Tiến sĩ Phạm Toàn và câu chuyện về sức khỏe tâm lý ở trẻ em
Nhân dịp ra mắt ấn phẩm Tâm lý học trẻ em (NXB Trẻ), ngày 18-9, tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Tiến sĩ Phạm Toàn đã trò chuyện cùng bạn đọc về sức khỏe tâm lý tâm thần.
Tiến sĩ Phạm Toàn là bác sĩ tham vấn, trị liệu tâm lý tâm thần, nguyên Trưởng khoa Tâm lý trị liệu, Trung tâm sức khỏe tâm thần Halmilton Madison New York (Hoa Kỳ). Ông đã nhận được giải thưởng chuyên viên danh dự phục vụ cộng đồng của tổ chức quốc tế Chamberlain Foundation (Welcome Back Awards) khu vực Hoa Kỳ - Canada trong năm 2006.
Ngoài Tâm lý học trẻ em, TS Phạm Toàn còn có hai ấn phẩm từng được xuất bản tại NXB Trẻ, gồm: Tâm bệnh học (xuất bản năm 2020, tái bản năm 2021) và Hướng dẫn chẩn đoán tâm lý tâm thần theo DSM-5 (xuất bản năm 2021, tái bản năm 2022). Trước đó, vào năm 2014, ông cũng có ấn phẩm Thấu hiểu và hỗ trợ trẻ tự kỷ (First News và NXB Trẻ), viết chung cùng Bác sĩ Lâm Hiếu Minh, nhận được sự quan tâm của bạn đọc.
Với cuốn sách mới nhất - Tâm lý học trẻ em, TS Phạm Toàn ghi lại những chi tiết thuộc về tiến trình phát triển của trẻ trên cả hai mặt thể chất và tinh thần đã được ngành y học hiện đại nghiên cứu và khảo sát trong suốt các thập niên gần đây. Chính vì vậy, cuốn sách không chỉ cần thiết cho những người làm trong lĩnh vực tâm lý, nhân viên công tác xã hội, thầy cô giáo, sinh viên… mà các bậc phụ huynh cũng sẽ tìm thấy những kiến thức hữu ích.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Trẻ cho biết, NXB Trẻ bắt đầu làm việc với TS Phạm Toàn từ cuối năm 2019. Trong 4 năm đã xuất bản được 3 cuốn sách, đây là bộ sách khá nặng ký theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, với tổng số trang cũng khá dày với hơn 1.000 trang.
“Quan trọng hơn là khối lượng kiến thức ngồn ngộn cùng rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn được TS Phạm Toàn đưa vào, để những vấn đề về tâm lý tâm thần mà mọi người đang nghĩ là khó đọc, khó hiểu, phải những người có chuyên môn mới đọc được, thì cuốn sách này đã hóa giải điều đó. Bộ sách giúp những người bình thường không có chuyên môn cũng thấy mình trong những câu chuyện, những ví dụ mà TS Phạm Toàn đưa vào trong sách”, ông Nguyễn Thành Nam nói thêm.
Tại chương trình, TS Phạm Toàn đã chia sẻ tận tình và thấu đáo các vấn đề đang được quan tâm hiện nay. Một trong số đó là chứng rối loạn lo âu mà không ít người đang gặp phải. Theo ông, lo âu là chuyện hết sức bình thường của con người nhưng nếu ở trạng thái luôn luôn lo âu, lo âu kéo dài và ở trạng thái quá đáng là dấu hiệu cần phải chú ý.
“Có những người không biết sao đầu luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng từ chuyện này đến chuyện khác. Chính sự lo âu làm cho họ mất ăn mất ngủ, không làm việc được, cơ thể suy nhược. Đó chính là triệu chứng của rối loạn lo âu. Nếu để lâu dài không chữa thì sẽ có hại rất nhiều cho cơ thể”, TS Phạm Toàn cho biết.
Cũng theo TS Phạm Toàn, bất cứ cái gì liên quan đến bệnh tâm lý tâm thần cũng đều có nguyên nhân của nó. Trong đó, có 3 lý do chính: bẩm sinh, di truyền và sự tác động của bên ngoài. Chính ba yếu tố đó khiến cho một cá nhân bình thường trở nên rối loạn lo âu.
Lý giải cụ thể hơn về yếu tố di truyền, TS Phạm Toàn đưa ra kết quả từ một nghiên cứu: Nếu cha hoặc mẹ có gen về vấn đề tâm thần phân liệt (gây ra những hoang tưởng, ảo giác) thì 13% con cái sinh ra đều có gen như vậy; nếu cả cha và mẹ đều có gen vấn đề tâm thần phân liệt thì 46% con cái sẽ bị. Trường hợp hai anh em (chị em) sinh đôi cùng trứng thì một người bị, 48% người còn lại cũng bị.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý như trầm cảm, chứng “nghiện” smartphone ở trẻ, chăm sóc sức khỏe của trẻ em sau đại dịch Covid-19, những kỹ năng cần thiết cho trẻ ở độ tuổi dậy thì… cũng được TS Phạm Toàn chia sẻ và “gỡ vướng” bằng sự thân tình và dễ hiểu.