Tiền thu, chi từ tổ chức lễ hội, tiền công đức: Giám sát thế nào?
Sau nhiều năm tranh luận, lần đầu tiên có thông tư hướng dẫn, quản lý, thu-chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức tài trợ cho di tích. Tuy nhiên, làm thế nào để quy định đi vào thực tế, việc giám sát dòng tiền thu - chi trong tổ chức lễ hội hiệu quả vẫn là câu hỏi khó.
Nơi quản, nơi buông
Cả nước hiện có khoảng 9.000 lễ hội và gần 60.000 di tích văn hóa. Trước khi Thông tư 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội được ban hành, chưa có bất cứ văn bản pháp luật điều chỉnh quản lý, thu chi với lĩnh vực này. Việc quản lý tiền tổ chức lễ hội, tiền công đức theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.
Chỉ riêng lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã thu hút tới 90.000 lượt khách. Trong khi đó, lượng khách đổ về lễ hội chùa Hương kéo dài tới hết tháng 3 âm lịch hằng năm. Dù tổ chức lễ hội nhiều năm, nhưng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương hiếm khi công bố số tiền thu được.
Lần gần nhất, năm 2016, đại diện UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, có 1,4 triệu khách du lịch, mức chi tiêu trung bình 300 - 400 nghìn đồng/khách (gồm 35 nghìn đồng tiền đò, cáp treo 140 nghìn, 50 nghìn vé thắng cảnh và chi phí ăn uống). Tổng doanh thu của lễ hội Chùa Hương năm 2016 trên 500 tỷ đồng. Trong tổng doanh thu, Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương thu tối đa 60-70 tỷ đồng từ tiền vé tham quan và chi cho công tác phục vụ, đầu tư hạ tầng khoảng một nửa số tiền này.
Tỉnh Lào Cai có đền Ông Hoàng Bảy (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên). Không chỉ dịp đầu năm đi lễ chùa, vào ngày rằm, mồng 1 trong tháng, nhiều du khách sắm lễ đến dâng lên đền và công đức.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (Lào Cai), cho biết, việc thu chi ở đền Ông Hoàng Bảy (Bảo Yên) do ban quản lý thu. Sau đó, định kỳ đại diện UBND huyện tổng hợp rồi nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định. Hằng năm, đánh giá lại nguồn thu để lập dự án và dùng số tiền này để trùng tu đền.
Ông Dũng cho biết, 2 năm trước (khi có dịch bệnh COVID - 19) tiền công đức vào chùa ít. Riêng năm 2019, riêng tiền công đức vào đền Ông Hoàng Bảy là hơn 40 tỷ đồng.
Cũng nổi tiếng với nhiều đền, chùa, tỉnh Nghệ An nhận được nhiều tiền công đức. Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết, việc quản lý đền, chùa, di tích giao cho ban quản lý của từng bộ phận và Sở Văn hóa quản lý. Về nguyên tắc, việc thu, chi những tiền công đức trong chùa được phân cấp và có quy chế.
Năm 2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 18 về tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, số tiền công đức tại các di tích phải gửi vào kho bạc và chi cho các mục đích: tu bổ, tôn tạo di tích; hoạt động thường xuyên tại di tích như lễ nghi, khánh tiết, điện nước, vệ sinh, tuyên truyền, in ấn phiếu công đức, sơ kết, tổng kết, tổ chức lễ hội...; chi phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích; để lại cho ngân sách địa phương có di tích dùng để chi cho phúc lợi xã hội; trích cho nguồn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để sử dụng vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Còn xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là khu di tích lịch sử quốc gia, khu di tích quốc gia đặc biệt.
Theo đại diện Bộ Tài chính, hiện nay di tích gồm nhiều loại và quy mô khác nhau, thuộc nhiều chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng khác nhau, ở những vùng miền, dân tộc khác nhau; lễ hội cũng đa dạng.
Vì vậy, số tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội ở mỗi địa phương, từng di tích không giống nhau. Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế tại địa phương và từng di tích, Bộ Tài chính chỉ quy định có tính nguyên tắc, tỷ lệ phần trăm ban quản lý di tích do đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại. Mức trích cụ thể để các địa phương tự quyết định.
Chuyển khoản để minh bạch dòng tiền
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - đơn vị ban hành Thông tư, cho biết, có nhiều quy định để minh bạch nguồn tiền tổ chức lễ hội.
Với việc quản lý, thu chi tiền công đức, khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, đơn vị quản lý phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản.
Với tiền mặt, đơn vị quản lý cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, đơn vị quản lý kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.
Khoản tiền đặt không đúng nơi quy định được thu gom, kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch. Tiền lãi phát sinh trên tài khoản được quản lý theo quy định.
Theo bà Hiền, nguồn tài chính tổ chức lễ hội gồm: tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội; hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Thu từ hoạt động dịch vụ trong khu vực tổ chức lễ hội (gồm cho thuê địa điểm bán hàng lưu niệm, đồ ăn uống, quay phim, chụp ảnh, trông giữ xe, vận chuyển du khách) và dịch vụ khác phù hợp với quy định của địa phương.
TS Phan Phương Nam (Trường Đại học Luật TPHCM) nói rằng, sau khi có quy định về quản lý thu chi, việc quản lý tiền vào, tiền ra thông qua tài khoản sẽ được cụ thể, chi tiết. Việc nộp tiền, rút tiền qua tài khoản đều có sao kê. TS Nam cho rằng, quan trọng nhất là cần cơ chế kiểm soát dòng tiền.
“Để quy định đi vào thực tế, thực sự minh bạch, chúng ta cần quy định rõ, nguồn tiền chi do thủ nhang, trụ trì quyết định hay cần phải có sự đồng ý của ban quản lý tại địa phương. Hằng tháng, khoản thu chi cần báo cáo công khai thu chi, in và dán tại địa điểm người dân dễ tiếp cận như UBND xã, phường nơi có đền, chùa”, TS Nam kiến nghị.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đóng góp công đức là việc làm thường xuyên với người Việt. Do chưa có văn bản quy định chính thức nên có một số người “miệng tâm, bụng tà”, biển thủ tiền công đức. Công khai, minh bạch thu chi nguồn tiền công đức giúp người nhận tiền thoải mái, người cung tiến cũng cảm thấy yên tâm.
“Muốn quy định đi vào thực tế, cần có cơ quan giám sát thực thi. Khi muốn kiểm tra việc thu chi, quản lý trong di tích, đền chùa của những người thủ nhang, quản đền, cần có sự kiểm tra, chứng kiến của chính quyền địa phương như đại diện tổ dân phố, UBND xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quản lý là người giám sát hiệu quả nhất”, ông Long nói.
Với việc quản lý, thu chi tiền công đức, khi tiếp nhận tiền công đức, tài trợ, đơn vị quản lý phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản. Với tiền mặt, đơn vị quản lý cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, đơn vị quản lý kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận.