Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Công ty xếp hạng tín nhiệm trái phiếu DN – mảnh ghép chứa nhiều rào cản
Đồng tình với khuyến nghị của ADB về việc Việt Nam cần có thêm công ty xếp hạng tín nhiệm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh thêm đây là mảnh ghép còn chứa nhiều rào cản.
Sự tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam từ năm 2017 là bền vững. Tuy nhiên, một cơ quan xếp hạng đáng tin cậy và có uy tín là một trong những mảnh ghép còn thiếu trong thị trường TPDN đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Đây là một nội dung trong báo cáo của nghiên cứu “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khi đánh giá về thị trường trái phiếu Việt Nam.
Chuyên gia tài chính ngân hàng – Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, người có kinh nghiệm tham gia hoạt động trên lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và hiện đang tư vấn cho một trong hai công ty xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của Việt Nam đã trả lời Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam hơn xung quanh nhận định trên của ADB.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, xin ông phân tích sâu hơn về sự cần thiết phải bổ sung thêm mảnh ghép là các công ty xếp hạng tín nhiệm cho thị trường TPDN Việt Nam mà báo cáo của ADB vừa đưa ra, đặc biệt là trong tương quan với kinh nghiệm quốc tế. Theo ông, việc bổ sung thêm này gặp những rào cản, khó khăn nào?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Nói về công ty xếp hạng tín nhiệm cho thị trường TPDN Việt Nam, hiện Việt Nam đã có hai công ty được Bộ Tài chính cấp phép là Sài Gòn Phát Thịnh Rating (năm 2017) và FiinGroup (tháng 3/2020). Được cấp phép cách đây 3 năm nhưng Sài Gòn Phát Thịnh Rating chủ yếu xếp hạng tín nhiệm cho những công ty có vốn nước ngoài FDI, chưa xếp hạng cho những công ty làm chứng khoán ở trong nước. Tôi rất mong những công ty xếp hạng tín nhiệm này sẽ triển khai hoạt động của họ hiệu quả trong năm 2021.
Điều này cũng cho thấy, ADB đã hoàn toàn đúng khi cho rằng, tại thời điểm này, Việt Nam đang thiếu những công ty xếp hạng tín nhiệm và cái này rất cần thiết cho thị trường trái phiếu. Bởi vì, trong số những nhà đầu tư, có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ không có khả năng phân tích tín dụng ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Họ cần một sự đánh giá độc lập của công ty xếp hạng tín nhiệm. Không chỉ nhà đầu tư riêng lẻ, đầu tư cá nhân, ngay cả tổ chức lớn khi mua chứng khoán đều cần sự đánh giá của các công ty đánh giá tín nhiệm độc lập.
Việt Nam đang có rủi ro rất lớn vì số lượng lớn trái phiếu phát hành trước khi Nghị định số 81 có hiệu lực. Rất nhiều tổ chức phát hành đã phát hành “ào ạt” một lượng trái phiếu rất lớn, dùng lãi suất cao để thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, tạo ra rủi ro rất lớn. Chính vì thế, Việt Nam cần phải gấp rút có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín và làm việc một cách trung thực, khoa học, độc lập. Không những dừng lại ở hai công ty là Sài Gòn Phát Thịnh Rating và FiinGroup, cần phải có vài công ty thêm nữa để thị trường đa dạng hơn và các công ty này cũng cần sự cạnh tranh giúp thị trường sàng lọc và trở nên tốt hơn.
Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể là tại Mỹ cho thấy, Mỹ có 3 công ty xếp hạng tín nhiệm lớn nhất toàn cầu là Moody's, Fitch Group và Fitch Ratings, với những đánh giá và thẩm định rất khách quan, trung thực. Các nhà đầu tư dựa vào đánh giá của các công ty này để đưa ra các quyết định của mình. Từ kinh nghiệm đó, Việt Nam cũng phải có những công ty xếp hạng như vậy.
Với kinh nghiệm của tôi khi làm việc ở các tổ chức tài chính nước ngoài, tôi nhấn mạnh việc cho vay hoặc đầu tư vào chứng khoán đều cần xem xếp hạng tín nhiệm của công ty phát hành trái phiếu ở mức nào. Dĩ nhiên là mình không thể tin tưởng hoàn toàn vào đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, vì họ có những tiêu chí riêng của của họ, mình cũng phải có tiêu chí riêng của mình. Ngoài việc xem xếp hạng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm như thế nào, nhà đầu tư phải tự đánh giá qua những báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành.
Theo tôi, mảnh ghép là các công ty xếp hạng tín nhiệm cho thị trường TPDN Việt Nam hiện còn gặp nhiều rào cản.
Rào cản trước hết là các nhà đầu tư của Việt Nam từ trước tới nay vì đầu tư trong nước nên họ không dựa vào bất cứ xếp hạng tín nhiệm - họ không có thông tin xếp hạng tín nhiệm. Nhà đầu tư đánh giá, quan sát thị trường để xem hoạt động mua vào, từ đó, đầu tư chứng khoán của họ bị ảnh hưởng bởi khối ngoại - lực lượng tài chính rất lớn. Rất nhiều nhà đầu tư của Việt Nam theo đuôi khối ngoại, điều này cũng cho thấy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cần thời gian để nhà đầu tư vượt qua trở ngại của mình.
Thứ hai, xếp hạng tín nhiệm đòi hỏi những thông tin về tài chính phải rất minh bạch. Đây là một thiếu sót ở Việt Nam. Những báo cáo tài chính của các tổ chức phát hành là những báo cáo tài chính được các công ty kiểm toán độc lập họ phát hành. Cho đến bây giờ, có lẽ chúng ta tin tưởng rất nhiều vào những công ty kiểm toán quốc tế nhưng những công ty kiểm toán này đòi hỏi chi phí rất cao, bởi vậy, để chỉ có tổ chức phát hành lớn mới chịu được được những kinh phí lớn này.
Thứ ba là tính minh bạch của công ty tài chính. Công ty ở Việt Nam rất ngại công bố ra những bất lợi, yếu về mặt tài chính. Chẳng hạn như trong các báo cáo tài chính có kiểm toán ở các công ty bên Mỹ, thường họ có mục về các vụ kiện đang xảy ra. Công ty kiểm toán bên đó luôn có bình luận về công ty có vụ kiện như thế đang ảnh hưởng thế nào đến công ty của mình. Ở Việt Nam chưa bao giờ tôi đọc một báo cáo kiểm toán nào có thông tin về công ty nào bị kiện nên tôi đánh giá mức độ tin cậy, minh bạch của các công ty, các tổ chức phát hành của mình còn rất yếu kém. Đó là những rào cản chung.
Thêm nữa là rào cản chi phí. Một trong những công ty xếp hạng tín nhiệm mà tôi tư vấn đã phát hành xếp hạng tín nhiệm cho những công ty FDI-những công ty sẵn sàng chi trả cho số tiền có thể xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại, các công ty ở trong nước yêu cầu một công ty kiểm toán quốc tế đã là khó vì mức đắt đỏ, bây giờ lại phải chịu thêm một phí xếp hạng tín nhiệm nữa thì đây là rào cản khiến không nhiều công ty có thể thực hiện.
Phóng viên: Ủy ban chứng khoán nhà nước cho biết, để thị trường TPDN phát triển minh bạch, ổn định và hiệu quả thì phải xây dựng được thị trường TPDN chuyên biệt. Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự chuyên biệt này?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Trái phiếu chuyên biệt theo tôi hiểu nếu có thị trường trái phiếu mà trong đó, những tổ chức phát hành trong lĩnh vực chuyên môn, chuyên biệt chẳng hạn như tổ chức phát hành tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy điện, xây dựng, sản xuất hàng hóa điện tử, bán lẻ…. thì việc phát hành trái phiếu cần phải được phân loại như thế.
Mỗi một ngành nghề kinh tế có chỉ tiêu tài chính riêng lẻ, chẳng hạn như đòn bẩy tài chính chia cho tổng nợ, chia cho vốn chủ sở hữu thì một công ty nếu sản xuất chế biến thực phẩm thì đòn bẩy tài chính 2/1 là chấp nhận được, 3/1 là cao. Nếu là công ty bán lẻ thì đòn bẩy tài chính của họ lên tới 9/1, 10/1. Mỗi ngành nghề như vậy có điều kiện kinh doanh, chỉ tiêu tài chính khác biệt, chính vì vậy, khi phát hành trái phiếu mình có tiêu chí riêng cho mỗi ngành nghề sẽ chuẩn mực hơn là bỏ tất cả chung vào một rổ rồi “xóc lên”.
Phóng viên: Xin ông lời khuyên cho doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường trái phiếu DN sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, tiếp đó là Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021?
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, việc đầu tiên một nhà đầu tư mua trái phiếu, mua chứng khoán là họ phải đánh giá, thẩm định được tài chính của tổ chức phát hành qua những báo cáo về tài chính, kiểm toán, qua thông tin trên thị trường về tổ chức phát hành đó.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sự thẩm định một tổ chức phát hành hay một chứng khoán là: nếu là trái phiếu thì khả năng trả nợ của doanh nghiệp đó như thế nào, dùng những chỉ số nào, phương pháp nào để thẩm định được khả năng trả nợ. Chẳng hạn một trái phiếu 5 năm trả gốc và lãi thì nhà đầu tư phải xem cái gì trong bản báo cáo tài chính để xác nhận cái khả năng trả nợ. Nếu là cổ phiếu phải xem giá trị cổ phiếu trên sổ sách và trên thị trường nó như thế nào.
Như vậy, nhà đầu tư phải có khả năng thẩm định, phân tích tài chính, tín dụng cho tổ chức phát hành. Đồng thời, doanh nghiệp buộc phải minh bạch hóa hoạt động của mình.
Cùng với đó, tất cả quy định mà Nhà nước ban hành mới đây liên quan đến thị trường TPDN cần phải được thực thi với các biện pháp “mạnh tay” đối với những công ty “nửa vời” tham gia thị trường trái phiếu, kể cả việc đưa ra tòa hoặc xử lý đóng cửa các công ty phát hành vi phạm trầm trọng. Nếu không, các quy định sẽ trở nên vô nghĩa lý. Tôi nghĩ, tất cả các quy định làm minh bạch hóa thị trường TPDN tại Nghị định 81, Luật doanh nghiệp, Luật Chứng khoán đều rất tốt, nhưng vấn đề thực thi là vô cùng quan trọng.
Về dự báo thị trường TPDN trong năm tới, tôi nhấn mạnh lại trong phân khúc thị trường tài chính, thị trường TPDN vẫn là rủi ro nhất. Ngân hàng cho vay họ có sự thẩm định, trái phiếu của Chính phủ được bảo vệ bởi Chính phủ, có độ an toàn cao. Còn lĩnh vực rủi ro nhất là TPDN, nhất là các doanh nghiệp Việt Nam đi vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, kinh doanh chứng khoán thì tất cả trái phiếu của họ là một “cái bẫy” cho các nhà đầu tư, khi mà các nhà đầu tư cũng chỉ nhắm đến lợi nhuận - tìm những chỗ có lãi suất cao, lợi tức cao để đầu tư.
Tại thời điểm này và tiếp sang năm 2021, nhà đầu tư hãy hết sức cẩn trọng với TPDN.