Tiền thu được từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm gì?

Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là rất cần thiết. Song, cần làm rõ cơ chế sử dụng số tiền thu được (khoảng 14.600 tỷ đồng).

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng điều hành phiên họp tổ sáng 10.11.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng điều hành phiên họp tổ sáng 10.11.

Cho ý kiến tại phiên họp Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) sáng 10.11, các đại biểu cơ bản tán thành việc cần có Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (gọi tắt là Nghị quyết) được nêu rõ trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Theo đó, hiện nhiều nước đã nội luật hóa các quy định về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của OECD và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu đầu tư sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế dưới 15%. Vì vậy, ban hành Nghị quyết này nhằm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp tổ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên họp tổ.

Nhìn lại 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết, đến nay, đã có 38.622 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, riêng tại TP. Hồ Chí Minh là 11.734 dự án, chiếm 30%. Vốn FDI đầu tư đăng ký đạt 460 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 292 tỷ USD (riêng tại TP. Hồ Chí Minh là 56,7 tỷ USD).

Khu vực FDI có vị trí, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, với mức đóng góp 20 – 22% GDP. Năm 2022, FDI đóng góp 13,7% tổng thu ngân sách cả nước, 16% tổng vốn đầu tư xã hội, 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu và 65% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2022, khu vực FDI đóng góp 19,95% GDP, trong khi năm 2011 chỉ đạt 15,4%. Tuy nhiên, mức đóng góp vào tổng đầu tư xã hội trên địa bàn của khu vực này có sự sụt giảm, chỉ đạt 9,9% vào năm 2022, thấp hơn mức 15,5% vào năm 2011.

Rõ ràng, khu vực FDI đã đóng góp lớn vào sự phát triển đất nước, song vẫn còn hạn chế so với kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ... Ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn rất khiêm tốn, khâu kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Trong bối cảnh đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến thu hút FDI của Việt Nam và cần phải có giải pháp cho vấn đề này.

Theo đó, song song với việc ban hành Nghị quyết, rất cần thể chế hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20.8.2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Về giải pháp cụ thể, đại biểu Trần Hoàng Ngân thông tin, Thái Lan đã xây dựng xong kế hoạch về việc sử dụng nguồn tiền thu được từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu chuyển sang một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, tức là tái hỗ trợ bằng con đường khác. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu giải pháp này.

ĐBQH Trần Anh Tuấn đề xuất làm rõ cơ chế sử dụng số tiền thu được từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

ĐBQH Trần Anh Tuấn đề xuất làm rõ cơ chế sử dụng số tiền thu được từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Trần Anh Tuấn đề xuất, số tiền thu được từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (khoảng 14.600 tỷ đồng) nên dùng để hỗ trợ lại chính các doanh nghiệp FDI, đó cũng là một cách để thu hút, giữ chân họ ở lại Việt Nam.

Song, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, quan trọng hơn, “cần xem FDI đến Việt Nam, đến TP. Hồ Chí Minh vì điều gì?”.

Dẫn khảo sát trực tiếp từ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, vị đại biểu cho rằng, lý do họ tìm đến Việt Nam là bởi tài nguyên lao động hấp dẫn; các chi phí sản xuất, tiền lương, nước... thấp. Đặc biệt, theo đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam có tình hình chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định. “Đây là hai điểm mạnh của Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh, với hàm ý Việt Nam cần tiếp tục phát huy để thu hút FDI.

Mặt khác, hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã rất quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng, song theo đại biểu, bên cạnh hạ tầng giao thông cần phải phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội (hạ tầng thông tin, y tế, giáo dục, bảo đảm an ninh trật tự...); đồng thời, có giải pháp hữu hiệu nhằm giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 theo định hướng của Chính phủ cũng sẽ góp phần thu hút FDI trong thời gian tới.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp tổ

ĐBQH Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp tổ

Một giải pháp quan trọng khác được các đại biểu nêu bật là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo ĐBQH Đỗ Đức Hiển, cần phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục để tạo môi trường đầu tư hấp dẫn là giải pháp rất quan trọng. “Chúng ta còn dư địa để cải cách”, ông nói.

Nhìn từ kinh nghiệm của Singgapore, khi có dự án FDI vào, cơ quan chức năng của nước này sẽ làm toàn bộ thủ tục và doanh nghiệp FDI “không phải làm gì cả”. ĐBQH Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, “nếu chúng ta làm được sẽ rất tuyệt vời!”.

Vũ Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tien-thu-duoc-tu-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-se-lam-gi--i349536/