Tiền tệ BRICS: Liệu lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump có hiệu quả không?
Ông Donald Trump mới đây đã đe dọa áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các nước BRICS nếu họ phát triển một loại tiền tệ mới nhằm cạnh tranh với đồng USD.
Tại sao BRICS muốn thách thức đồng USD?
Các quốc gia BRICS, được đặt theo tên của các thành viên ban đầu là Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa), đã nổi lên như khu vực kinh tế phát triển nhanh trong thế kỷ 21. Họ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD, đồng tiền hiện chiếm gần 80% thương mại toàn cầu.
Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng hệ thống tài chính do đồng USD chi phối mang lại nhiều lợi thế kinh tế cho Mỹ, như chi phí vay thấp, khả năng duy trì thâm hụt tài chính lớn và sự ổn định của tỷ giá hối đoái. Đồng USD cũng là tiền tệ chính dùng để định giá các mặt hàng như dầu và vàng, khiến nó trở thành lựa chọn phổ biến.
Mỹ cũng tận dụng sự thống trị của đồng USD làm công cụ để tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế, cấm vận đối với các quốc gia khác; nhằm kiểm soát tiếp cận thương mại và tài chính của họ. Các nước BRICS, bao gồm cả những quốc gia mới gia nhập như Iran, Ai Cập, Ethiopia và UAE, cáo buộc Washington "vũ khí hóa" đồng USD để thúc đẩy lợi ích của Mỹ.
Các cuộc thảo luận về một loại tiền tệ chung mới đã thu hút sự chú ý sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt hàng chục nghìn lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xung đột với Ukraine vào năm 2022. Việc tạo ra đồng tiền chung làm công cụ thanh toán quốc tế thay cho đồng USD này cũng diễn ra trong bối cảnh các quốc gia BRICS khác lo ngại rằng họ cũng có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt nếu có bất đồng quan điểm với phương Tây.
Kế hoạch tiền tệ của BRICS đã phát triển như thế nào?
Ý tưởng về một loại tiền tệ chung của BRICS lần đầu tiên được nêu ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008/2009, khi khủng hoảng bất động sản ở Mỹ gần như làm sụp đổ hệ thống ngân hàng thế giới.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm ngoái ở Nam Phi, các quốc gia trong khối đã đồng ý nghiên cứu khả năng tạo ra một đồng tiền chung để giảm thiểu rủi ro từ việc phụ thuộc vào đồng USD, mặc dù các lãnh đạo của BRICS nhận định rằng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS ở Kazan vào tháng 10 vừa rồi, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất một hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên blockchain nhằm tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Các lãnh đạo BRICS chỉ đồng ý thúc đẩy thương mại trong khối bằng cách sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong khối để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Ông Putin và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất một đồng tiền chung, trong khi Trung Quốc chưa có quan điểm rõ ràng, mặc dù họ ủng hộ các sáng kiến giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Ấn Độ thì tỏ ra thận trọng hơn về đề xuất này.
Liệu đồng tiền BRICS có khả thi không?
Việc tạo ra một đồng tiền chung sẽ là thử thách lớn đối với các quốc gia BRICS, do sự khác biệt trong hệ thống chính trị và kinh tế của các thành viên. Các quốc gia này đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, với mức tăng trưởng không đồng đều.
Chẳng hạn, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất của BRICS, chiếm khoảng 70% tổng GDP của khối. Sự thống trị của Trung Quốc trong BRICS có thể gây mất cân bằng và khiến Ấn Độ khó đồng thuận với các điều kiện của một đồng tiền chung mà không làm giảm lợi ích quốc gia của mình. Thêm vào đó, các thành viên BRICS khác có thể phản đối việc áp dụng một loại tiền tệ chung do khác biệt về lợi ích kinh tế.
Khả năng cao là BRICS sẽ phát triển một loại tiền tệ chỉ dành cho giao dịch thương mại, được định giá dựa trên một rổ tiền tệ hoặc hàng hóa như vàng và dầu. Một giải pháp thay thế có thể là phát triển một loại tiền kỹ thuật số.
Tiền tệ BRICS có thể hoạt động theo cách tương tự như Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). SDR là một tài sản tài chính quốc tế, được định giá theo tỷ giá hối đoái hàng ngày của đô la, euro, nhân dân tệ, yên và bảng Anh.
Liệu lời đe dọa áp thuế 100% của ông Trump có quá sớm không?
Ông Trump đã tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1 tới, ông sẽ yêu cầu các quốc gia BRICS cam kết không phát triển một loại tiền tệ mới để thay thế đồng USD. Tuy nhiên, lời đe dọa này có thể là quá vội vàng, bởi vì kế hoạch tạo ra tiền tệ BRICS vẫn chưa tiến triển đáng kể, dù các nhà lãnh đạo BRICS đã đưa ra những phát biểu mạnh mẽ.
Vào ngày 2/12, Nam Phi khẳng định không có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ BRICS mới. Theo người phát ngôn của Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế Nam Phi Chrispin Phiri, các cuộc thảo luận hiện nay chủ yếu tập trung vào việc thúc đẩy thương mại trong khối bằng cách sử dụng các loại tiền tệ quốc gia.
Lời đe dọa của ông Trump có thể làm căng thẳng quan hệ với các nền kinh tế phát triển nhanh của BRICS, vốn là những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Điều này cũng có thể dẫn đến những biện pháp trả đũa và gây ra nguy cơ làm gia tăng lạm phát toàn cầu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, quyết định của ông Trump tập trung vào việc duy trì đồng USD cũng đánh dấu một sự thay đổi so với chính sách của ông trong nhiệm kỳ đầu, khi ông ủng hộ việc làm suy yếu đồng USD để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Lời đe dọa này đã góp phần làm đồng USD mạnh lên và khiến vàng cùng các đồng tiền khác như nhân dân tệ, rupee, rúp và rand của các quốc gia BRICS suy yếu.
Phát ngôn viên của Chính phủ Nga, Dmitry Peskov, cho biết ngày càng có nhiều nước chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại quốc tế, phản ánh xu hướng giảm sự phụ thuộc vào đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ.