Tiền số, tiền ảo là cơ hội hay cạm bẫy?

Theo các thống kê, nhà đầu tư Việt đang kiếm lời tỷ USD từ tiền ảo, tiền số. Tuy nhiên, nhiều đường dây lừa đảo liên quan đến loại sản phẩm này được các cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp phát hiện cũng lên tới hàng trăm triệu USD.

Làm sao để nhà đầu tư tránh được cạm bẫy trong các cơ hội từ tiền ảo, tiền số là bài toán được nhiều người quan tâm?

Theo thống kê của Chainalysis (công ty phân tích blockchain của Mỹ), trong năm 2023, nhà đầu tư Việt Nam đã kiếm lời gần 1,2 tỷ USD từ Bitcoin và các loại crypto khác, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Giai đoạn 2023 - 2024, dòng vốn từ thị trường blockchain chảy vào Việt Nam luôn đạt trên 105 tỷ USD.

Số liệu được ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đưa ra dự báo, đến năm 2030, giá trị các loại tài sản truyền thống được mã hóa sẽ đạt 16.000 tỷ USD, chiếm 10% GDP toàn cầu (hiện mới chỉ chiếm 0,6%). Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này.

Riêng với tiền mã hóa, Việt Nam là nơi có cộng đồng đầu tư mạnh mẽ nhất, với 17 triệu nhà đầu tư sở hữu tài sản mã hóa (năm 2024), đứng thứ 7 toàn cầu.

Thực tế cho thấy, thế giới và Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu. Tại nhiều quốc gia, lĩnh vực tài sản số (gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung) đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng được vị thế chiến lược quốc gia.

Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này, theo các chuyên gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nước ta trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.
Dù trong nhóm quốc gia kiếm lời nhiều nhất từ tiền số, song nhà đầu tư Việt cũng thuộc danh sách các quốc gia “sập bẫy” nhiều nhất về tiền ảo. Riêng đường dây lừa đảo tiền ảo, chứng khoán quốc tế của Mr.Pip đã lên tới hơn 200 triệu USD.

Bên cạnh đó, đa phần tiền ảo đang được giao dịch tại các sàn ngoại hối có trụ sở ở nước ngoài và không có đại diện tại Việt Nam. Hiện pháp luật Việt Nam chưa công nhận tài sản số, do đó, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư hoàn toàn phải chịu trách nhiệm.

Các chuyên gia cảnh báo, nguy cơ bị lừa đảo khi tham gia thị trường tiền ảo là rất lớn. Nhà đầu tư không chỉ phải đối mặt với các tội phạm lừa đảo quốc tế, mà có thể bị "giăng bẫy" bởi chính những người quen, bởi tính ẩn danh của tiền ảo.

Từ thực tiễn phát triển của thị trường tài sản số, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các DN mà còn là điều kiện cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Luật hóa tài sản số sẽ là một trong những tiền đề để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và có vị thế quốc tế trong ngành blockchain.

Giới chuyên gia kỳ vọng, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được Quốc hội thông qua vào quý II/2025, tạo hành lang pháp lý bảo vệ người tiêu dùng, làm cơ sở xử lý tranh chấp cũng như đưa dòng chảy tiền ngầm vào nền kinh tế, tránh thất thu thuế.

Có thể thấy, xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo - điều cốt lõi của tài sản số. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Với tầm nhìn chiến lược và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về tài sản số trong khu vực. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam bắt kịp xu thế toàn cầu mà còn là cách để nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ công nghệ thế giới.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tien-so-tien-ao-la-co-hoi-hay-cam-bay.html