao năng suất nông nghiệp và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam có thể sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng. Những khoản đầu tư này sẽ đóng góp vào việc đạt được mục tiêu kép là phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của Việt Nam trong dài hạn.

Tăng cường chương trình giáo dục môi trường: Giáo dục là yếu tố cần thiết để phát triển bền vững tại Việt Nam. Việt Nam có thể áp dụng chương trình giáo dục môi trường của Hàn Quốc để tăng cường giáo dục về môi trường trong các trường học. Qua đó, học sinh sẽ nhận thức được tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và phát triển năng lực cần thiết để xây dựng một xã hội bền vững.

Ví dụ, Việt Nam có thể mở rộng chương trình giảng dạy liên quan đến bảo vệ môi trường và cung cấp các cơ hội thực hành và trải nghiệm thực tế để học sinh có thể trực tiếp đối mặt và giải quyết các vấn đề môi trường.

Thúc đẩy công nghệ và đổi mới xanh: Việt Nam có thể tham khảo mô hình đổi mới công nghệ xanh của Hàn Quốc để áp dụng vào ngành công nghiệp của mình, thúc đẩy công nghệ xanh và đổi mới. Qua đó, Việt Nam có thể chuyển đổi cấu trúc ngành công nghiệp sang thân thiện với môi trường và tăng cường năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đặc biệt, Việt Nam có thể hợp tác với Hàn Quốc để tiếp cận các công nghệ tiên tiến và giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trong nước.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ko Dong Hyun (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Ảnh: NVCC)

Coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình

Trong quá trình sinh sống và nghiên cứu tại Việt Nam, Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho biết anh rất trân trọng tình cảm của những người bạn nơi đây và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.

“Lúc mới đến Việt Nam, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thích nghi với môi trường mới. Sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và lối sống ban đầu là những trở ngại lớn đối với tôi. Tuy nhiên, nhờ sự đón tiếp nồng hậu và sự quan tâm chân thành của người Việt, tôi đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn này. Họ đã đón tiếp tôi một cách thân thiện và giúp tôi không còn cảm thấy sợ hãi khi sống trên mảnh đất xa lạ.

Đặc biệt, kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là trong dịp Tết - lễ hội lớn nhất ở Việt Nam, khi những người bạn Việt của tôi đã mời tôi đến nhà họ. Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất ở Việt Nam, gia đình cùng nhau sum vầy để khép lại năm cũ và đón mừng năm mới. Trong thời gian này, tôi đã cùng gia đình bạn bè chuẩn bị món ăn ngày Tết, dâng hương tưởng nhớ tổ tiên, và đón mừng năm mới. Sự đón tiếp ấm áp của họ đã làm tôi cảm động sâu sắc và giúp tôi nhận ra rằng Việt Nam không chỉ là nơi để làm việc, mà đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi”, Tiến sĩ Ko Dong Hyun xúc động chia sẻ.

 Nam tiến sĩ mong muốn thành lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon. (Ảnh: NVCC)

Nam tiến sĩ mong muốn thành lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho biết, sự nhiệt huyết mà người Việt Nam thể hiện trong xây dựng và phát triển kinh tế là nguồn cảm hứng lớn đối với anh.

“Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế đáng kinh ngạc nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và thay đổi. Tuy nhiên, người Việt Nam không hề chùn bước trước những thử thách này, họ luôn nỗ lực và tận tâm tiến về một tương lai tốt đẹp hơn. Họ luôn giữ thái độ tích cực và không ngừng tiến lên, tinh thần này cũng đã tác động mạnh mẽ đến tôi.

Những trải nghiệm mà tôi có được ở đây đã ảnh hưởng sâu sắc đến việc nghiên cứu cũng như cuộc sống của tôi. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ tinh thần cộng đồng mạnh mẽ và khát vọng phát triển kinh tế của người Việt Nam. Sự nỗ lực và nhiệt huyết của họ đã truyền cảm hứng cho tôi trong nghiên cứu về phát triển kinh tế bền vững và tôi tin rằng những nghiên cứu của mình sẽ không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà còn đưa ra những giải pháp thực tế có thể mang lại thay đổi tích cực cho cuộc sống của con người.

Trong tương lai, tôi mong muốn tiếp tục duy trì mối liên hệ với Việt Nam - nơi mà tôi có thể gọi là quê hương thứ hai của mình. Những kinh nghiệm tích lũy ở đây đã mang lại cho tôi những mối quan hệ và bài học quý báu và đó sẽ là tài sản quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi. Dựa trên những điều tôi học được từ cuộc sống tại Việt Nam, tôi sẽ cố gắng tăng cường sự hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững của cả hai quốc gia. Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở châu Á, và tôi tin rằng sự phát triển này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn trong tương lai”, Tiến sĩ Ko Dong Hyun nhấn mạnh.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun (bên phải) trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ko Dong Hyun (bên phải) trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ. (Ảnh: NVCC)

Dự định triển khai các dự án quốc tế

Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho biết anh đang chuẩn bị xuất bản sách và tạp chí liên quan đến tăng trưởng xanh và tín chỉ carbon.

“Trước hết, tôi rất quan tâm đến dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc nhằm thành lập một sàn giao dịch tín chỉ carbon. Dự án này nhằm mục tiêu xây dựng một cơ chế mạnh mẽ để ứng phó với thách thức toàn cầu của biến đổi khí hậu. Sàn giao dịch tín chỉ carbon là hệ thống giúp các doanh nghiệp phân bổ chi phí cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính thông qua cơ chế thị trường, đồng thời tạo ra lợi ích kinh tế.

Nếu hai nước hợp tác thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon, đây sẽ không chỉ là một công cụ giúp bảo vệ môi trường mà còn là cơ hội quan trọng để củng cố vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế. Hàn Quốc đã vận hành thành công hệ thống giao dịch phát thải (ETS), và dựa trên kinh nghiệm và công nghệ đã tích lũy, Hàn Quốc có thể đóng góp vào sự hợp tác với Việt Nam. Việt Nam đang có một nền kinh tế phát triển nhanh nhưng cũng đối mặt với vấn đề môi trường. Vì vậy, việc thiết kế và triển khai hệ thống ETS phù hợp với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Hàn Quốc sẽ là quá trình có ý nghĩa rất lớn”, Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho biết thêm.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun đang giữ vai trò Quản lý dự án tại Trung tâm Hợp tác Công nghệ giáo dục Quốc tế (ICE - ULIS - VNU) của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ko Dong Hyun đang giữ vai trò Quản lý dự án tại Trung tâm Hợp tác Công nghệ giáo dục Quốc tế (ICE - ULIS - VNU) của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ko Dong Hyun mong muốn triển khai chương trình giáo dục xanh, giáo dục bền vững cho thế hệ tương lai

“Tôi mong muốn thúc đẩy một dự án đưa chương trình giáo dục xanh vào hệ thống giáo dục của Việt Nam. Dự án này nhằm mục tiêu giúp học sinh Việt Nam học tập các phương pháp sống bền vững và nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Đặc biệt, dựa trên mô hình giáo dục tiên tiến và kinh nghiệm giáo dục môi trường của Hàn Quốc, tôi sẽ phát triển chương trình giáo dục xanh phù hợp với đặc điểm văn hóa của Việt Nam.

Giáo dục xanh không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức lý thuyết về bảo vệ môi trường mà còn là quá trình giáo dục quan trọng giúp học sinh thực hiện các hoạt động bền vững trong thực tế cuộc sống. Hàn Quốc đã và đang giáo dục môi trường tại các trường học, giúp học sinh hiểu và học các phương pháp thực tiễn để giải quyết các vấn đề môi trường. Chương trình giáo dục này cũng có thể được áp dụng tại Việt Nam, giúp thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ trở thành thế hệ đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Tiến sĩ Ko Dong Hyun chia sẻ.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun mong muốn triển khai dự án về hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ko Dong Hyun mong muốn triển khai dự án về hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học. (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, Tiến sĩ Ko Dong Hyun mong muốn triển khai dự án về hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học, đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu

“Tôi mong muốn thúc đẩy một dự án đưa công nghệ và kinh nghiệm của Hàn Quốc vào để hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Dự án này tập trung vào việc giúp các trường đại học của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường giáo dục toàn cầu và đào tạo nhân tài dẫn dắt sự phát triển bền vững.

Hàn Quốc là một quốc gia tiêu biểu đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế thông qua việc đổi mới hệ thống giáo dục và trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu. Đặc biệt, các trường đại học của Hàn Quốc đã được công nhận trên toàn thế giới nhờ phương pháp giáo dục đổi mới sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các chương trình đào tạo nhân tài toàn cầu. Bằng cách đưa các thành tựu thành công của Hàn Quốc vào hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, chúng ta có thể cải thiện chất lượng giáo dục tổng thể”, Tiến sĩ Ko Dong Hyun cho hay.

 Tiến sĩ Ko Dong Hyun chụp ảnh cùng các bạn sinh viên. (Ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Ko Dong Hyun chụp ảnh cùng các bạn sinh viên. (Ảnh: NVCC)

Cũng theo Tiến sĩ Ko Dong Hyun, dự án này sẽ bao gồm các yếu tố chính sau:

Xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến: Hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam xây dựng nền tảng giáo dục trực tuyến, giúp cung cấp giáo dục chất lượng cao cho nhiều học sinh hơn, tạo ra môi trường học tập số hóa. Điều này sẽ đặc biệt quan trọng trong việc mở rộng cơ hội học tập chất lượng cao cho học sinh ở các khu vực miền núi xa xôi.

Phát triển chương trình giáo dục tập trung vào thực hành: Phát triển chương trình giáo dục không chỉ dựa vào lý thuyết mà còn giúp học sinh có thể thực hành trong các môi trường thực tế. Điều này sẽ giúp học sinh có được kiến thức học thuật cùng với khả năng làm việc thực tế, và trở thành những nhân tài có thể đóng góp cho đất nước ngay sau khi tốt nghiệp.

Đưa vào nội dung giáo dục liên kết với doanh nghiệp: Hợp tác với các trường đại học Hàn Quốc để hỗ trợ các trường đại học Việt Nam đưa vào nội dung giáo dục liên kết trực tiếp với doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp học sinh học hỏi các xu hướng và công nghệ mới nhất trong ngành, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Việc hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học này sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường giáo dục toàn cầu và đào tạo những nhân tài dẫn dắt xã hội bền vững. Đồng thời, dự án này cũng là cơ hội quan trọng để tăng cường hợp tác học thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc, và đóng góp vào sự phát triển hệ thống giáo dục của cả hai nước.

Nhật Lệ

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tien-si-ko-dong-hyun-va-loat-du-an-giao-duc-xanh-thuc-day-hop-tac-viet-han-post245099.gd