Tiền thuê đất cao hay thấp, nguyên nhân do đâu?

Theo quy định, yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến tiền thuê đất cao hay thấp là do diện tích đất và giá đất tính thu tiền thuê đất của dự án. Tuy nhiên, trước những khó khăn của doanh nghiệp trong và sau đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ nhiều chính sách giảm, gia hạn tiền thuê đất, kịp thời giúp doanh nghiệp giảm bớt được những khó khăn cũng như phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc xác định giá tính tiền thuê đất. Ảnh: TL minh họa.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc xác định giá tính tiền thuê đất. Ảnh: TL minh họa.

Rà soát lại nhu cầu và hiệu quả sử dụng đất cho phù hợp

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước hiện hành quy định, trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua đấu giá, đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm của mỗi dự án được ổn định 5 năm, tính từ thời điểm được Nhà nước quyết định cho thuê đất.

Khi hết thời gian ổn định đơn giá thuê đất, đơn giá áp dụng cho chu kỳ ổn định tiếp theo được xác định bằng giá đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định, tại thời điểm điều chỉnh đơn giá thuê đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành áp dụng từ ngày 1/1 hàng năm.

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp tỉnh xây dựng và ban hành bảng giá đất tại địa phương 5 năm/lần và công bố công khai vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Như vậy, UBND các tỉnh sẽ ban hành bảng giá đất đầu tiên theo Luật Đất đai năm 2013, sử dụng ổn định trong 5 năm từ ngày 1/1/2015 – 31/12/2019; bảng giá đất của kỳ tiếp theo sẽ là từ ngày 1/1/2020 - 31/12/2024.

Đồng thời, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc xác định, thu, nộp tiền thuê đất của các dự án tại địa phương, trong đó có các nội dung về xây dựng và ban hành: bảng giá đất; hệ số điều chỉnh giá đất; tỷ lệ % tính tiền thuê đất; quyết định giá đất cụ thể tính thu tiền thuê đất của các dự án; quyết định giao đất, cho thuê đất...

Hiện có hàng loạt doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng phản ánh việc tiền thuê đất tăng cao. Về vấn đề này Bộ Tài chính cho biết, hiện nay quy định của pháp luật về thu tiền thuê đất, miễn, giảm tiền thuê đất theo pháp luật về đất đai đã được quy định cụ thể, ổn định và được áp dụng thống nhất trên cả nước. Việc xác định tiền thuê đất, giá tính tiền thuê đất thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND TP. Đà Nẵng cần rà soát lại, có đánh giá cụ thể và xử lý các vấn đề trong phạm vi thẩm quyền.

Nói rõ hơn về chính sách thuê đất hiện hành, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ phần trăm (%) tính đơn giá thuê đất 1 năm trung bình là 1%. Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt (có lợi thế, đất trung tâm thương mại, dịch vụ...hoặc vùng sâu, vùng xa, khó khăn), UBND cấp tỉnh quyết định nhưng tối đa không quá 3%, tối thiểu không thấp hơn 0,5%. Mức tỷ lệ % do UBND cấp tỉnh ban hành cụ thể theo từng khu vực, tuyến đường tương ứng với từng mục đích sử dụng đất và công bố công khai trong quá trình triển khai thực hiện.

Căn cứ các quy định của pháp luật về đất đai, số tiền thuê đất phải nộp của dự án cao hay thấp phụ thuộc vào 4 yếu tố: diện tích phải tính tiền thuê đất của dự án; giá tính tiền thuê đất; mức tỷ lệ %; chính sách khấu trừ, miễn giảm của Nhà nước.

Trong đó, mức tỷ lệ % tính thu tiền thuê đất được áp dụng thống nhất đối với tất cả các doanh nghiệp (DN) trên cùng một địa phương, cùng một ngành và cùng chung một mục đích sử dụng đất (có thể điều chỉnh tăng giảm tỷ lệ % phụ thuộc vào lợi thế sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, vị trí đất,...). Mức tỷ lệ % có tính chất tương đồng đối với các dự án cùng mục đích và vị trí đất. Chính sách miễn giảm, tiền thuê đất chủ yếu phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo nguyên tắc cùng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn thì áp dụng như nhau.

Như vậy có thể thấy, yếu tố ảnh hưởng chủ yếu đến tiền thuê đất phải nộp cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào diện tích đất và giá đất tính thu tiền thuê đất của dự án.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, các DN và UBND các tỉnh cần rà soát lại nhu cầu và hiệu quả sử dụng đất cho phù hợp; tránh tình trạng sử dụng đất không hiệu quả hoặc phát sinh tiền thuê đất phải nộp lớn. Trường hợp sau khi cân đối lại nhu cầu sử dụng đất, DN có thể trả lại đất cho địa phương đối với phần diện tích đất không thật cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để giảm chi phí về tiền thuê đất; từ đó đảm bảo hiệu quả kinh doanh của dự án.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khoảng thời gian trong và sau đại dịch Covid-19 (từ 2020 đến nay), nhiều DN gặp khó khăn, khi phải thu hẹp ngành nghề kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng. Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và giảm tiền thuê đất.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15, cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là DN, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2020.

Hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách về cho phép miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với người nộp thuế là DN, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022.

Tuy nhiên cũng theo Bộ Tài chính, qua thực tế hiện nay cho thấy, việc quy định và xác định giá đất, phương pháp xác định giá đất... còn có vướng mắc, bất cập. Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ về thu tiền thuê đất theo Luật Đất đai (sửa đổi). Trên cơ sở dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hoàn thiện chính sách này trong thời gian tới cho phù hợp.

Chính sách về tiền thuê đất hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp

Công ty cổ phần Quan Hoa có diện tích đất được Nhà nước cho thuê trên 12.000 m2 là doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng lớn trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng số tiền thuê đất mà đơn vị phải nộp trong các năm từ 2020 đến 2023 gần 21 tỷ đồng. Ông Trần Văn Khanh – Phụ trách chung của công ty cho biết, trong 4 năm dịch Covid - 19 xảy ra, nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ cũng như sự đồng hành, tuyên truyền hướng dẫn các thủ tục, chính sách thuế kịp thời của Chi cục Thuế quận Cầu Giấy, Hà Nội, công ty đã được miễn giảm tiền thuê đất từ năm 2020 – 2022 trên 3,8 tỷ đồng và được gia hạn nộp tiền thuê đất từ năm 2020 - 2023 trên 8,6 tỷ đồng. Tổng công ty Du lịch Hà Nội – Công ty TNHH được Nhà nước cho thuê 2 địa điểm đất tại 34 Hàng Bún và tại số 12 Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội với gần 1 nghìn m2 cũng có những chia sẻ về việc tính tiền thuê đất. Ông Phạm Hùng Việt – Phó Trưởng phòng Tài chính của công ty cho biết, hiện nay, công ty được tính tiền thuê đất theo đúng mục đích sử dụng đất của DN, gồm phòng làm việc và kinh doanh và áp dụng đơn giá tiền thuê đất ổn định 5 năm, tương đương hơn 1 tỷ đồng mỗi năm. Thời gian ổn định đơn giá kỳ cuối từ 16/4/2020 đến hết ngày 15/4/2025. “Với cách tính này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và sẽ thực hiện theo quy định của chính sách thu tiền thuê đất hiện hành” – ông Hùng chia sẻ.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-thue-dat-cao-hay-thap-nguyen-nhan-do-dau-134319-134319.html