Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ: Sống thì tạo dựng, chết để lại cho đời
Chia sẻ tại buổi Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội doanh nhân trẻ TP.HCM vào chiều 16/09, ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan đã kể về hành trình đi tìm hạnh phúc ở quê nhà, từ mơ ước thành lập một cơ xưởng để mọi người trong làng quê đều có công việc làm.
Bà Bùi Thị Nhàn, vợ ông Nguyễn Thanh Mỹ vẫn nhớ đến ước mơ viển vông bởi quá to lớn, của ông Mỹ khi cả 2 còn chạy bàn tại một quán ăn ở Canada. Khi đó, ông Mỹ ước mơ, có thể trở về nơi sinh ra, lập một cơ xưởng để những người trong làng xóm xung quanh đều có việc làm.
Trở về Trà Vinh, có bạn bè hỏi rằng, “ông có bị điên không”; còn người dân xã Long Đức, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh lại lại gọi ông là “Việt kiều té giếng”.
“Nếu gặp khó khăn mà không làm, chuyện sẽ không bao giờ thành”, bà Bùi Thị Nhàn nhắc lại lời mà chồng mình đã nói ra trước quyết định trở về Trà Vinh sau 25 năm làm việc tại Canada, Mỹ vào năm 2004.
Baodautu.vn lược ghi phần chia sẻ về hạnh phúc ở quê nhà của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ:
"Khi tôi về, trong khu công nghiệp (khu công nghiệp Long Đức- PV) cũng không có đường, thiếu nhân sự chuyên môn phù hợp, cộng đồng xung quanh nghèo trách nhiệm, nghèo cả về sự tự tế,…cơ quan ban ngành tư duy lạc hậu và khi nào cũng nghi ngờ. Một thời gian làm việc ở đó, tôi hiểu được câu: Muốn nhanh thì phải từ từ.
Tôi biết người Việt Nam rất thông minh nhưng thiếu môi trường văn minh để sáng tạo. Tôi chỉ mang tiêu chuẩn Canada về Trà Vinh, xây dựng hãng xưởng sang trọng và rộng đẹp để người trong quê, trong làng tôi tha hồ sáng tạo.
Vì không có nhân sự chuyên môn nên tôi đã hợp tác với trường Đại học Trà Vinh thành lập khoa Khoa học ứng dụng và làm khoa trưởng từ năm 2007-2017.
Tôi đứng lớp thì sinh viên cũng phải đứng học, sinh viên phải tải các bài tôi dạy đăng trên website để học trước khi vào lớp và đặt câu hỏi.
Trước khi học phải thi 15 phút, sau đó tôi bốc câu hỏi ra để trả lời vì học rồi. Theo tôi, đứng học thì dễ tiếp thu hơn ngồi học.
Một khi đặt câu hỏi, trong đầu phải tự nghĩ cách giải quyết vấn đề, còn nếu bị người khác hỏi thì mình chỉ kiếm cách đối phó chứ không giải quyết vấn đề. Do đó nên dạy sinh viên đặt câu hỏi thay vì bắt họ phải trả lời câu hỏi của mình.
Từng ngày chúng tôi xây dựng xã hội văn minh. Nhân viên cũng như sinh viên được dạy sử dụng toilet, khi ra phải dùng khăn lau sạch nước trên kiếng, bồn rửa,…như cách người đi trước đã làm sạch cho anh.
Tôi rất tự hào ở Mỹ Lan có 50 toilet nhưng cái nào cũng sạch. Đó là trách nhiệm cá nhân, cũng là trách nhiệm cộng đồng.
Ở công ty Mỹ Lan, vào lúc 10 giờ sáng và 3 giờ chiều thì mọi người phải đứng tập cổ và tập vai để giảm bệnh văn phòng, giúp họ có kỷ luật thêm vì nếu thấy người khách đứng lên tập mà mình ngồi đó thì kì quá nên cũng đứng lên tập chung.
Tôi và bà xã có 3 con, 2 trai và 1 gái. Tôi rất tự hào con tôi giỏi hay không thì không biết nhưng là công dân tốt.
Từ ước mơ, khát vọng rồi hành động, giờ đây tôi tìm thấy hạnh phúc ở quê nhà. Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc của con người khi thực hiện được ước mơ của mình và giúp người khác thực hiện được ước mơ của họ.
Mỹ Lan hiện có gần 800 nhân viên, hầu hết là người trong quê trong làng của tôi. Và nếu các bạn hỏi nhân viên Mỹ Lan, ai là chủ của những công ty Mỹ Lan, họ sẽ không trả lời là “Chú Mỹ” vì chú chết, chú không mang theo. Sống thì mình tạo dựng nhưng chết thì mình để lại hết cho đời".